Giảm tử vong cho mẹ từ mô hình cô đỡ thôn bản

(VOV) - Sự góp mặt của cô đỡ thôn bản đã giúp chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em các bản xa có sự thay đổi lớn.

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế tỉnh Lai Châu, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà  hiện chiếm 58%. So với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc  như Điện Biên, Lào Cai, tỷ lệ này cao hơn từ 4 đến 6%. Và cứ 100.000 ca đẻ thì có 90 bà mẹ tử vong sau sinh; 1.000 ca đẻ thì có 20 trẻ tử vong sau sinh. Tỷ lệ này tập trung chủ yếu  tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận được với các dịch vụ y tế.  Nhằm giảm tử vong sau sinh, tỉnh Lai Châu đã triển khai mô hình cô đỡ thôn bản, trước mắt ưu tiên cho các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn.

Ngắm cậu con trai 6 tháng tuổi bụ bẫm, kháu khỉnh ngủ ngoan trong nôi, chị Lò Thị Đồn, dân tộc Mảng ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không dấu được niềm hạnh phúc. 18 tuổi lấy chồng, cái tuổi còn quá trẻ để biết về kiến thức mang thai và làm mẹ. Hôm sinh con ở nhà, chị Đồn bị tai biến sản khoa, song nhờ có cô đỡ ở bản phát hiện và cấp cứu  chuyển tuyến kịp thời, nên đã giữ được mạng sống.

Cô đỡ thôn bản kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại nhà (Ảnh minh họa)

Chị Lò Thì Đồn kể lại: “Hôm đó, tôi tưởng không sống nổi nữa, nhưng được cô đỡ ở bản cho uống thuốc rồi cho đi viện ngay nên mới sống được để mà chăm con như thế này. Được tuyên truyền, giờ ai cũng bảo nhau khi mang thai phải khám định kỳ và ra trạm y tế xã để sinh con chứ không sinh con ở nhà như trước nữa”.

Cô đỡ ở bản được chị Đồn biết ơn và nhắc tới là chị Lò Thị Thương. Chị Thương đã được tập huấn kỹ năng cơ bản về sản khoa và xử trí ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. Sau khóa đào tạo 6 tháng ở tỉnh, chị trở về địa phương với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu như: Quản lý thai nghén, tư vấn giáo dục sức khỏe; vận động sản phụ khám thai và sinh con tại trạm y tế xã; phát hiện thai có nguy cơ cao để chuyển tuyến kịp thời. Nhiều khi không thể vận động bà mẹ đến cơ sở y tế, chị Thương đỡ đẻ tại nhà; chăm sóc sau đẻ cho mẹ và con... Chính vì là người dân tộc thiểu số sinh sống tại cộng đồng, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, chị Thương đã truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Chị Lò Thị Thương chia sẻ: “Mình là người dân tộc ở địa phương,  hiểu hoàn cảnh gia đình của từng người nên khi tuyên truyền bà con cũng ủng hộ lắm. Nhiều chị đã biết đến nhà mình để hỏi những gì còn chưa biết về đi khám định kỳ ở xã. Thấy mọi người như vậy bản thân cũng thấy phấn khởi, nhất là bây giờ Nhà nước quan tâm, cho chúng tôi  lương hơn 500.000 đồng một tháng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ sinh hoặc buộc phải sinh con tại nhà ở một số vùng khó khăn ở Lai Châu là do nghèo đói, giao thông đi lại khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, khó tiếp cận dịch vụ y tế. Đó là chưa kể đến tập tục sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản sau 1 thời gian thực hiện, Bác sỹ Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Lai Châu cho biết, khác với đội ngũ y tế thôn, bản, phải thực hiện nhiệm vụ lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia, đội ngũ cô đỡ thôn bản chỉ trang bị kiến thức chuyên sâu về sản khoa, nhi khoa. Vì vậy, lực lượng này đã phối hợp với các nữ hộ sinh tuyến xã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ độ tuổi mang thai về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm: “Các cô đỡ thôn bản qua một thời gian đào tạo đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Thực hiện được các hoạt động quản lý thai nghén, tư vấn cho các bà mẹ có thai về cách chăm sóc thai sản. Những trường hợp không kịp đẻ tại cơ sở y tế, các cô đỡ thôn bản đã hỗ trợ các ca đẻ tại nhà đảm bảo mẹ tròn con vuông”.

Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ tử vong liên quan đến thai sản dưới 45/100.000 ca. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới đào tạo được 55 cô đỡ/1.200 thôn, bản. Tỷ lệ này còn quá khiêm tốn so với nhu cầu phủ khắp mạng lưới cô đỡ thôn bản trong toàn tỉnh./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh ngành y
Cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh ngành y

(VOV) -Cô đỡ thôn bản đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa.

Cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh ngành y

Cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh ngành y

(VOV) -Cô đỡ thôn bản đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa.

Người “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản
Người “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản

(VOV) -GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản rất thành công tại Việt Nam.

Người “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản

Người “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản

(VOV) -GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản rất thành công tại Việt Nam.

Giảm tử vong nhờ cô đỡ thôn bản
Giảm tử vong nhờ cô đỡ thôn bản

Phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản là một giải pháp để giảm tử vong mẹ và sơ sinh ở vùng sâu, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Giảm tử vong nhờ cô đỡ thôn bản

Giảm tử vong nhờ cô đỡ thôn bản

Phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản là một giải pháp để giảm tử vong mẹ và sơ sinh ở vùng sâu, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.