Về nơi khởi nguồn của ngày Thương binh, liệt sĩ

Đại Từ - Thái Nguyên là nơi mở đầu cho phong trào toàn dân thực hiện chính sách đối với người có công đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc.

65 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chăm sóc và nuôi dưỡng thương binh. Những việc làm nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ nơi núi rừng Đại Từ đã mở đầu cho phong trào toàn dân thực hiện chính sách đối với người có công đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc.

Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, cán bộ và nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đồng lòng ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ thương binh. Một loạt các trại an dưỡng ra đời ở các xã An Khánh, Lục Ba, Mỹ Yên. Bộ đội bị thương ở các mặt trận được đưa về đây để cứu chữa, điều trị.

Bà Tạ Thị Vệ, 86 tuổi, ở thôn Kỳ Linh xã Mỹ Yên, một trong số rất ít những phụ nữ từng chăm sóc thương binh ngày ấy nhớ lại: Ở Mỹ Yên có cụ Đặng Văn Ẩm hiến toàn bộ trang trại Tàu Voi gồm 8 gian nhà, 5 mẫu ruộng, 4 con bò và nhiều thóc gạo để lập nên Trại an dưỡng số 2. Trai tráng lên đường đi bộ đội, phụ nữ ở nhà làm ruộng, khi xã yêu cầu thì ra tận cầu Chì đón thương binh về trại chăm sóc.

Bà Tạ Thị Vệ, người từng nuôi thương binh những năm kháng chiến

Nhiều phụ nữ đã cảm thông, bất chấp khó khăn, lấy chồng thương binh, sẻ chia thiệt thòi với các anh. Ở Lục Ba có bà Lễ, bà Tình, bà Cậy… Ở Mỹ Yên có bà Vệ, bà Đường. Cũng như bao phụ nữ lấy chồng thương binh khác, chuyện tình của bà Vệ thật chân tình, giản dị: “Tôi lấy ông ấy không có cái gì hết, miếng nước điếu thuốc cũng không, bà con họ mạc cũng không. Ông chủ tịch xã vào chứng kiến, tuyên bố là xong. Thương ông ấy thì lấy thôi chứ có gì đâu…”.

Ở xã Lục Ba có bà Nguyễn Thị Đích, thường gọi là bà Bá Huy, đã dành nhà mình cho cán bộ làm việc, hiến 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và vận động nhân dân trong làng dựng 10 gian nhà lập Trại an dưỡng số 1 để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh. Có lúc nhà cả trăm cán bộ, bộ đội đến ở và làm việc, chuyện ăn ở đều do cụ và con cái trong nhà chu toàn.

Ông Trần Đình Tĩnh, con trai út bà Bá Huy nhớ lại: "Cả trại an dưỡng thương binh ai cũng gọi mẹ tôi là mẹ hết. Lúc bấy giờ thân quen lắm. Ngay cả những vị cấp Chính phủ cũng thường gọi là cụ Tôn. Cứ ăn cơm tối xong, đốt đống lửa giữa nhà rồi ngồi sưởi, rồi nói chuyện vui vẻ lắm”.

Noi gương cụ Bá Huy, những gia đình có nhà rộng rãi đều nhường chỗ để anh em thương binh có chỗ ăn, chỗ ở, có nơi làm nhà văn hóa để anh em vui chơi, giải trí. Những nhà có thương binh nặng tuy có khó khăn hơn nhưng ai cũng xem việc giúp thương binh là một cách góp phần mình cùng Chính phủ lo kháng chiến.

Cảm động trước những việc làm đầy tình nghĩa của bà Bá Huy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi, thư có đoạn: “Thưa bà! Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc gìn giữ Tổ quốc. Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà. Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”.

Từ những việc làm tình nghĩa với thương binh ở Mỹ Yên, Lục Ba, Bác Hồ đã chỉ đạo tổ chức lễ mít tinh tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, công bố quyết định lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ.

Phát huy truyền thống vùng quê khởi nguồn của phong trào chăm sóc thương binh, những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Đại Từ luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Ông Phạm Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ các gia đình chính sách được vay vốn, được đào tạo nghề, giúp các gia đình tạo việc làm tự vươn lên trong cuộc sống. Tổ chức phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng việc giao cho các cơ quan đoàn thể nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, tặng vườn cây tình nghĩa, nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, thăm hỏi nhân các ngày lễ, ngày thương binh liệt sĩ... Đặc biệt là xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp huyện mỗi năm hơn 1 tỉ đồng. Cuộc sống của gia đình chính sách đã đạt mức từ trung bình khá”.

Khu di tích 27/7 ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên giờ đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa, để mỗi người Việt Nam có dịp đến đây, sẽ luôn tự hào về những việc làm thấm đượm nghĩa tình và sáng ngời đạo lý của dân tộc đối với những người đã hy sinh máu xương cho độc lập tự do của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên