Tục cấm rừng ở Mường Lò

Những khu rừng khi đã đặt biển cấm thì không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim…

Mường Lò tươi đẹp nhờ rừng

Mường Lò, Yên Bái là miền đất tổ của đồng bào Thái miền Tây Bắc Tổ quốc. Nơi đây vẫn lưu giữ những nét văn hóa đậm đà bản sắc với những con người hồn hậu. Trong rất nhiều phong tục đẹp của người Thái nơi đây, có một phong tục quý được bà con lưu giữ qua bao thế hệ, đó là tục Cấm rừng.

Thung lũng Mường Lò

Bao đời nay, các bản làng người Thái đều nằm trên những dải đất rất đẹp. Phía trước là những cánh đồng bằng phẳng ôm lấy những dòng suối trong vắt. Phía lưng bao giờ cũng là những cánh rừng xanh ngắt. Với thế đất này, các bản làng luôn được bao bọc, ôm trọn bởi những cánh rừng. Mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp, lũ lụt xảy ra cũng được rừng cản lại, cuộc sống vì thế mà luôn an toàn, yên ấm.

Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai miền Tây Bắc thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cũng vậy, đó là một thung lũng lòng chảo với núi đồi bao quanh, có cánh đồng bằng phẳng và dòng Nậm Thia trong như lọc. Thời tiết ôn hòa, cảnh vật tươi đẹp.

Các cụ già bảo, nếu không có những cánh rừng đầu nguồn, không có những triền núi xanh ngắt các loài cây thì Mường Lò không thể có sự tươi đẹp ấy. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, dân tộc Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.

Cụ Lò Văn Chiến, một trong những người cao tuổi nhất mường cho biết: “Các cánh rừng đầu nguồn bảo vệ bản làng đều được đặt biển cẩm. Mỗi khu vực trong rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… được bản, mường đều tôn thờ”.

Những khu rừng khi đã đặt biển cấm thì không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim…Ai đi qua cũng phải cúi lạy, cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ. Có khu rừng hàng năm chỉ mở để cho phép mọi người vào hái măng một vài lần sau những cơn mưa rồi lại đóng để rừng phát triển xanh tốt.

Sống – chết với rừng

Nhưng cùng với dòng chảy của thời gian, những luật tục cứ bị lãng quên dần, người ta không còn nhớ mình phải làm gì trước khi đặt chân vào rừng nữa. Vì thế mà tài nguyên rừng bị khai thác triệt để, những khoảng rừng trọc xuất hiện, trơ tụi. Và rồi rừng nổi giận, thiên tai, bão lũ xảy ra gây mất người mất của… Trước tình hình đó, các cụ già đã phải gắng sức mình, quyết tâm dạy bảo con cháu, yêu cầu chính quyền các địa phương vào cuộc. Từ đó mới dần lấy lại được những gì vốn sắp mất.

Với dân bản địa, rừng và những thứ của rừng đều cần được bảo vệ

Anh Hoàng Văn Chiến, một người dân xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho biết: “Cũng vì cuộc sống mưu sinh mình quên mất luật tục của cha ông. Bao năm như thế, rừng biến mất lúc nào không hay. Cũng may còn nhận ra sớm, bây giờ thì không ai tàn phá rừng nữa, ai cũng cố gắng trồng cây gây rừng”.

Chúng tôi đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, trung tâm của cánh đồng Mường Lò vào những ngày đầu xuân, sau những điệu xòe bất tận. Sau những món ăn đặc biệt, chúng tôi được các cụ đưa đi thăm khu “Rừng thiêng" nơi đây. Đó là một khoảng không gian tràn đầy màu xanh, ngoài những cây cổ thụ, người dân đã trồng thêm cây keo, thông và rất nhiều loại cây khác, tổng diện tích hơn 1 nghìn 2 trăm héc ta, bằng gần 1/3 diện tích thị xã Nghĩa Lộ. Dù ở các địa bàn giáp ranh, rừng bị chặt phá, đất trống đồi trọc thì bà con ở đây vẫn giữ được rừng chính nhờ phong tục tập quán tốt đẹp từ xưa.

Ông Hà Văn Hồng, Chủ tịch xã Nghĩa An cho biết: “Người Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn với cuộc sống và mùa màng. Có thể nói rằng rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người mẹ. Người Thái có câu: “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là: “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”.

Người Thái đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau rằng: “Giữ rừng cho muôn đời phát triển. Để cho muôn mỏ nước tuôn trào. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người”. Theo lời dặn ấy, hiện nay, không chỉ ở xã Nghĩa An mà ở các xã khác của thị xã Nghĩa Lộ và các địa phương nằm trong vùng Mường Lò của huyện Văn Chấn có hàng chục nghìn hộ trồng rừng, trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ rừng với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Toàn tỉnh Yên Bái có độ che phủ của rừng đạt hơn 60% thì tại khu vực Mường Lò lên tới 75%.

Để bảo vệ rừng, các thôn, bản đều đề ra các hương ước riêng về phòng chống cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng, theo đó sẽ có mức phạt với các gia đình đốt rừng làm rẫy hay để trâu, bò vào phá rừng. Mỗi năm 2 lần các gia đình tổ chức phát quang cây cỏ dại, tỉa thưa cây và phát tán cho cây. Nếu gia đình nào muốn đốt nương thì phải xin phép và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nhờ vậy mà những cánh rừng bao quanh Mường Lò ngày càng tươi tốt. 

Chuẩn bị cho Tết trồng cây mỗi độ Xuân về, từ cách đây vài tháng, người dân các địa phương vùng Mường Lò đã ươm hạt, tìm những loại cây có giá trị để chuẩn bị cùng nhau gây rừng. Ai cũng muốn tự mình ươm mầm xanh với những hi vọng một cuộc sống trong lành và yên ấm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên