Thừa Thiên Huế:

Bom đạn sót lại tiếp tay cho cháy rừng

Những vùng rừng có tỷ lệ bom đạn sót lại sau chiến tranh, nếu xảy ra cháy rừng lực lượng kiểm lâm chỉ còn cách cắt đường băng, khoanh vùng tránh lây lan để tránh thương tích.

Miền Trung đang vào mùa khô, thời  tiết nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 vụ cháy, thiêu rụi  gần 10 héc ta rừng trồng. Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, toàn tỉnh có gần 300.000 héc ta diện tích có rừng, trong đó chiếm đến 2/3 rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng. Hầu hết, tại các diện tích rừng trồng, thực bì dưới tán rừng rậm rạp rất dễ gây cháy. Lo lắng nhất là gần 1.000 héc ta rừng thông ở phía Tây Nam thành phố Huế, các huyện Hương Thuỷ, Hương Trà, Bắc Hải Vân huyện Phú Lộc. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều ở khu vực rừng trồng, rừng phòng hộ, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn khi sử dụng lửa của người dân, hoặc do bom mìn sót lại phát nổ khi trời nắng nóng. Mùa khô, người dân vào rừng đốt than, đốt tổ ong lấy mật, đốt rừng làm nương rẫy, rồi rà phá thu gom phế liệu nhiều nên rất dễ gây ra cháy rừng.

Ngày từ đầu mùa khô năm nay, Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai, củng cố lực lượng từ tỉnh đến địa bàn thôn, xóm; xây dựng phương án phòng chống cháy rừng, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, từng thành viên. Trước tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng công tác phòng là chính; hạn chế người dân vào rừng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt cấm tuyệt đối người dân sử dụng lửa, phát đốt thực bì trong mùa khô.

Ngoài công tác phòng chống, Ban Chỉ đaọ phòng chống cháy rừng tỉnh Thừa Thiên- Huế chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng trực khi xảy ra sự cố. Chi cục Kiểm lâm huyện, UBND xã cũng chủ động đầu tư kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ dập lửa, trong đó mỗi xã có rừng trang bị một bộ chữa cháy gồm máy bơm, bồn chứa, ống dẫn nước; dụng cụ chữa cháy cá nhân như áo chống nóng, rựa, bàn dập lửa, máy thổi gió... Mặt khác tại các địa phương có rừng đều thành lập đội phản ứng nhanh sẵn sàng ứng cứu. Các đơn vị quân đội, công an, biên phòng đóng trên địa bàn sẵn sàng điều động lực lượng tham gia dập lửa khi xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, công tác chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ngành kiểm lâm, công an, quân đội… đều có phương tiện chữa cháy cơ giới, khi cần điều động là các đơn vị tích cực tham gia. Nhưng thực chất, phương tiện chữa cháy hiện có chỉ đảm bảo dập đám cháy nhỏ, vừa ở gần đường, còn những đám cháy lớn, cách xa trục đường ô tô thì đành chịu, vì xe chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy. Thực tế khi xảy ra cháy, lực lượng ứng cứu chỉ biết sử dụng cành cây, bàn dập lửa, phát đường băng để khoanh vùng đám cháy. Thêm nữa đã có nhiều vụ cháy rừng, làm cho bom mìn dưới lòng đất phát nổ, uy hiếp trực tiếp tính mạng của lực lượng cứu hộ. Đã từng có trường hợp nhân viên kiểm lâm tham gia chữa cháy rừng bị bom nổ gây trọng thương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên