Tổng Bí thư làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo

Tổng Bí thư đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề của ngành một cách toàn diện, khách quan.

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Trung ương 6, khóa XI.  Cùng đi với Tổng Bí thư có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.

Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Đến nay, cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên; 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục, các cấp học, bậc học được phân bố rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học, trình Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm trong quản lý giáo dục các cấp.

Giáo dục mầm non, giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc tiếp tục được quan tâm và đầu tư. Nhiều chính sách mới cho giáo dục được ban hành; các quy định về chuẩn nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cấp phổ thông và mầm non được hoàn thiện.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4, cuối tháng 8 này, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Giáo dục đào tạo sẽ tiến hàng kiểm điểm tập thể và cá nhân từng ủy viên Ban cán sự Đảng theo ba nội dung được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về  xây dựng Đảng hiện nay” với tinh thần thẳng thắn, chân tình, khách quan và dân chủ để thực sự tạo ra những chuyển biến, khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác xây dựng Đảng và công tác chỉ đạo ngành.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị của Bộ Giáo dục và đào tạo phát biểu làm rõ thêm những mặt được và chưa được, góp thêm nhiều ý kiến nhằm đưa giáo dục- đào tạo bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Kể từ khi thành lập nước cho tới nay và qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong hoàn cảnh khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, thực hiện công bằng trong giáo dục, chuyển sang phát triển giáo dục đào tạo theo chất lượng, hiệu quả.

Tổng Bí thư cũng hoan nghênh thái độ thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu; chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề; có nơi, có lúc giáo dục bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, thành tích ảo; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, nhiều khoản đóng góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử, chương trình đào tạo còn nặng; sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…

Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực có liên quan tới nhiều Bộ, ngành, địa phương và “rất nhạy cảm” vì nó tác động tới toàn xã hội. Nêu điều này, Tổng Bí thư đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề của ngành một cách toàn diện, khách quan. Đây là cơ sở rất quan trọng để phân tích thấy rõ mình đang ở đâu, sắp tới làm gì, nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị cho Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” theo dự kiến sẽ được trình ra tại Hội nghị Trung ương 6 tới đây.

Phải phân tích cho được vì sao phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nội hàm của nó là gì, phải đổi mới tư duy về giáo dục từ đó mới xây dựng được các mô hình và cách làm phù hợp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong thời gian gần Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng toàn ngành tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, quan tâm tới vấn đề dạy người, giáo dục nhân cách bởi như Bác Hồ đã nói học trước hết là để làm người.

Để làm được điều này, Tổng Bí thư mong muốn trước hết mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải là tấm gương sáng về nhân cách cho học sinh, sinh viên noi theo. Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ giúp cho cán bộ, giáo viên, trong toàn ngành giáo dục và đào tạo liên hệ sâu sắc để tự giáo dục, rèn luyện mình, làm việc tốt, tránh việc xấu.

Tổng Bí thư khẳng định giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên