Chỉ có Đổi mới, không còn con đường nào khác!

VOV.VN - PGS.TS Phạm Xanh: Để đổi mới toàn diện, triệt để thì phải học thuộc bài, những bài học mà Hồ Chí Minh đã để lại trong lịch sử đất nước.

Báo điện tử VOV (VOV.VN) vừa tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" vào chiều 28/8, tại Hà Nội với ba vị khách mời tham gia chương trình là: PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) và ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước thuộc Trung Đông.

Cuộc tọa đàm được chia làm 3 phần:

Phần 1 - Cách mạng Tháng Tám và lý tưởng về "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần 2 - 70 năm, Việt Nam đã vượt qua chặng đường không giống bất kỳ quốc gia nào.

Các vị khách tham gia tọa đàm

Sau đây là phần cuối của cuộc tọa đàm này. Mời quý độc giả cùng theo dõi:

PV: Thưa các vị khách mời, một trong những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nhà nước kiểu mới – nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đây là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng và Bác Hồ, đã được minh chứng và kiểm nghiệm trong lịch sử đấu tranh giành chính quyền và xây dựng chính quyền nhà nước dân chủ nhân dân. Theo Hồ Chủ tịch, nhà nước kiểu mới – nhà nước pháp quyền phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Vậy thì trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng một đất nước “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đúng như lý tưởng của Người, đúng như khát vọng của tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiêu ngữ ghi dưới quốc hiệu, Việt Nam chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS Phạm Xanh: Những thứ đó thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học rồi. Tuy vậy, chúng ta chưa học hết được. Lẽ ra chúng ta còn đi gấp hơn nữa, phát triển mạnh hơn nữa. Bây giờ để làm được điều đó, chúng ta vẫn tiếp tục đổi mới hay theo như các nhà chính trị nói là "Đổi mới 2".

Họ gọi là "Đổi mới 2" còn chúng ta gọi là tiếp tục đổi mới. Trong sự tiếp tục đổi mới đó xuất hiện những vấn đề không giống như bối cảnh chúng ta bắt đầu đổi mới năm 1986. Con người bây giờ tinh ranh hơn, nói xấu một tí là sự lưu manh hóa càng ngày càng mạnh trong cư dân. Nói điều này hơi mạnh một chút nhưng chúng ta bắt buộc phải nghĩ đến.

Hồi xưa, Chí Phèo muốn có xôi, muốn có thịt, muốn có rượu uống thì phải biết rạch mặt để ăn vạ nhà Bá Kiến. Bây giờ, trong xã hội chúng ta cũng xuất hiện một lớp người tương tự, lưu manh, kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả ăn cắp, kể cả giết những người thân của mình. Cái đó xuất hiện là hệ quả hết sức lớn của việc chúng ta nói không đi đôi với làm. 

Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới nhưng phải nắm rõ hoàn cảnh bây giờ khác với đổi mới của những năm trước kia. Phải làm khác, không thể làm như trước được.

Tôi cho rằng chúng ta không có con đường nào khác, không thể lùi, chỉ có thể tiến. Tiến đó là tiếp tục đổi mới. Đổi mới toàn diện, đổi mới triệt để. Để đổi mới toàn diện, triệt để thì phải học thuộc bài, những bài học mà Hồ Chí Minh đã để lại trong lịch sử đất nước.

PV: Xin mời ý kiến của ông Nguyễn Quang Khai?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi nghĩ rằng chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất đất nước bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là phải xây dựng trở thành một nước tiên tiến để có thể sánh vai với các nước khác trên thế giới.

Chúng ta đã hy sinh quá nhiều trong chiến tranh, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu hậu quả, bây giờ, những người còn sống phải có trách nhiệm đối với đất nước.

Tôi hoàn toàn nhất trí với PGS.TS Phạm Xanh là phải xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, phải vì nước, vì dân, phải như Bác Hồ. Bác Hồ không có gì, khi Người ra đi không để lại một tài sản gì. Vậy, tại sao bây giờ mọi người nghĩ mình phải xây lâu đài, phải có ô tô hạng sang, tôi nghĩ cái đó hoàn toàn đi ngược lại ý tưởng của Bác Hồ.

Điều tôi mong muốn nhất là Đảng và Nhà nước mình phải làm trong sạch bộ máy, xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, lớn hơn nữa là phải tiếp tục đổi mới, đổi mới hơn nữa. Vừa rồi mình cũng đã đổi mới rồi, nhưng có khi không rõ ràng.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Ví dụ như kinh tế thị trường, vận động kinh tế thị trường nhưng chúng ta đã có kinh tế thị trường đâu. Nhà nước vẫn phải giữ các doanh nghiệp chủ đạo, can thiệp vào công việc của các doanh nghiệp thì làm sao nói kinh tế thị trường.

Phải tập trung mọi sức lực để đổi mới. Ta đã đánh thắng được những đế quốc to như vậy rồi, tôi nghĩ công việc xây dựng lại đất nước dễ hơn nhiều so với cuộc chiến tranh. Trong thời bình, chúng ta có thể tranh thủ được sự đầu tư, giúp đỡ của các nước, dùng nội lực của mình, phát huy mọi tiềm năng trong nước thì dứt khoát có thể xây dựng được một nước Việt Nam đi nhanh hơn nữa, không thua kém các nước trên thế giới.

Hiện nay, Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII, tôi cho rằng Đại hội này sẽ là một bước ngoặt và tất nhiên sẽ vạch ra được những đường lối để tăng cường đổi mới hơn nữa và làm trong sạch đội ngũ của Đảng, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đất nước Việt Nam.

PV: Còn ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng thực ra chúng ta có tất cả, chúng ta có nhiều thứ nhưng hình như chúng ta không biết quý. Chúng ta đã có một sự hy sinh khổng lồ để có một dân tộc có danh dự.

Phải xem mất mát đạo đức như một sự mất mát năng lượng sống. Tôi chưa thấy có nghị quyết nào nói rõ mất mát đạo đức là mất mát năng lượng của con người. Cần phải có phân tích khoa học cho rõ ràng hơn, cần phải hiểu việc mất mát đạo đức là tội ác.

Một số nhà chính trị đã bắt đầu sợ các sự tấn công của các nhóm lợi ích. “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu dấn thân vô là phải chịu tù đày”, Tố Hữu nói thế từ những năm 1930. Bây giờ, Đảng ta cần phải lãnh đạo quá trình này để cho các đảng viên không sợ sự xâm hại của các nhóm lợi ích. Không nâng cao ý chí chính trị, không nâng cao ý chí đạo đức để làm người chúng ta không thể có một xã hội như chúng ta mong muốn được.

Ông Nguyễn Trần Bạt

Nâng cao ý chí chính trị để nhân dân có chỗ dựa trong cuộc chống đỡ đối với các hiện tượng tiêu cực. Nếu Đảng không vững mạnh, ý chí chính trị không sắt đá thì chúng ta không biết dựa vào ai, đành phải dựa vào một vài mẹo vặt, một vài trí khôn của chúng ta để sống qua ngày.

Chúng ta chỉ tích cực khi nào chúng ta có chỗ dựa. Chỗ dựa của tất cả những người công dân bình thường như chúng ta chính là ý chí chính trị của những người lãnh đạo.

PGS.TS Phạm Xanh: Tôi xin tiếp lời anh Bạt, giữa diễn đàn Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước xây dựng niềm tin chiến lược, tôi cho là quá hay. Nhưng với Việt Nam, chúng ta phải xây dựng niềm tin của dân đối với Nhà nước này, đối với chính thể này. Nếu làm được điều đó thì Nhà nước này sẽ đi tiếp, sẽ bước tiếp. Nếu đánh mất niềm tin của dân thì chúng ta sẽ mất hết.

PV: Chúng ta thường hay nói là ôn cố tri tân, nhìn lại lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm để kế thừa, phát huy và cũng với mục đích là xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, dân chủ, công bằng như lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra từ ngay những ngày đầu thành lập nước là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".

Câu hỏi cuối trong chương trình hôm nay xin được hỏi về cảm xúc và ước vọng của các vị khách mời nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 này như thế nào?

PGS.TS Phạm Xanh: Với tôi, trước hết là một người Việt Nam, tiếp sau là một nhà sử học cho nên mỗi lần mồng 2/9 tới có nhiều rung động, có nhiều suy tư đối với bước đi của đất nước chúng ta.

Năm nay, nhân dịp 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tuyên bố trước nhân loại, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sự kiện đó đã lấy lại tên Việt Nam chúng ta trên bản đồ chính trị thế giới.

Vì thế, tôi nghĩ rằng tôi rất tin vào lớp trẻ bây giờ, lớp trẻ thông minh, năng động sẽ đưa đất nước chúng ta tiếp bước tới vinh quang.

Ông Nguyễn Trần Bạt: Năm nay tôi 70 tuổi, cùng tuổi với nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của chúng ta. Tôi xin chúc những nhà lãnh đạo của chúng ta giữ vững ý chí chính trị, kêu gọi đồng bào giữ vững ý chí đạo đức. Nhân dân tốt và những nhà chính trị sáng suốt không có lý do gì chúng ta không có một tương lai tốt.

Nhân dịp này, chúc Nguyên Đại sứ, chúc Phó Giáo sư và các bạn, chúng ta cố gắng tìm ra cách hưởng hạnh phúc của một người Việt bình thường. Tôi nghĩ rằng Đại hội XII sẽ diễn ra một cách suôn sẻ và tốt đẹp. Tôi chúc Đảng ta thành công trong câu chuyện quan trọng này.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Nhân dịp 70 năm ngày thành lập nước, tôi nghĩ rằng đây là một dịp hết sức quý báu để chúng ta ôn lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Quá khứ tôi nghĩ rằng mình thấy những cái gì làm được, những thành tựu đã đạt được trong 70 năm qua và những gì còn chưa làm được, những gì còn thiếu sót. Trên tinh thần dũng cảm nhìn vào quá khứ, dũng cảm nhìn vào những thiếu sót, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, tôi tin tưởng rằng chúng ta nhất định sẽ xây dựng được một nước Việt Nam vững mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo như ý tưởng của Đảng và thực hiện tốt di chúc của Bác Hồ đã để lại là xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, sánh vai tất cả các cường quốc trên thế giới.

PV: Xin cảm ơn Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai, PGS.TS Phạm Xanh và ông Nguyễn Trần Bạt đã tham dự cuộc tọa đàm này. Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên