Gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn tại Cần Thơ

Chương trình nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại tích cực chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam

Nằm trong khuôn khổ Triển lãm-Hội chợ "Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long", sáng 28/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội nghị gặp gỡ giữa các địa phương với trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, trưởng các cơ quan đại diện tổ chức Quốc tế tại Việt Nam”.

 Ngoại giao đoàn tham dự gồm các Đại sứ, Tổng lãnh sự, Tham tán các cơ quan ngoại giao đại diện cho 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như: Indonesia, Canada, Hà Lan, Thái Lan, UNDP, IMF, EuroCham. Cùng tham dự có lãnh đạo của UBND 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là lần đầu tiên một chương trình gặp gỡ giao lưu giữa đại diện của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam được tổ chức.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Ðồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thế mạnh quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, với mức đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước.

Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta, có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm khoảng 20% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu; đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Nơi đây cũng là vùng đất tươi đẹp, có cảnh quan sinh thái đa dạng, có nhiều biển đảo với tài nguyên thiên nhiên phong phú với những danh lam thắng cảnh tươi đẹp hữu tình. Do vậy, khu vực này đã và đang được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết:  Chương trình gặp gỡ địa phương, ngoại giao đoàn là một trong những nỗ lực của ngành Ngoại giao Việt Nam cùng với các địa phương đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại; tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó có việc giới thiệu những tiềm năng, nhu cầu, cơ hội phát triển của địa phương, để tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước. Tăng cường trao đổi giao lưu giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp của Việt nam với các đối tác nước ngoài.

Các ý kiến và tham luận tại Hội nghị của các vị khách mời cũng đã khẳng định tiềm năng và tương lai phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản đang được sự quan tâm của cả khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự cũng đã bày tỏ sự quan tâm những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt như tình trạng biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và khai thác hiệu quả, hợp lý tài nguyên nước, tình trạng ngập lụt kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường./.     

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên