“Tiền mất, tật mang” do... đánh vợ

VOV.VN - Bạo hành không những khiến gia đình tan nát, mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế cho xã hội.

Chi phí tiền triệu cho mỗi ca bạo hành

Chị Minh A., 38 tuổi ở Gia Lâm – Hà Nội, đã ly hôn với người chồng ưa bạo lực vào năm 2011 kể: Gần 20 năm chung sống với chồng, hầu như tuần nào chị cũng bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Có những lần chị bị đánh phải nhập viện với những chi phí tốn kém. Khi ra viện, chị lại phải nai lưng ra làm để trả nợ những khoản vay khi điều trị. Có lần chị còn bị sa thải khỏi xưởng sản xuất do nghỉ nhiều, sức khỏe yếu kém… Để thoát khỏi cảnh bị bạo hành, chị Minh A. đã đâm đơn ra tòa. Tuy nhiên, để giải quyết xong vụ ly hôn, chị đã phải vay của mẹ đẻ gần 40 triệu đồng để lo nhiều chi phí.

Theo “Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam”, trong ngành y tế, Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk cho biết, chi phí trung bình đối với mỗi ca “đánh vợ” là hơn 2,1 triệu đồng, bao gồm chi phí thuốc men, khám, điều trị; trả lương cho nhân viên y tế… Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), trong năm 2011, họ ghi nhận 2.360 trường hợp bạo hành và chi phí hàng năm lên tới hơn 500 triệu đồng.

Các thành viên "địa chỉ tin cậy" xã Kim Sơn, Gia Lâm - Hà Nội tư vấn Luật phòng chống bạo lực gia đình cho phụ nữ địa phương

Đối với cơ quan công an, Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng cho biết, trung bình mỗi vụ bạo lực gia đình đòi hỏi giải quyết trong 45 giờ, tương đương 1,8 triệu đồng. Đối với tòa án, các chi phí dao động từ 550.000 đồng đến 1.275.000 đồng tùy theo đó là tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh.

Báo cáo của Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, trường hợp của chị Minh A. là minh chứng cụ thể về hậu quả do bạo lực gia đình gây ra. Rõ ràng, việc bạo hành không những khiến gia đình tan nát, “tiền mất, tật mang” không những đối với người phụ nữ, mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế cho xã hội. Theo đó, những thiệt hại thực tế về mặt con người do bạo lực gây ra là rất lớn: bạo lực hủy hoại cuộc sống, phá vỡ cộng đồng và cản trở phát triển.

Bạo lực do chồng/bạn tình gây ra cũng là mối quan ngại hàng đầu trong lĩnh vực phụ nữ và phát triển, vì hình thức bạo lực này làm suy giảm sự phát triển kinh tế và xã hội của phụ nữ, cũng như khả năng tự quyết định cuộc sống của họ. Bạo lực đối với phụ nữ cũng đã vắt kiệt kinh tế hộ gia đình một cách nghiêm trọng, do chi phí trực tiếp mà phụ nữ phải chi trả để được điều trị y tế, trợ giúp từ phía công an, pháp lý; bên cạnh đó là tiền học bị lãng phí do con cái phải nghỉ học, thu nhập mất đi do phải nghỉ làm…

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ thường trú tại Việt Nam cho biết: Bạo lực đối với phụ nữ gây những tổn thất to lớn về mặt kinh tế. Mỗi năm, hàng tỉ đô la được chi cho các chi phí y tế và sự giảm sút hiệu suất làm việc được xem như là hậu quả của bạo lực trên cơ sở giới. Ví dụ, bạo lực với bạn tình của Mỹ ước tính gây tổn thất 5,8 USD mỗi năm và ở Fiji là 135,8 triệu USD, tương ứng với 7% GDP. Ở Việt Nam, một nghiên cứu của LHQ cho thấy bạo lực gia đình dẫn đến mất năng suất lao động, ước tính 1,78% của GDP trong năm 2010.

Việt Nam quyết tâm “loại” bạo lực

Theo số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam, cứ 1 trong số 3 (hay 34%) số phụ nữ từng kết hôn được khảo sát cho biết đã bị chồng mình bạo lực thể chất, bạo lực tình dục trong đời. Mặc dù chúng ta đã thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), các hoạt động thúc đẩy lồng ghép các vấn đề về giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và luật hóa những nguyên tắc, quy định xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới song vẫn còn những trở ngại cho việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Ca sĩ Phạm Anh Khoa tham gia chiến dịch "Nói không với bạo lực"

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam, đã khẳng định cam kết của Chính phủ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tiếp tục thực hiện các chương trình và chính sách liên quan tới bình đẳng giới; đồng thời chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, những giải pháp đột phá của Chính phủ Việt Nam về xóa bỏ, ngăn chặn mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn cầu.

Điều này được thể hiện thông qua việc Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ; thúc đẩy lồng ghép các vấn đề về giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và nội luật hóa những nguyên tắc, quy định xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới./.

Ước tính thiệt hại do bạo lực từ chồng/bạn tình gây ra ở các quốc gia (nguồn: UN Women)

Quốc gia

Ước tính

% GDP

Australia

8.1 tỷ USD/năm

1,2

Anh

23 tỷ bảng Anh

1,91

Nicaragua

29,5 tỷ USD

1,6

Chile

1,56 tỷ USD

2.0

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần nghiêm trị những người vi phạm Luật Bình đẳng giới
Cần nghiêm trị những người vi phạm Luật Bình đẳng giới

VOV.VN -Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, không thể dừng lại ở việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, mà cần biện pháp mạnh.

Cần nghiêm trị những người vi phạm Luật Bình đẳng giới

Cần nghiêm trị những người vi phạm Luật Bình đẳng giới

VOV.VN -Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, không thể dừng lại ở việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, mà cần biện pháp mạnh.

Phát động cuộc thi viết về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em
Phát động cuộc thi viết về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em

VOV.VN - Cuộc thi nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và thực hiện các quyền trẻ em, thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đối với trẻ em.

Phát động cuộc thi viết về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em

Phát động cuộc thi viết về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em

VOV.VN - Cuộc thi nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và thực hiện các quyền trẻ em, thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đối với trẻ em.

Việt Nam có số phụ nữ làm nông nghiệp cao
Việt Nam có số phụ nữ làm nông nghiệp cao

VOV.VN -Ở Việt Nam, nông nghiệp là một phương tiện sinh kế quan trọng, do đó tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp cao hơn so với thế giới.

Việt Nam có số phụ nữ làm nông nghiệp cao

Việt Nam có số phụ nữ làm nông nghiệp cao

VOV.VN -Ở Việt Nam, nông nghiệp là một phương tiện sinh kế quan trọng, do đó tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp cao hơn so với thế giới.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới tại Hội đồng nhân quyền
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới tại Hội đồng nhân quyền

VOV.VN - Tại các cuộc đối thoại và thảo luận của Khoá 26 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cam kết thúc đẩy và chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới tại Hội đồng nhân quyền

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới tại Hội đồng nhân quyền

VOV.VN - Tại các cuộc đối thoại và thảo luận của Khoá 26 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cam kết thúc đẩy và chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

Việt Nam thực hiện tốt Mục tiêu thiên niên kỷ trong bình đẳng giới
Việt Nam thực hiện tốt Mục tiêu thiên niên kỷ trong bình đẳng giới

VOV.VN -Bà Pratibha Mehta đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới theo Mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam. 

Việt Nam thực hiện tốt Mục tiêu thiên niên kỷ trong bình đẳng giới

Việt Nam thực hiện tốt Mục tiêu thiên niên kỷ trong bình đẳng giới

VOV.VN -Bà Pratibha Mehta đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới theo Mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam.