Việt Nam đạt nhiều tiến bộ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã nỗ lực kiện toàn Luật Sở hữu trí tuệ; bảo đảm các luật, quyền và nghĩa vụ liên quan nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đạt được những thành công bước đầu.

Bắt đầu từ năm 1999, ngày 26/4 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn làm Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Năm nay, chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Đổi mới – Kết nối thế giới”, nhằm đẩy mạnh hơn nữa nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuếch trương vai trò của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả đều hướng đến khuyến khích hoạt động sáng tạo - đổi mới ở các nước và tăng cường giao lưu quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại Việt Nam, việc thực thi sở hữu trí tuệ đánh dấu bằng việc thành lập Cục Sáng chế (Bộ Khoa học Công nghệ) năm 1981, trải qua 28 năm phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam dần hoàn thiện, đặc biệt sự ra đời của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005. Bên cạnh đó, các Luật bổ sung trên các lĩnh vực được quy định tại các Luật Hình sự, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Thương mại… Nước ta cũng tích cực tham gia, thực thi các công ước quốc tế như: công ước Paris, Berne, Roma… Hiệp định TRIPS, Thỏa ước và Nghị định thư Madrid. 

Ông Daniel Keller điều phối viên Dự án hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác sở hữu trí tuệ. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, hiện đại. Đây là cơ sở cho việc thúc đẩy sáng tạo, sáng chế, chuyển giao công nghệ hướng tới nền kinh tế dựa trên tri thức.

Ông Daniel Keller cho biết: “Việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để khuyến khích sáng tạo, đổi mới; đảm bảo khả năng tiếp thu các công nghệ mới của Việt Nam. Đây là một điều kiện rất quan trọng để Việt Nam kiện toàn nền kinh tế dựa trên trí thức. Điều đó cũng giúp Việt Nam bảo tồn các tài sản trí tuệ. Trên thực tế quyền sở hữu trí tuệ có giá trị rất lớn, một số nhãn hiệu lớn và bằng sáng chế có thể trị giá đến hàng tỷ USD.”

Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký về bảo vệ sở hữu trí tuệ, số lượng văn bằng bảo hộ được cấp đều tăng trong những năm gần đây. Năm 1995, số lượng đơn yêu cầu bảo hộ là hơn 5.600 đơn tới năm 2009 tăng lên gần 29.000, cùng với đó số lượng văn bằng bảo hộ được cấp cũng tăng hơn 4 lần. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiến hành nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nhiều nước trên thế giới.

Trong nền kinh tế với mức độ toàn cầu hóa sâu rộng, quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự độc quyền trong việc khai thác những sản phẩm nguyên gốc hay sản phẩm mới, các kiểu dáng sáng tạo và các nhãn hiệu.

Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết: “Chúng ta cần phải tăng tài sản trí tuệ trong tổng tài sản Việt Nam. Trong giai đoạn hội nhập này, sở hữu trí tuệ thành một công cụ cạnh tranh vô cùng hữu hiệu và nhiều lúc trở thành tài sản chính của doanh nghiệp. Tài sản cố định có thể cạn kiệt, nhưng tài sản trí tuệ chỉ có nở hoa và phát triển.”

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ngày càng tinh vi. Số lượng đơn, văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích rất ít so với tiềm năng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa thông hiểu về sở hữu trí tuệ. Hệ thống đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, phức tạp, phối hợp giữa các cơ quan chưa thông suốt… Vì vậy, tăng cường hoàn thiện, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo các cam kết quốc tế, là những việc cần tiếp tục đẩy mạnh để bảo vệ nguồn tài sản tri thức của quốc gia. Đồng thời bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ của thế giới và là động lực của sáng tạo, sáng chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên