Tưng bừng hội Gióng đầu Xuân

Hội Gióng là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản đã được UNESCO công nhận.

Trong không khí lễ hội đầu xuân đang tưng bừng trên cả nước, ngày 8/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Gióng khai mạc tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hàng vạn du khách thập phương về du xuân, chơi hội.

Lễ hội năm nay thu hút đông đảo sự chú ý của du khách là lễ “rước tướng” với một em bé gái tượng trưng cho tướng được rước với nhiều thanh niên cầm gậy bảo vệ trên đường. Trong lễ hội còn có lễ rước nước, rước ngà voi, mang đậm dấu ấn của lễ nghi nông nghiệp. Đặc biệt, lễ rước hoa tre độc đáo gợi lại hình tượng Thánh Gióng nhổ gốc tre ngà đánh tan giặc Ân. Ngoài ra, còn có lễ chém tướng diễn tả chiến công của Thánh Gióng và nhiều tiết mục sinh hoạt văn hoá dân gian…Cùng với đó là các hoạt động hội như chọi gà, cờ tướng, đánh đu, hát ca thờ thần…

Bên cạnh lễ hội đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, lễ hội Gióng ở Đền Đống Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh cũng diễn ra mang đậm nét văn hóa dân tộc đặc sắc với các chò chơi dân gian, và lễ rước nước, rước ngựa... Đặc biệt, khi đoàn rước đi đến đâu, các gia đình đều bày một mâm lễ vật để dâng lên Đức Thánh Gióng.

Ông Phạm Văn Quyết, Trương Ban Tổ chức lễ hội Gióng- Đền Đống Đìa cho biết: “Để tôn thờ công lao đối với đức thánh Phù Đổng Thiên Vương đã có công giết giặc hộ quốc an dân, đoàn rước đi đến đâu là nhân dân có nén hương nải quả lễ để ở cổng nhằm ghi nhớ công lao của Đức Thánh. Đây là một nét văn hóa đặc biệt của nhân dân thôn Đìa, duy trì từ năm 1995 đến nay”.

Tương truyền, Đền Đống Đìa là nơi xưa kia Đức Thánh Gióng cho dừng quân nghỉ ngơi, bổ sung lương thực, sửa chữa binh khí để tiếp tục đánh giặc. Lễ hội diễn ra hàng năm là sự giáo dục cho thế hệ mai sau ghi nhớ công lao của Đức Thánh Gióng cũng như các thế hệ cha ông đã hy sinh để gìn giữ đất nước như ngày nay.

Ông Ngô Sửu, đã gần 80 tuổi vẫn hồ hởi tham gia lễ hội: “Lễ hội truyền thống Đức thánh Gióng là sự uống nước nhớ nguồn tưởng nhớ các vị cha ông đã có công đánh giặc, gìn giữ đất đai… Khi đánh giặc xong, Ngài về trời mà không màng danh lợi. Đây là đức tính mà thế hệ ngày hôm nay cần noi theo”.

Hội Gióng ở Đền Sóc và Đền Đống Đìa mở đầu cho các lễ hội Gióng đầu xuân năm 2011 và Hội Gióng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng tư âm lịch. Mặc dù trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị thương mại hóa. Đây là nét đẹp văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nói: “Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội Gióng, chúng ta phải nâng cao hiểu biết của cộng đồng về giá trị của di sản để họ tự hào, từ đó cùng chung tay góp sức bảo vệ di sản…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên