Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách

VOV.VN - Trong năm 2016, Thủ tướng cho rằng, nếu các Bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân được vốn ngân sách, thì từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng cao.

Tiếp tục phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, chiều nay (4/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều giải pháp thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016 và chủ động đề xuất sớm các giải pháp của năm 2017 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng đánh giá, kinh tế-xã hội sau 3 quý có nhiều điểm sáng, trong đó, hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng cao và đều cho biết thu ngân sách sẽ vượt dự toán. Với niềm tin của người dân và doanh nghiệp tăng lên, từ đầu năm đã có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp tăng mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng cho biết, những vấn đề Chính phủ đã hứa với người dân đã được thực hiện nghiêm, trong đó có không tăng giá, phí một số mặt hàng, dịch vụ quan trọng như giá điện, phí BOT, không tăng lãi suất. Thủ tướng khẳng định, chủ trương này tiếp tục thực hiện trong 3 tháng cuối năm.

Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, như sự cố môi trường miền Trung, hạn hán miền Trung Tây Nguyên, bão lũ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc sống của người dân được đảm bảo với sự kịp thời đưa ra các giải pháp của Chính phủ, Bộ, ngành.

Thủ tướng biểu dương các Bộ thời gian qua đã tập trung cho công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và được người dân hoan nghênh, trong đó có Nghị quyết 19, 35, 60, chương trình hành động 5 năm của Chính phủ. Thủ tướng đánh giá, hình ảnh Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động bước đầu nhận được phản hồi tốt của người dân và doanh nghiệp.  

Tuy vậy, Thủ tướng nêu lên thực tế, muốn đạt tăng trưởng 6,3% đến 6,5% thì GDP quý 4 phải tăng từ 7,1 đến 7,3%. Đây là mức phấn đấu cao nên phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, kiểm soát tốt lạm phát để tăng không quá 5% như Nghị quyết Quốc hội nêu. Cùng với đó là có lộ trình phù hợp bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, không để phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc và các tổ chức tín dụng yếu kém khác. Có giải pháp xử lý dứt điểm các yếu kém, từng bước khôi phục hoạt động của các tổ chức tín dụng này. Bởi tình trạng đáng lo ngại là đổ domino trong hệ thống.   

Trước tình trạng giải ngân vốn ngân sách tại một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm, Thủ tướng chỉ đạo phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 60. Thủ tướng lưu ý các địa phương, Bộ ngành, nếu không giải ngân được sẽ dành vốn ưu tiên là vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Thủ tướng lưu ý: “Bộ Giao thông - vận tải, Công thương rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành, các công trình, dự án trọng điểm như dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án nạo vét luồng Sông Hậu, hoàn thành 2 dự án công trình trọng điểm Thái Nguyên-Chợ Mới-Bắc Kạn, đường sắt Cát Linh – Hà Đông… Nếu làm được thì cuối năm giải ngân rất lớn, góp phần tăng trưởng rất cao".

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các Bộ chủ quản đẩy mạnh thu nợ thuế, không để nợ đọng thuế tồn đọng lớn và kéo dài. Để thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các Bộ, đặc biệt là Bộ Công thương rà soát lại những biện pháp xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; khai thác tối đa thị trường trong nước; hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêu thụ một số sản phẩm như than, phôi thép, thép xây dựng, phân bón, giấy, xi măng, hóa chất; thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ chủ quản chương trình mục tiêu phải khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, trình Thủ tướng trong tháng 10/2016. Đặc biệt là các chương trình phòng chống xâm nhập mặn, để nếu trong năm 2017 có hạn mặn xảy ra thì người dân vẫn có nước sinh hoạt, gia súc không bị chết do thiếu nước.   

Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, địa phương sớm triển khai việc đền bù, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế theo các định mức quy định tại Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu những giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017. Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng đó chỉ là bước đầu. Bởi còn nhiều vấn đề cố hữu, trì trệ của nền kinh tế vẫn đang “rình rập” nền kinh tế.

Vì vậy,  Thủ tướng chỉ đạo mỗi Bộ, ngành cần dự thảo kế hoạch hành động mạnh mẽ của Bộ mình với tinh thần tấn công, đột phá. Thủ tướng lưu ý, có thể trực tiếp Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng nghe các các dự thảo kế hoạch hành động này và cho ý kiến. Trong đó có những vấn đề lớn như nguy cơ bong bóng bất động sản, vấn đền an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất lao động thấp, vấn đề chưa giảm được biên chế; vấn đề thực hiện mục tiêu trở thành một trong 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh…

Việc cụ thể đầu tiên Thủ tướng nhắc nhở, đó là tinh thần Chính phủ kiến tạo chưa phải là chủ trương mà nhiều cán bộ chủ động, nhất là việc phản ứng chính sách của nhiều bộ còn bất cập. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu xây dựng bộ chỉ số đánh giá thước đo để theo dõi kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quản lý Nhà nước và giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan nghiên cứu lại thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường, đặc biệt là thủ tục rút khỏi thị trường chưa thuận lợi. 

Năm 2017, Chính phủ cũng đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện. Thủ tướng cho biết, cả nước có gần 60 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng chỉ có 2% là tự chủ 100% kinh phí, gần 19% là tự chủ một phần, còn lại trên 80% là Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Số tiền ngân sách chi ra rất lớn nên cần tính toán giảm biên chế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải có đề án đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt làm thí điểm một số đơn vị.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm 2017 tiếp tục siết chặt quản lý ngân sách, trong đó có giải pháp để có bước chuyển lớn trong tư duy quản lý ngân sách, quản lý tài sản công, để mỗi quyết định chi tiêu phải đặt ba câu hỏi: có tiết kiệm không, có lãng phí không và có hiệu quả không?  Thủ tướng cho rằng, việc siết chặt quản lý ngân sách cũng nhằm để thực hiện mục tiêu bội chi ngân sách năm 2017 không quá 3,5%.    

Năm 2017, một trong những vấn đề quan trọng Chính phủ tập trung giải quyết, đó là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Thủ tướng cho biết, đây là việc đang làm tích cực nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan chưa giải quyết triệt để. Cho nên cần đánh giá kết quả đối với những vấn đề đặt ra, trong đó có việc mua lại các tổ chức tín dụng với giá 0 đồng.

Cùng với đó, năm tới, Chính phủ cũng đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ngoài ngành, không để lợi ích nhóm thao túng, mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước./.   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, New Zealand
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, New Zealand

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Nhật Bản bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, New Zealand

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, New Zealand

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Nhật Bản bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN - Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội Đảng lần XII.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

VOV.VN - Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội Đảng lần XII.