Đánh hội đồng một nữ sinh: Giải pháp nào cho nạn bạo lực học đường?

VOV.VN -Độc giả đưa ra nhiều giải pháp và nhấn mạnh, quan trọng là cách giáo dục học sinh biết yêu thương...

Những ngày qua, sự việc 7 học sinh đánh hội đồng một nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Sau khi VOV.VN đăng các thông tin lên quan đến vụ việc, đã có hàng trăm ý kiến độc giả gửi về bày tỏ sự bức xúc, đồng thời đề xuất cách giải quyết vụ việc.

Lỗi của chính nhà trường?

Độc giả Bùi Nam Giao cho rằng, đây là lỗi của chính nhà trường. Dạy dỗ không tốt, không có kỷ luật, sự việc xảy ra cả tháng mà không báo cáo. Lại chọn một em thiếu tư cách làm lớp trưởng. "Nhà trường có dạy, bầu ra lớp trưởng để bảo vệ học trò trong lớp không?. Chả lẽ sự viêc nghiêm trọng đến vây mà thầy, cô giáo lại không biết?. Cần có kỷ luật thích đáng đối với Hiệu trưởng và thầy giáo chủ nhiệm chứ không thể để tình trạng này. Cũng cần kỷ luật lớp trưởng”- bạn Giao đề xuất.

ảnh cắt ra từ clip
Cùng với quan điểm này, bạn Lê Tiến Dũng cho rằng, cần xem lại trình độ quản lý công tác giáo dục trong trường học của Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, kể cả giám thị (nếu có). Hạ bậc thi đua của các đối tượng này, có thể đình chỉ công tác chủ nhiệm và chấm dứt hợp đồng với giám thị. Đình chỉ học tập đối với lớp trưởng và học sinh nam đánh bạn 1 năm; đình chỉ học tập 1 tuần đối với những học sinh tham gia đánh em học sinh nữ; hạ hạnh kiểm xuống loại yếu.

Độc giả có nick vodongphuong cũng băn khoăn, Ban Giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm ở đâu mà để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy mà 2 tháng sau mới biết. “Ban Giám hiệu nhà trường phải có trách nhiệm với những học sinh đó, không nên đổ lỗi cho ai”.

Bạn Phạm Công Then Mây cũng đồng tình, trách nhiệm trước hết thuộc về Hiệu trưởng, sau đó đến giáo viên chủ nhiệm, đến phụ huynh, cuối cùng mới thuộc về 7 em tham gia đánh hội đồng, vì các em còn nhỏ và việc xảy ra ngay trong trường. Từ việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm từng người, phòng Giáo dục đào tạo TP Trà Vinh đưa ra hình thức kỷ luật cho phù hợp với từng đối tượng, riêng 7 em sau khi đã xử lý kỷ luật rồi thì chuyển mỗi em một lớp, giao cho Đoàn giáo dục.

Một bạn đọc có nick Gocnhin bức xúc về tình trạng bạo lực học đường xảy ra thường xuyên. “Tại sao như vậy, phải chăng là do thiếu sự quan tâm của phụ huynh, sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường, hay mạng Internet game tràn lan không kiểm soát, mà nên có sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt của giáo viên chủ nhiệm. Cần phải có chế tài nào đó trong giáo dục đi đôi với tình trạng bạo lực học đường. Quan trọng là cách giáo dục học sinh biết yêu thương giữa con người với con người, vì môi trường xung quanh ảnh hưởng không nhỏ khi hình thành nhân cách của các em”.

Nhiều giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường

Còn theo An Nhiên, trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng trường hợp này lại khác. Bọn trẻ thể hiện rất hung hãn và bản năng đám đông đáng sợ. Sao những đứa trẻ có thể thi nhau ném ghế vào bạn, cười đùa, khi bạn mình đang sợ hãi khóc? “Cần phải xử phạt thật nặng. Về trách nhiệm, thì gia đình là trách nhiệm cao nhất sau đó đến nhà trường”.

Theo độc giả Long Nguyên, ở con người luôn có tồn tại 2 mặt: Thiện và ác. Khi hình thành nhân cách của con người có một quá trình từ nhỏ đến lớn, yếu tố quyết định nhân cách đó từ bản thân, gia đình và xã hội. Gia đình, xã hội là tấm gương cho con trẻ soi vào.

Đồng tình với ý kiến của bạn Long Nguyên, độc giả Võ Công cũng cho rằng, ngoài những giải pháp đã nêu thì việc "Mỗi giáo viên là tấm gương về đạo đức" cho học sinh noi theo là rất cần thiết. “Cuộc sống thực dụng, dạy thêm học thêm, thu tiền sòng phẳng, thậm chí còn tiêu cực trong dạy thêm đang là vấn đề đáng suy nghĩ”.

Nhiều độc giả cho rằng, trong sự việc vừa qua, cần phải có cách giải quyết thấu tình đạt lý để giúp tất cả các em đều hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Độc giả tên Hà cho rằng, đuổi học các em không chỉ là hạ sách, mà còn thể hiện sự bất lực của người làm giáo dục. Nếu nhìn về tuổi tác và hoàn cảnh của các em, chúng ta phải biết vị tha hơn. “Người lớn chúng ta đừng thấy điều gì không đúng phải là ra tay “triệt hạ”. Chúng ta phải cho các em cơ hội, phải dạy dỗ các em tốt hơn sau những biến cố vừa xảy ra. Phải động viên và khích lệ. Không biết việc đuổi học các em có giúp các em tiến bộ hơn không? Hay chỉ làm cho các em ngày càng lấn sâu vào những sai phạm nghiêm trọng?”.

Là một hiệu trưởng 37 năm, độc giả Hoài Phương cho biết, ngày ông nhận quản lý trường cũng xảy ra bạo lực học đường. Nhưng với những giải pháp hiệu quả, chỉ sau 1 năm, hiện tượng đó không còn. “Đơn giản, mỗi lần vi phạm cho làm kiểm điểm mời phụ huynh làm việc ghi biển bản. Tái phạm xử kỉ luật đuổi học. Hay chỉ một lần vô lễ với thày cô hoặc vô cớ đánh bạn dã man, mang tính côn đồ: Đuổi học. Mỗi trường chỉ đuổi từ 1 đến 2 em trường im như bàn thạch”.

Độc giả có nick lebak thì tư vấn cách giải quyết: Buộc 7 học sinh đánh bạn xin lỗi bạn tại buổi chào cờ, làm bản cam kết không vi phạm; Đưa vào trường giáo dưỡng để rèn về đạo đức; Đề nghị địa phương họp dân phê bình phụ huynh có con đánh bạn do không quan tâm giáo dục đạo đức cho con cái; Kỷ luật giáo viên chủ nhiệm vì không quản lý tốt lớp chủ nhiệm; Kỷ luật Hiệu trưởng nhà trường vì buông lỏng quản lý.

Đây chỉ là những đề xuất của độc giả, còn đến thời điểm này, hình thức kỷ luật đối với nhóm học sinh tham gia đánh bạn hội đồng vẫn chưa có kết luận chính thức.

Kết quả kỷ luật chính thức từng cá nhân sẽ được công bố vào chiều thứ 2, ngày 16/3 bằng văn bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đánh bạn dã man ở Trà Vinh: Chưa có kết luận kỷ luật
Đánh bạn dã man ở Trà Vinh: Chưa có kết luận kỷ luật

VOV.VN - Kết quả kỷ luật chính thức từng cá nhân sẽ được công bố vào chiều thứ 2, ngày 16/3 bằng văn bản.

Đánh bạn dã man ở Trà Vinh: Chưa có kết luận kỷ luật

Đánh bạn dã man ở Trà Vinh: Chưa có kết luận kỷ luật

VOV.VN - Kết quả kỷ luật chính thức từng cá nhân sẽ được công bố vào chiều thứ 2, ngày 16/3 bằng văn bản.