Hái hoa rừng tặng cô: Hạnh phúc của giáo viên cắm bản

VOV.VN - Yêu nghề, mến trẻ, cảm thông với cuộc sống của học sinh và đồng bào. Đó là lý do các giáo viên ở miền xuôi khi tình nguyện gắn bó tuổi trẻ 

Cuộc sống ở vùng sâu, vùng xa hiện nay còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng nhiều giáo viên ở miền xuôi đã tình nguyện sống cùng bà con, nỗ lực đem để đem “con chữ”, mang tri thức đến với học sinh ở những bản làng xa xôi, vùng khó khăn của đất nước. Với tình cảm chân thật của học trò và người dân địa phương, các thầy giáo, cô giáo đã có thêm động lực để vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu (quê Ninh Bình) giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Yêu nghề, mến trẻ, đặc biệt là cảm thông với cuộc sống của học sinh và đồng bào ở những vùng khó khăn. Đó là lý do của hầu hết các giáo viên ở miền xuôi khi tình nguyện gắn bó cuộc sống thời tuổi trẻ của mình với những tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn.

Tại đây, các điểm trường lẻ thường ở xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, nhưng vẫn có những giáo viên tình nguyện gắn bó với nghề từ khi còn trẻ cho tới vài chục năm, như cô giáo Lê Thị Hằng, Trường tiểu học Đồng Lương, Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. 36 năm đứng lớp của cô là từng đó thời gian gắn bó với điểm trường. Cô Hằng tâm sự, lần đầu tiên cô đến nhận công tác ở điểm trường lẻ xa nhất ở xã Đồng Lương, cách thị trấn 20 km, đường xấu không thể đi được bằng xe máy, hay xe đạp, cô đành phải đi bộ. Thương học sinh trời nắng đi học vất vả, trời mưa càng khó khăn hơn, mỗi tuần về thăm nhà vào ngày thứ 7, cô Hằng lại tranh thủ mua một ít sách, vở, bút để học sinh dùng, vài vỉ thuốc kháng sinh thông dụng để sơ cứu khi cần gấp.

Cô Lê Thị Hằng nói: “Tôi đã dạy vùng đặc biệt khó khăn, không điện, không có đường. Năm đầu tiên tôi tới đó, tôi thấy các em cầm một cục cơm nguội, một tay ngửa ra chấm muối vừa đi vừa ăn tôi đã khóc. Động lực thôi thúc tôi phải ở lại đó, thứ nhất là giáo dục các em; thứ hai là vận động bà con biết cách làm ăn”.

Không chỉ thiếu thốn về vật chất, về tình cảm gia đình, những giáo viên tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa còn phải đối diện với nhiều áp lực như: không biết ngôn ngữ, chưa hiểu phong tục tập quán của người dân bản xứ khiến cho việc giảng dạy và giao tiếp sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Thầy giáo Đồng Văn Ty (dân tộc Thái ) dạy tại điểm trường lẻ ở bản xa nhất của xã Sì Lở Lầu, thuộc Trường tiểu học Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nơi của người dân tộc Dao Đỏ sinh sống cho biết: Do cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo khó, phải lo cái ăn trước nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Cộng với thời tiết ở xã Sì Lở Lầu quanh năm có sương mù, lạnh, học sinh đi học quần áo không đủ ấm, đồ dùng học tập thiếu thốn nên để duy trì một học sinh đến lớp thường xuyên là điều không dễ đối với giáo viên: “Khó khăn nhất là các em không biết tiếng phổ thông. Mình phải kết hợp học cả tiếng dân tộc và kết hợp dạy. Việc giữ sĩ số lớp là vấn đề của giáo viên, mỗi giáo viên có khả năng vận động riêng, trước tiên là mình phải thường xuyên đến nhà dân chơi giao lưu, có khi còn ăn cơm, uống rượu ở đấy họ mới cho con em đi học. Một lần tôi đi vận động cha mẹ em Tẩn La U người dân tộc Dao, em ấy không chịu đi học, tôi đến em ấy chui xuống gầm bàn trốn . Bố mẹ bảo thầy cứ ở lại đây ăn cơm tôi sẽ bảo cháu cho. Ăn cơm và làm quen dần với em học sinh ấy và hôm sau em ấy đi học”.

Tận mắt chứng kiến học sinh phải tự trèo đèo, lội suối để đến kịp lớp học vào sáng sớm với mong muốn được học chữ, cô giáo Nguyễn Thị Thêu (quê Ninh Bình) được phân công về điểm Trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cảm thấy những thiếu thốn về tinh thần, cơ sở vật chất của mình không thấm vào đâu. Cô thầm hứa sẽ bám bản đến cùng để truyền dạy kiến thức cho các em. Đến nay, đã hơn 15 năm, cô Thêu chưa bao giờ nản lòng, mà càng ngày càng thấy mình gắn bó hơn với bản làng, vì luôn được người dân yêu mến coi như người địa phương. 

Cô giáo Lê Thị Hằng, giáo viên Trường tiểu học Đồng Lương, Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Cô Nguyễn Thị Thêu chia sẻ: “Khi lên lớp, các em học sinh rất yêu quý cô và lúc nào cũng háo hức nghe cô giảng cho nên tôi không quản thời gian kèm các em. 10 năm nay tôi dạy thứ 7, chủ nhật. Dạy không có công. Ngày 20/11 phụ huynh không bao giờ biết đến. Học sinh thì biết có những năm học sinh hái hoa rừng hoặc đi mua hoa hồng đến chúc mừng cô. Đấy là hạnh phúc lắm”.

Không chỉ cô Hằng, thầy Vy, cô Thêu, mà với đội ngũ giáo viên dạy học tại các điểm trường ở các thôn bản vùng cao thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước, mà người dân thường gọi là “giáo viên cắm bản”, niềm vui là được đón nhận những tình cảm chân thành của học trò. Còn hạnh phúc của các thầy cô trong ngày 20/11 là được đón nhận những bó hoa rừng mộc mạc mà học sinh vùng cao hái tặng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cô giáo vùng sâu với nhiều bí quyết giúp học sinh yêu môn Lịch sử
Cô giáo vùng sâu với nhiều bí quyết giúp học sinh yêu môn Lịch sử

VOV.VN -Theo cô Phạm Thị Kim Loan, giáo viên phải nắm vững các kiến thức Lịch sử, có kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

Cô giáo vùng sâu với nhiều bí quyết giúp học sinh yêu môn Lịch sử

Cô giáo vùng sâu với nhiều bí quyết giúp học sinh yêu môn Lịch sử

VOV.VN -Theo cô Phạm Thị Kim Loan, giáo viên phải nắm vững các kiến thức Lịch sử, có kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.