Cuộc sống gia đình công nhân mùa dịch COVID-19 nhiều thấp thỏm, lo âu

VOV.VN - Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống nhiều gia đình công nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Người thì mất việc, người thì không được tăng ca nên thu nhập giảm sút.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân ở Bình Dương rơi vào cảnh khốn khó. Giúp gia đình công nhân vượt qua khó khăn trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp ở Bình Dương cũng đã hỗ trợ bằng nhiều cách như thăm hỏi tặng quà, tiền mặt để công nhân có thêm điều kiện lo cho con em, trang trải cuộc sống.

Nỗi lo mùa dịch bệnh

Đã gần một tuần trôi qua nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương và anh Kim Văn Chinh, công nhân Công ty TNHH Hài Mỹ-Nhà máy Sài Gòn, ở thành phố Thuận An vẫn chưa quên được cái cảm giác gặp lại 2 con nhỏ sau 21 ngày cách ly tập trung. Trước đó, trong quá trình tiếp xúc với bạn bè, anh chị trở thành F1 và đồng nghĩa với việc phải đi cách ly tập trung. Dù hai con nhỏ được chính quyền địa phương và hàng xóm chăm sóc nhưng là người làm cha, làm mẹ, anh chị vẫn không khỏi lo lắng. Ở trong khu cách ly anh chị đếm ngược từng ngày để được về bên con.

“Có ở trong cách ly mới hiểu cực khổ như thế nào, không phải cực khổ về ăn uống mà về tâm lí vì lúc nào cũng lo lắng không biết mình có bị bệnh hay không, hay hai vợ chồng đi như thế này thì con cái ở nhà ra sao. Chỉ mong Nhà nước sớm hỗ trợ đến những người dân có vaccine phòng bệnh để khỏi lo lắng, yên tâm đi làm”, vợ chồng chị Hương, anh Chinh chia sẻ.

Cuộc sống xa quê trăm thứ phải chi tiêu khiến cho công nhân lo lắng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, công nhân Công ty TNHH Giày Kim Xương (khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố Thủ Dầu Một) tâm sự, rời quê Cà Mau, vợ chồng khăn gói lên Bình Dương làm công nhân với mong muốn có chút tiền gửi về quê cho ba mẹ chữa bệnh. Hai năm nay, dịch bệnh lặp đi lặp lại cuộc sống của vợ chồng chị cũng bị đẩy đưa. Chồng mất việc, vợ thì không tăng ca nên tháng nào cũng phải vay mượn thêm để trang trải cuộc sống. Đợt dịch lần thứ 4 này không biết đến bao giờ mới dừng. Giờ vào công ty cũng rất sợ vì không biết mình bị lây nhiễm lúc nào nhưng nếu không đi làm thì không có tiền xoay sở cho cuộc sống gia đình.

“Trong thời gian dịch bệnh này tụi em không có tiền thì chính quyền giúp đỡ gạo mì, hoặc giảm tiền phòng trọ. Nếu chính quyền làm được vậy là mừng lắm chứ đâu đòi hỏi phải cho tiền. Qua thời gian khó khăn này là tụi em đi làm trở lại bình thường sẽ có cách để lo cuộc sống”, chị Giàu nói.

Không chỉ mong mỏi được sẻ chia trong thời điểm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, xa hơn gia đình công nhân mong chờ Bình Dương và doanh nghiệp có thêm những chính sách ưu tiên để họ có cơ hội sở hữu căn nhà ở xã hội giá rẻ, hay được miễn giảm học phí cho con em… Có như vậy, công nhân không chỉ chọn Bình Dương làm nơi mưu sinh mà sẽ coi đây là quê hương thứ 2 để gắn bó lâu dài.

Đáp ứng mong chờ của công nhân

Trước nỗi lo lắng của công nhân, chủ các doanh nghiệp đã chủ động chăm lo cho đời sống vật chất để họ yên tâm. Đơn cử, một số doanh nghiệp không có đơn hàng, công nhân nghỉ nhưng vẫn trả lương; hay hỗ trợ tiền cho gia đình công nhân ở trong khu phong tỏa cách ly. Nhiều doanh nghiệp còn kêu gọi công nhân phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” chia sẻ với gia đình đồng nghiệp có hoàn cảnh đặc biệt. Ông Hoàng Sỹ Thành - Chủ tịch công đoàn Công Ty TNHH Scieltex Tsukasa Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An) cho biết, quan tâm đến đời sống của công nhân là vấn đề then chốt của sự phát triển: “Công đoàn cơ sở cũng phối hợp với công ty chăm lo, thăm hỏi, động viên các bạn yên tâm công việc và có sự an ủi để các bạn gắn bó với công ty, công việc và ổn định trong cuộc sống”.

Với trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Liên quan đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn các cấp công đoàn chủ động thương lượng với người sử dụng lao động để hỗ trợ, bảo đảm chế độ, tiền lương cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các ca F0, F1, F2 và đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa. Liên đoàn lao động tỉnh cũng lập danh sách cả ngàn công nhân là F0, F1, F2 và ở khu vực phong tỏa trích ngân sách công đoàn hỗ trợ kịp thời.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương chia sẻ, rất nhiều gia đình công nhân đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh lần thứ 4 này: “Đối với các gia đình có phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, chúng tôi cũng vận động đơn vị phúc lợi dành nguồn hỗ trợ để tặng cho các gia đình này. Gia đình có cha, hoặc mẹ đang ở trong khu cách ly chúng tôi cùng dành các phần quà, có được nguồn động viên của chúng tôi đến để họ yên tâm hơn”.

Vấn đề về an sinh xã hội cho công nhân lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đã dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ, thường xuyên kiểm tra để xóa những khu nhà trọ “ổ chuột”. Trường lớp cũng được xây dựng gần khu công nghiệp để công nhân thuận tiện đưa đón con... Nhờ đó, trong tổng số 1,2 triệu lao động từ các tỉnh đến Bình Dương làm việc rất nhiều người đã chọn Bình Dương để gắn bó lâu dài. Ngoài chủ động chăm lo, lãnh đạo Bình Dương cũng khuyến khích doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cho “vốn quý” của mình để giữ chân họ trong bối cảnh cạnh tranh lao động như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều công nhân Campuchia thiếu khả năng tiếp cận các gói an sinh xã hội
Nhiều công nhân Campuchia thiếu khả năng tiếp cận các gói an sinh xã hội

VOV.VN - Theo tổ chức Liên Hợp Quốc tại Campuchia, nhiều công nhân Campuchia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều công nhân Campuchia thiếu khả năng tiếp cận các gói an sinh xã hội

Nhiều công nhân Campuchia thiếu khả năng tiếp cận các gói an sinh xã hội

VOV.VN - Theo tổ chức Liên Hợp Quốc tại Campuchia, nhiều công nhân Campuchia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo an toàn mùa dịch
Vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo an toàn mùa dịch

VOV.VN - Vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, không chỉ giúp các DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Tuyên Quang.

Vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo an toàn mùa dịch

Vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo an toàn mùa dịch

VOV.VN - Vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, không chỉ giúp các DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Tuyên Quang.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới cách hoạt động trong mùa dịch
Cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới cách hoạt động trong mùa dịch

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 khiến cho việc giao thương hàng hóa bị đứt gãy, xuất khẩu bị đóng băng, chuyển hướng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới cách hoạt động trong mùa dịch

Cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới cách hoạt động trong mùa dịch

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 khiến cho việc giao thương hàng hóa bị đứt gãy, xuất khẩu bị đóng băng, chuyển hướng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp.