Tổng thống Ai Cập quyết tâm theo đuổi “chiến lược ngoại giao cân bằng”

Chuyến công du nước ngoài của ông Mursi được dư luận đặc biệt quan tâm bởi  “chiến lược ngoại giao cân bằng” cả về chính trị và kinh tế.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đang có chuyến thăm một số nước, trong đó có Trung Quốc và dự Hội nghị NAM cho thấy, quyết tâm của ông theo đuổi “chiến lược ngoại giao cân bằng”, hướng tới đảm bảo an ninh chính trị và kinh tế của đất nước.

Tổng thống Ai Cập Mursi đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc (từ 28-30/8). Chuyến thăm nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria và thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Ai Cập.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi (ảnh: AFP)

Sau Trung Quốc, ông Mursi tới Iran để tham dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra tại Tehran. Chuyến đi này được nhận định có thể là “dấu hiệu” thay đổi quan trọng trong khu vực. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Ai Cập tới Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran.

Tiếp theo, ông Mursi sẽ đến Mỹ, nước đang tài trợ cho quân đội Ai Cập hơn 1 tỷ USD/năm. Lịch trình chuyến công du nước ngoài lần này cho thấy quyết tâm của Tổng thống Ai Cập theo đuổi chiến lược ngoại giao cân bằng, theo đó bảo đảm an ninh chính trị và kinh tế của Ai Cập thông qua củng cố quan hệ với các nước châu Phi, các nước Hồi giáo và các cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới.

Trả lời báo chí trước chuyến đi, Tổng thống Mursi một lần nữa nhấn mạnh, quan hệ quốc tế của Ai Cập với tất cả các nước sẽ “cởi mở và dựa trên nguyên tắc cân bằng". Ông nói: “Nhân dân và chính phủ Ai Cập đang thực hành một nhà nước dân chủ và hiện đại, với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ai Cập muốn mở cửa ra ngoài với thế giới. Chúng tôi mong muốn một sự cân bằng trong quan hệ với tất cả các nước”.

Lên cầm quyền trong bối cảnh đất nước vừa trải qua những biến động chính trị lớn với các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài và gây thiệt hại không nhỏ. Tổng thống Ai Cập sẽ phải đối mặt với khối công việc khổng lồ nhằm đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng ảm đạm bằng cách khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, khôi phục ngành du lịch, một cột trụ trong nền kinh tế Ai Cập.

Chuyến công du nước ngoài lần này của cũng không nằm ngoài mục đích này, nhưng nó được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó cho thấy “chiến lược ngoại giao cân bằng” cả về chính trị và kinh tế của Tổng thống Ai Cập.

Bà Passant Fahmy - chuyên gia kinh tế Ai Cập phân tích: “Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mursi đã nói tới một chiến lược cân bằng về quan hệ kinh tế với tất cả các nước trên thế giới. Không chỉ Trung Quốc, Ai Cập còn cần nhiều hỗ trợ quốc tế để thực hiện các kế hoạch lớn chấn hưng nền kinh tế. Chúng tôi cần nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như các dự án đầu tư trực tiếp”.

Sau một thời gian dài hỗn loạn, không thể kỳ vọng chính phủ mới của Ai Cập sẽ đạt được những thành quả kinh tế, chính trị ngay lập tức. Song điều mà người dân Ai Cập mong đợi có lẽ là những bước đi mạnh mẽ, đúng đắn và quyết liệt của chính phủ mới để họ có thể đặt lòng tin vào những gì mà Tổng thống Mursi có khả năng mang lại cho người dân, cho đất nước trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên