Thế giới 7 ngày: Ngấp nghé nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine?

VOV.VN - Những động thái mới đây giữa Nga và Ukraine khiến quan hệ giữa 2 nước đang leo thang căng thẳng, dẫn đến nguy cơ về một cuộc “chiến tranh” mới.

1. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 12/8 cảnh báo nước này có thể buộc phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở bán đảo Crimea hồi đầu tuần dù phía Ukraine bác bỏ điều này. 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. (ảnh: AP).

Thủ tướng Medvedev nói, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine chỉ là một phương án và hiện Nga chưa có quyết định nào về vấn đề này.

Trước đó, theo thông báo từ phía Nga ngày 10/8, cơ quan chức năng của nước này đã bắt giữ một sỹ quan tình báo quân sự Ukraine và một nhóm người dân bị nghi là điệp viên của Ukraine đang lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Crimea.

Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên ngày 11/8, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko đã tuyên bố, trong một cuộc họp kín với Hội đồng Bảo an, ông đã ”thách” người đồng cấp Nga có thể cung cấp các bằng chứng nước này tấn công khủng bố Crimea. 

Mỹ và nhiều nước phương Tây đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi hai nước kiềm chế và tránh xa các hành động làm leo thang căng thẳng.

Nhà Trắng ngày 12/8 ra thông báo cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Biden hối thúc Tổng thống Poroshenko thực hiện phần nhiệm vụ của mình để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Phó Tổng thống Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ kêu gọi Nga thực hiện điều tương tự.

Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cùng ngày đã hối thúc Ukraine và Nga tránh bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng. 

2. Tờ Thời báo New York ngày 8/8 đưa tin các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc dường như đã xây xong các nhà chứa máy bay gia cố trên quần đảo Trường Sa thuộc vùng Biển Đông tranh chấp.

Trích dẫn phân tích các bức ảnh do nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington thực hiện, tờ báo trên cho biết đã không có máy bay quân sự nào được nhìn thấy tại thời điểm những bức ảnh được chụp hồi cuối tháng 7 vừa qua, nhưng có những nhà chứa với khoảng trống dành cho bất kỳ máy bay phản lực chiến đấu của lực lượng không quân Trung Quốc. 

Cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi. (Ảnh: ft).

Còn trên vùng biển Hoa Đông, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã cho biết, 14 tàu của Chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản và Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn có quyền bắt giữ những tàu này vì hành vi xâm phạm trái phép.

Ngày 9/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa đến Bộ Ngoại giao, phản đối việc tàu Hải cảnh Trung Quốc liên tục trong những ngày qua đã xâm nhập khu vực quần đảo Sekaku/Điếu Ngư

Trong diễn biến liên quan, ngày 11/8, ông Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước nhằm kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) liên quan tới “đường chín đoạn” trên Biển Đông.

Ngoài ra, Nhật Bản và Philippines cũng đã bắt đầu đàm phán về việc Tokyo chuyển giao 2 tàu tuần duyên cỡ lớn cho Manila. Động thái này là một phần trong thỏa thuận giữa hai nước về hợp tác quốc phòng, giúp Philippines tăng cường năng lực tuần tra trên biển. 

3. Ngày 10/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, phương Tây có khả năng sẽ "mất" Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ cố tình đẩy nước này đến gần Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo.

Bình luận của ông Cavusoglu phản ánh một sự thất vọng sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng châu Âu và Mỹ  đã không hỗ trợ đủ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ đảo chính bất thành ngày 15/7, khi một nhóm binh sĩ và chỉ huy tiến hành lật đổ chính phủ nhưng nhanh chóng thất bại. 

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nồng ấm khiến Mỹ và các nước phương Tây lo ngại. Trong ảnh là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, NATO đã phủ nhận thông tin này và tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác thân thiết của Liên minh. Người phát ngôn của NATO, Oana Lungescu mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh có giá trị, góp phần đáng kể vào nỗ lực chung của NATO.

Trước đó, ngày 9/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan, đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin  tại thành phố Saint Peterburg. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí cởi mở và xây dựng. Hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ song phương. 

Sau cuộc gặp, lãnh đạo Moscow và Ankara cho biết hai bên đã nhất trí thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, hủy bỏ các biện pháp hạn chế và hợp tác trong vấn đề Syria.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Erdogan có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến các nước phương Tây và Mỹ ngày càng lo ngại. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung giống như một cuộc hôn nhân không có hồi kết. Cả hai bên đều cần nhau. 

Ngày 12/8, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết đã nhận được tín hiệu tích cực từ Mỹ liên quan đến việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen- người mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7.

Chính vì mâu thuẫn trong việc dẫn độ này mà quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng nhiều ngày qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí còn nói rằng, Mỹ sẽ phải lựa chọn giáo sỹ Gulen hoặc mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ. 

4. Tối 11 và sáng 12/8, Thái Lan đã hứng chịu 11 vụ nổ xảy ra tại các địa điểm riêng rẽ thuộc 5 tỉnh Hua Hin, Surat Thani, Phuket, Trang và Phang Nga. Ít nhất 4 người chết và khoảng hơn 40 người bị thương sau các vụ đánh bom hàng loạt khắp các tỉnh tại Thái Lan. Đặc biệt, các đối tượng đã nhằm vào cáckhu nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng tại Thái Lan như Hua Hin hay Phuket. 

Cảnh sát Thái Lan điều tra vụ đánh bom ở Hua Hin. (ảnh: EPA).

Khoảng 22h15' tối 11/8 (giờ địa phương), một quả bom đã phát nổ tại một quán bar tại Hua Hin tỉnh Prachuap Khiri Khan khiến 1 thiệt mạng và 20 người bị thương trong đó có 10 người nước ngoài. 

Cũng ở Hua Hin, vào 9h15' sáng 12/8 (giờ địa phương), hai quả bom khác đã phát nổ ở khu vực tháp đồng hồ, hai quả bom này được giấu trong các chậu cây và phát nổ cách nhau 30 phút khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. 

Còn trước đó, vào 8 giờ sáng, một vụ nổ nữa đã xảy ra tại trụ sở cảnh sát tại tỉnh Surat Thani, miền Nam nước này, khiến 1 người đàn ông 52 tuổi và 3 người khác bị thương. Sau đó vài phút, cách đó khoảng 400m, lại có thêm một vụ nổ khác nhưng rất may không gây thương vong về người. Cảnh sát Thái Lan cho biết, các vụ nổ đều được kích hoạt bằng điện thoại.

Cũng trong sáng 12/8, tỉnh Trang ở miền Nam, cũng rung chuyển bởi một vụ nổ khiến ít nhất một người thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Còn ở khu du lịch nổi tiếng Phuket, các nhân chứng cho hay, một quả bom phát nổ ở bãi biển Patongkhiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Rất may, một quả bom khác được đặt ở bãi biển Lona đã bị lực lượng chức năng Thái Lan vô hiệu hoá. 

Còn vào 10h sáng, tiếp tục xảy ra 3 vụ đánh bom khác ở quân Takua Pa, tỉnh Phang Nga. Hai quả bom được kích hoạt bằng điện thoai di động được đặt gần một nhà hàng. Quả thứ ba phát nổ cách đó khoảng 30m. Rất may cả ba vụ nổ đều không gây thiệt hại về người.

Giới chức Thái Lan nhận định, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ đánh bom hàng loạt tại Thái Lan vào tối 11 và sáng 12/8 là từ những bất đồng chính trị ở trong nước. Vụ việc này có thể là động thái của bên chống đối chế độ hoặc những kẻ muốn làm mất uy tín của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) Thái Lan sau cuộc trưng cầu ý dân vào hôm 7/8 về dự thảo điều lệ do quân đội hậu thuẫn, trong đó hầu hết người đi bầu bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp.

Thủ tướng nước này Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh, động cơ của những kẻ khủng bố là nhằm tạo sự hỗn loạn, đặc biệt là đánh vào ngành du lịch, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Thái Lan. 

5. Một cuộc thăm dò gần đây do CNN/ORC thực hiện cho thấy có tới 20% cử tri Cộng hòa muốn tỷ phú Trump dừng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một cuộc thăm dò tương tự do Reuters/Ipsos công bố ngày 10/8 cũng cho kết quả tương tự khi 20% cử tri Cộng hòa cho rằng, ông Trump nên “dừng tranh cử”, trong khi 10% cho biết, họ vẫn chưa đưa ra quyết định của mình. 

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump. (ảnh: tvguide.com).

Tính chung lại, có tới 44% cử tri tham gia thăm dò cho rằng, ứng viên đảng Cộng hòa nên rút lui, tăng tới 9% so với cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos tiến hành vài ngày trước đó.

Bởi thế, lần đầu tiên trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận khả năng thất bại trong cuộc bầu cử tới. Ông Trump cho rằng nếu không sử dụng chiến lược tranh cử “khác người” như hiện tại, ông sẽ ngày càng tụt lại phía sau trong cuộc đua trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ. 

Bên cạnh đó, trong các kết quả thăm dò của dư luận mới nhất của Bloomberg hay NBC và Nhật báo phố Wall đều cho thấy bà Hillary Clinton đang dẫn trước ông Trump với số phiếu ủng hộ cao hơn từ 7% đến 11% trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có một diễn biến khác thú vị hơn khi ứng viên độc lập Evan McMullin ngày 8/8 tuyên bố tham gia chạy đua vào Nhà Trắng với lý do đại diện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không có ai “đủ tiêu chuẩn”. 

Ông McMullin từng là đặc vụ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), có thời gian làm việc ở ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs và có bằng thạc sĩ của trường quản trị kinh doanh Wharton. 

6. 15h ngày 8/8 (tức 13h giờ Việt Nam), Nhật Hoàng Akihito đã gửi tới người dân Nhật Bản thông điệp trong một đoạn video, bày tỏ những suy nghĩ của mình giữa lúc mọi người đang suy đoán về ý định thoái vị của Nhật Hoàng. 

Người dân Nhật Bản theo dõi bài phát biểu của Nhật Hoàng. (ảnh: CNN).

Trong thông điệp, Nhật Hoàng Akihito đã không bày tỏ trực tiếp việc thoái vị hay không, nhưng đã nói rằng: “Năm nay tôi đã 82 tuổi. Do vậy, việc đảm trách trách nhiệm của mình một cách tốt nhất là việc làm khó”, và mong toàn nhân dân Nhật Bản hiểu tâm nguyện của mình. 

Nhật Hoàng cũng đã nói rõ về tình hình sức khỏe của mình không tốt sau khi liên tiếp phải phẫu thuật trong những năm vừa qua.

Nhật Hoàng nói rằng trong thời gian tại vị 28 năm nay, Nhật Hoàng đã cùng với nhân dân Nhật Bản trải qua những niềm vui nỗi buồn và luôn luôn hy vọng sự ổn định của đất nước và hạnh phúc của nhân dân sẽ tiếp tục./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mục đích của Nga khi tố cáo Ukraine âm mưu tấn công Crimea
Mục đích của Nga khi tố cáo Ukraine âm mưu tấn công Crimea

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin ngày 11/8 triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia và Hải quân nước này để tuyên bố tiến hành tập trận trên Biển Đen.

Mục đích của Nga khi tố cáo Ukraine âm mưu tấn công Crimea

Mục đích của Nga khi tố cáo Ukraine âm mưu tấn công Crimea

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin ngày 11/8 triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia và Hải quân nước này để tuyên bố tiến hành tập trận trên Biển Đen.

Mỹ, NATO kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế căng thẳng
Mỹ, NATO kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế căng thẳng

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua kêu gọi Nga, Ukraine tránh có bất kỳ hành động nào có thể làm xấu đi tình hình vốn đang căng thẳng ở bán đảo Crimea.

Mỹ, NATO kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế căng thẳng

Mỹ, NATO kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế căng thẳng

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua kêu gọi Nga, Ukraine tránh có bất kỳ hành động nào có thể làm xấu đi tình hình vốn đang căng thẳng ở bán đảo Crimea.

Ukraine đặt quân đội ở mức báo động cao nhất, HĐBA LHQ họp khẩn
Ukraine đặt quân đội ở mức báo động cao nhất, HĐBA LHQ họp khẩn

VOV.VN - Tổng thống Ukraine đặt quân đội ở tình trạng báo động cao nhất dọc theo biên giới với Crimea sau khi Nga tuyên bố phá vỡ một âm mưu khủng bố tại đây.

Ukraine đặt quân đội ở mức báo động cao nhất, HĐBA LHQ họp khẩn

Ukraine đặt quân đội ở mức báo động cao nhất, HĐBA LHQ họp khẩn

VOV.VN - Tổng thống Ukraine đặt quân đội ở tình trạng báo động cao nhất dọc theo biên giới với Crimea sau khi Nga tuyên bố phá vỡ một âm mưu khủng bố tại đây.

Mỹ - EU kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế trong vấn đề Crimea
Mỹ - EU kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế trong vấn đề Crimea

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và EU đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraine cần kiềm chế không để vấn đề Crimea gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương.

Mỹ - EU kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế trong vấn đề Crimea

Mỹ - EU kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế trong vấn đề Crimea

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và EU đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraine cần kiềm chế không để vấn đề Crimea gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương.