Homeshooling - nhìn nhận sao cho đúng?

VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh cần có cái nhìn toàn diện hơn về hình thức homeshooling để áp dụng thật hiệu quả chứ không nên theo trào lưu. 

Homeshooling là phương pháp giáo dục trẻ tại nhà do cha mẹ hay gia sư dạy theo một chương trình soạn sẵn. Loại hình này được phụ huynh tại các quốc gia phát triển áp dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, hình thức học tập này đang ghi nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận.

Tại tọa đàm “Homeshooling – Sự lựa chọn nào dành cho bạn?” do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức sáng nay (28/5), nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh cần có cái nhìn toàn diện, tỉnh táo hơn về hình thức học này để áp dụng thật hiệu quả chứ không nên theo trào lưu. 

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Có 2 con dưới 15 tuổi đang theo học tại các trường phổ thông uy tín trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhưng 6 tháng nay, anh Đặng Tân Phong, một người dân sống ở quận 2 quyết định cho các cháu nghỉ ở nhà để áp dụng hình thức homeshooling. Sử dụng các giáo trình quốc tế đã được kiểm chứng, bổ sung thêm nhiều khóa học online; mời giáo viên đến trực tiếp hướng dẫn cho các con là cách mà anh Phong đã thực hiện suốt thời gian qua.

Phụ huynh này cho hay: sau nửa năm học ở nhà, không chỉ cải thiện tốt về thể lực cũng như kỹ năng tiếng Anh, các con anh còn tiến bộ hơn trong hành vi ứng xử. Theo anh Đặng Tân Phong, các bậc phụ huynh cần có cái nhìn rộng hơn về homeschooling. Homeschooling không phải là cho trẻ học tập với 4 bức tường và máy móc, cũng không buộc cha mẹ phải là người trực tiếp giảng dạy, nó là hình thức học kết hợp linh hoạt nhiều phương cách.

“Mọi người hay nghĩ rằng khi con ở trong 4 bức tường thì sẽ không có bạn. Thứ hai, cha mẹ lấy đâu ra phương pháp sư phạm để dạy con. Vì vậy, tôi đã giải quyết 2 khó khăn đó bằng cách mời những người thầy giỏi thực sự về dạy cho các cháu. Bên cạnh đó, để phá bỏ rào cản từ 4 bức tường tôi cho các cháu kết nối với xã hội nhiều hơn” - anh Phong nói.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, người sáng lập Trường Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng với hình thức homeschooling nhằm tránh mang lại những tổn hại không đáng có cho con mình. Khi thoải mái hoàn thành một vài môn học theo định hướng của cha mẹ, trẻ rất dễ lầm tưởng rằng mình đã giỏi nên không chịu khó tìm tòi. Việc ít có cơ hội tiếp xúc với thầy cô, bạn bè cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 

GS Nguyễn Xuân Thu nói về homeschooling tại tọa đàm.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu nói: “Homeschooling chỉ mới là sáng kiến chứ chưa được nhiều nước thực nghiệm hay thi hành. Do vậy, nếu chúng ta chưa có những trải nghiệm cũng như những bài học để thu góp lại coi homeschooling có lợi gì và không lợi cái gì thì chưa nên áp dụng vội”.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, nếu muốn áp dụng homeschooling, các bậc phụ huynh phải xem kỹ về phương diện luật lệ và cân nhắc liệu nó có thực sự phù hợp với con mình hay không. Vì loại hình này đòi hỏi phụ huynh phải đảm bảo rất nhiều yếu tố như: tài chính, thời gian, trí tuệ và cả sự nhận thức.

Cũng có con trai học theo hình thức homeschooling nhưng Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen cho rằng: học ở nhà hay ở trường đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Do vậy, tùy thuộc vào điều kiện của gia đình và nhu cầu học tập của con cái mà các bậc cha mẹ đưa ra định hướng cụ thể. 

GS Trương Nguyện Thành chia sẻ về việc học homeschooling của con trai mình tại Mỹ.
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyện Thành phân tích: “Tôi thấy hình thức homeschooling ở Việt Nam chẳng qua chỉ là phản ứng của một số phụ huynh vì họ muốn có sự chọn lựa khác. Nhưng theo tôi nếu phụ huynh chịu ngồi xuống suy nghĩ kỹ lại xem mục tiêu cuối cùng cho con mình là gì và làm thế nào để đáp ứng được sự phát triển của trẻ trong 3 khía cạnh về chuyên môn, nhận thức xã hội và phát triển tâm sinh lý thì đứa trẻ sẽ phát triển tốt hơn”.

Nhiều ý kiến khác tại tọa đàm cũng cho rằng: việc học ở trường đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình trang bị kiến thức và hình thành nhân cách của đứa trẻ. Điều các gia đình cần làm là thay vì tạo ra những áp lực về điểm số, danh hiệu, cha mẹ nên sắp xếp thời gian rảnh thật hợp lý để giúp trẻ phát huy tốt nhất những bộ môn mình yêu thích. Trong những trường hợp đặc biệt, việc áp dụng homeshooling vẫn sẽ hiệu quả nếu phụ huynh cân bằng được sự phát triển hài hòa cho trẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

PGS Văn Như Cương: “Mô hình Homeschool không thích hợp ở Việt Nam”
PGS Văn Như Cương: “Mô hình Homeschool không thích hợp ở Việt Nam”

VOV.VN - Tại Việt Nam, mô hình Homeschool cũng đã “manh nha” nhiều năm về trước và hiện đang trở thành nhu cầu của không ít phụ huynh.

PGS Văn Như Cương: “Mô hình Homeschool không thích hợp ở Việt Nam”

PGS Văn Như Cương: “Mô hình Homeschool không thích hợp ở Việt Nam”

VOV.VN - Tại Việt Nam, mô hình Homeschool cũng đã “manh nha” nhiều năm về trước và hiện đang trở thành nhu cầu của không ít phụ huynh.

Mô hình tự học ở nhà: Trẻ khó phát triển, nhưng vẫn nên có?
Mô hình tự học ở nhà: Trẻ khó phát triển, nhưng vẫn nên có?

VOV.VN - Chuyên gia cho rằng tự học ở nhà có thể khiến trẻ phát triển thiếu toàn diện, song vẫn nên có để tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong giáo dục. 

Mô hình tự học ở nhà: Trẻ khó phát triển, nhưng vẫn nên có?

Mô hình tự học ở nhà: Trẻ khó phát triển, nhưng vẫn nên có?

VOV.VN - Chuyên gia cho rằng tự học ở nhà có thể khiến trẻ phát triển thiếu toàn diện, song vẫn nên có để tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong giáo dục.