“Bắt rau xanh mọc lên từ sóng nước”

Nhờ bàn tay chăm sóc của chiến sĩ, cùng với những giọt nước hiếm, mầm xanh từ những khay đất bạc mầu cứ vươn dài trong nắng gió đại dương.

Vườn rau di động

Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 thế hệ đầu tiên vào những năm 1989-1995, “chất xơ” trong bữa ăn hằng ngày chủ yếu là rau muống khô đem ra từ đất liền và được lính nhà giàn quý như “mì chính cánh”.

Để có bữa canh, rau muống khô được ngâm trong nước cho mềm, thái nhỏ, nấu với tép khô đem ra từ đất liền. Nhưng nguồn “chất xơ” ấy cũng đến lúc cạn kiệt. Mùa biển động, không câu được cá, tất cả nhà giàn đều ăn đồ hộp. Do lâu ngày không có rau xanh, nhiều chiến sĩ sinh đau vắt bụng, đi kiết lỵ, thậm chí đau bao tử.

Trước thực tế đó, Chỉ huy Khung quản lý DK1 đặt ra câu hỏi: Phải trồng rau xanh ngay trên nhà giàn, phải bắt rau xanh mọc lên từ sóng nước. Ngay sau đó, phong trào “Rau xanh trên sóng” ra đời. Hàng trăm máng gỗ theo tàu trực đến nhà giàn, hàng chục cân hạt giống được phân phát tận nơi, hàng tạ phân cali theo tàu chuyển đến. Một phong trào mới được triển khai khẩn trương.

"Vườn" rau mà cac chiến sĩ nhà giàn trồng được

Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, các nhà giàn ươm hạt giống trong máng gỗ, hoặc ủ trong bao tải cho nảy mầm, tận dụng tối đa nước thừa sau khi tắm, giặt, rửa mặt, rửa bát để tưới. Mặc dù được “ưu tiên, tiếp sức” như vậy, song những mầm xanh ấy chỉ lên khỏi mặt đất là chết lụi hoặc thối gốc vì hơi nước biển mặn và gió tạt.

Không chị bó tay, các chiến sĩ đã dùng bao tải cũ vá lại thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc, mà họ gọi là “làm nhà cho rau ở”, gió chiều nào che chiều ấy. Tất cả những vật dụng như chậu hỏng, xô thủng được tận dụng trồng rau, treo ở góc khuất gió, lan can cầu thang, hay trên trần nhà.

Bồn rau của những nhà giàn có sân bay thường xuyên di chuyển tránh gió mỗi lần phi cơ của quân khu 9 ra luyện tập cất, hạ cánh tại đây. Phong trào “vườn rau di động” cũng được áp dụng triệt để. 

Bây giờ nhà giàn nào cũng có rau xanh tươi tốt, nhưng vẫn là “hàng hiếm”. Một nhà giàn có hơn chục bồn rau, gọi là nhiều nhưng phải tiết kiệm ăn dần, chủ yếu là thái nhỏ nấu canh trong buổi cơm trưa, khi nào có khách từ đất liền ra, hoặc dưới tàu lên chơi, mới dám luộc 2 đĩa rau, bữa đó coi như… liên hoan. Nhiều khi biển động cả tháng không câu được cá, anh em phải ăn cơm chưng với mắm tôm và đồ hộp, nhổ gốc rau dền tước vỏ thái nhỏ nấu canh.

Những lúc nhớ đất liền, anh em lại ôm đàn guitar lên sân thượng gõ bập bùng. Lời hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang dậy cả một vùng sóng nước. Sau những phút yêu đời ấy là khoảng lặng. Không ai nói ra, nhưng trong lòng mỗi người đều thèm một bữa ăn tươi sum họp, thèm hơi ấm đất liền, nhớ bố mẹ, vợ, con; nhớ hương cà bếp lửa ở quê nhà.

Thư tình màu tím mồng tơi

Chiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa khoe với tôi bài thơ “Màu tím mồng tơi” mà anh đã gửi cho người vợ thân yêu của mình trước ngày cưới: “Ở nhà giàn có giàn mồng tơi/ gió cuồng phong không làm ướt lá/ bởi lính nhà giàn có màu phép lạ/ che nắng mưa bằng trái tim mình/ anh gửi tặng em màu của đại dương/ thư màu tím thắm tình anh tình biển/ nước ngọt rau xanh ở đây là “ hàng hiếm”/ chỉ đủ nấu canh, cho đỡ khát lòng”.

Giáp bảo: “ngày ấy nếu không có bài thơ lãng mạn này, chưa chắc em đã lấy được cô ấy. Vợ em là cô giáo dạy nhạc, vốn rất yêu thơ. Em sáng tác bài thơ “con cóc” ấy trong mấy đêm liền, ai ngờ cô nàng cũng xiêu lòng trước giàn mồng tơi của em!”.

Ở nhà giàn DK1, mồng tơi là loại rau dễ trồng nhất. Nhà nào cũng có giàn mồng tơi xanh biếc leo kín lan can. Sau những giờ huấn luyện nhọc nhằn, các chiến sĩ nhà giàn lại ôm đàn “nghêu ngao” dưới tán mồng: “Mực mồng tơi màu tím, viết thư tình cho em, thương thương màu tím buồn, hẹn nhau quán bên đường”.

Bên cạnh rau mồng tơi, các chiến sĩ nhà giàn còn trồng rau muống. Nhiều nhà giàn trồng được cả húng thơm, ớt cay, gừng, riềng, mía. Ngày thường, những bồn rau thơm là gia vị hấp dẫn, giúp cho các chiến sĩ ăn ngon hơn. Ngày Tết, cây ớt sai quả chưng giữa câu lạc bộ, chăng thêm giây xúc xích, hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Có rất nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm đã hỏi: bí quyết gì mà ớt nhà giàn sai quả? Các chiến sĩ nói vui “đó là nhờ những giọt nước hiếm có mùi ghét của người”.

Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, nhà giàn nào cũng “nhịn” rau xanh mặc dù “rất khát”. Thì ra, các chiến sĩ để giành những bồn rau tươi tốt để “khoe” với khách từ đất liền ra thăm. Nhiều khi rau muống tốt nửa mét, vươn dài. Biết bao bông hoa muống dùng làm quà và thay lời muốn nói của các chiến sĩ tặng văn công, biết bao lời hẹn hò, gửi gắm giữa người ở biển xa và người nơi đất liền, mà hoa muống nhà giàn làm nhịp cầu kết nối.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân xúc động trước những mầm xanh trên sóng và anh đã sáng tác ca khúc “Màu xanh nhà giàn” sau một chuyến đi. Ca từ giản dị chân tình như thấm vào gan ruột: “Ngôi nhà lính đó, nằm giữa trời và nước, dù ngoài khơi xa vẫn khoác một màu xanh, màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn. Những ngôi nhà trên biển, người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt, giống rau từ quê nhà gửi cả tình yêu mênh mông”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên