Trường học lập nhóm kín trên facebook, zalo để tư vấn tâm lý cho học sinh

VOV.VN - Trong xã hội hiện đại, học sinh đang gặp phải không ít những vướng mắc về tâm lý trong quá trình học tập sinh hoạt. Nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh ngày càng trở nên cấp bách. Bởi vậy nhiều trường đang coi tư vấn tâm lý là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường. 

Thực hiện Quyết định số 1501/QĐ- TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”; Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, trong thời gian qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cách làm mới trong công tác tư vấn tâm lý học đường.

Đại diện Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết, khi xã hội phát triển và hội nhập, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường THPT ngày càng trở nên cấp thiết. Đó là những đòi hỏi tất yếu nhằm giải tỏa những bức xúc, vướng mắc trong học tập, sinh hoạt, hướng nghiệp… để các em có được sự thăng bằng về mặt tâm lý, sự hiểu biết và định hướng phát triển nhân cách đúng đắn. Nhu cầu cần tư vấn của học sinh ngày càng trở nên cấp bách trước thực trạng hiện nay rất nhiều em học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý, cần hỗ trợ và giúp đỡ. Hoạt động tư vấn tâm lý là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên những con người đáp ứng  được mục tiêu giáo dục toàn diện.

Đại diện Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết, thực tế cho thấy,  hiện nay ngày càng nhiều học sinh, trẻ em có những biểu hiện rối loạn về tâm lý, rối loạn phát triển và kỹ năng nhà trường (như đọc, viết, tính toán…), những rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm hay những rối loạn về hành vi (như gây rối, bỏ học, trộm cắp, tình yêu lứa tuổi học trò, mâu thuẫn gây gổ đánh nhau…) hậu quả là ngày càng có nhiều học sinh gặp không ít khó khăn trong học tập, rèn luyện đạo đức, phẩm chất rất cần sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn, của các thầy cô giáo và cha mẹ, các em đều có nhu cầu cần được sự giúp đỡ của người lớn để thoát khỏi sự khủng hoảng về tâm lý trong quá trình phát triển của mình.

Thực tế trước năm 2017, tại nhiều trường học ở Đắk  Lắk đã thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường, song hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do công tác quản lý và do bất cập về đội ngũ tham gia hoạt động tư vấn tâm lý chưa qua trường lớp đào tạo hoặc chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn. Việc quản lý các hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường THPT chỉ mang tính hình thức, đối phó và thụ động. Đa số học sinh khi gặp khó khăn đều tự mình giải quyết hoặc chỉ tham khảo ý kiến qua các hình thức khác thay vì đến phòng tư vấn tâm lý của nhà trường. 

Trước thực trạng trên, việc thành lập các Trung tâm tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường để giúp học sinh tháo gỡ những nút thắt trong nhận thức, cảm xúc và hành vi là một việc làm có ý nghĩa thiết thực và rất cần thiết ở Trường THPT. 

Trong thời gian vừa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị, trường học đã thành lập Trung tâm tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ với bạn bè, người thân; hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực...

Theo đó, các trường tổ chức họp Trung tâm tư vấn tâm lý và tổ phòng chống bạo lực học đường để tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cho lập hòm thư góp ý, sau này lập thêm hòm thư điện tử đăng tải rộng rãi trên Webside nhà trường, Trang Fanpape Đoàn trường và các hộp thư messenger, zalo kín theo nhóm…, để nắm bắt, thu thập các ý kiến, tâm tư nguyện vọng và những thắc mắc của các em.

Trung tâm tư vấn tâm lý cũng tổng hợp các ý kiến, thắc mắc của học sinh gửi về; sau đó phân loại các nội dung ý kiến theo nhóm vấn đề và phân công giáo viên có kinh nghiệm, phù hợp xây dựng kế hoạch, lên phương án giải quyết những khó khắn, thắc mắc cho các em học sinh một cách triệt để và hiệu quả nhất. Mục tiêu là giúp các em tháo gỡ được những thắc mắc, băn khoăn và không thất vọng khi đến trung tâm tư vấn tâm lý.

Thông qua các buổi nói chuyện, các diễn đàn chia sẻ, ý thức, sự tự giác trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức-kỷ luật trong nhà trường được nâng cao rõ rệt, hệ lụy từ việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách giảm rõ rệt. Mối quan hệ, khoảng cách giữa thầy, cô giáo và học sinh trở nên hết sức gần gũi, thân thiện. Ngoài vai trò là những người thầy, người cô truyền đạt tri thức, thầy cô có thể trở thành những người anh, người chị chia sẻ với các em mọi điều trong cuộc sống.

Học sinh cần tư vấn nhiều về tình cảm khác giới, quan hệ bạn bè 

Ông Trần Tấn Tài, Hiệu trưởng trường THCS Lý Phong (Quận 5, TP HCM) cũng cho biết, tình hình thực tế học sinh tại trường trước đây còn 1 số học sinh chưa ngoan, nhiều em có thói quen nói bậy, chửi thề… Nhiều em có hoàn cảnh gia đình phức tạp, khó khăn nên cha mẹ ít quan tâm; cha mẹ ly hôn, nhiều em sống với ông bà, dì cậu, cô chú… thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Trường học ở gần khu vực chợ nên có nhiều tác động bất lợi từ xã hội đến nhà trường gây khó khăn trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Các em là học sinh cấp 2, ở lứa tuổi có nhiều thay đổi phức tạp về tâm lý, tâm lý chưa ổn định, chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh. Nhiều em bị áp lực học tập từ phía gia đình và nhà trường dẫn đến tâm trạng lúng túng. Khi có vấn đề trong cuộc sống, các em thường dựa vào ý kiến của bạn bè mà không có được sự tư vấn thích hợp từ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường.

Từ thực trạng này, trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý nhằm tư vấn cho học sinh khi có nhu cầu. Đại diện trường THCS Lý Phong cho biết, học sinh đến tư vấn chủ yếu các nội dung liên quan đến mối quan hệ với bạn bè khác giới, đó là những xúc cảm giới tính, những rung động đầu đời. Chuyên viên tư vấn giúp cho các em nhận thức đúng đắn về tình cảm trong sáng của lứa tuổi học trò, tránh ngộ nhận tình bạn là tình yêu, nhắc nhở các em không sao lãng việc học và giúp các em vượt qua khi buồn phiền chuyện tình cảm.

Các vấn đề liên quan tới bạn bè cũng được nhiều quan tâm, đặc biệt là khối 6. Mối quan hệ bạn bè được mở rộng về nhiều phía và phức tạp hơn bao giờ như tìm kiếm và kết bạn, xung đột trong nhóm bạn, tẩy chay… Chuyên viên cũng đã cung cấp cho các em cách làm quen và kết bạn, cách duy trì tình bạn, cách giải quyết xung đột theo các cấp độ khác nhau và hỗ trợ cho một số em bị cô lập.

Phòng cũng tiếp nhận nhiều ca tư vấn liên quan tới gia đình và các vấn đề khác. Nhiều em đến chia sẻ và làm bạn với chuyên viên vì thiếu vắng sự quan tâm của gia đình (>60% học sinh có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi). Ngoài việc giải đáp thắc mắc của các em, chuyên viên đóng vai trò là người anh, người chị, người bạn của các em.

Nhìn chung, sau khi được chuyên viên tư vấn cùng với sự nỗ lực của bản thân, nhiều em đã có chuyển biến đáng mừng. Các em phản hồi rằng mình cảm thấy thoải mái sau khi chia sẻ được tâm sự và tìm ra một nơi để chia sẻ. Sự quay trở lại của các em trong những lần sau cũng phản ánh cho nhà trường thấy hoạt động tư vấn thật sự cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tư vấn tâm lý học đường: Học sinh vẫn sợ bị rò rỉ bí mật đời tư
Tư vấn tâm lý học đường: Học sinh vẫn sợ bị rò rỉ bí mật đời tư

VOV.VN - Học sinh chưa thực sự tin tưởng giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, phòng tư vấn tâm lý học đường chưa đạt chuẩn...

Tư vấn tâm lý học đường: Học sinh vẫn sợ bị rò rỉ bí mật đời tư

Tư vấn tâm lý học đường: Học sinh vẫn sợ bị rò rỉ bí mật đời tư

VOV.VN - Học sinh chưa thực sự tin tưởng giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, phòng tư vấn tâm lý học đường chưa đạt chuẩn...

Tư vấn tâm lý học đường: Tránh kiểu treo ra để đấy cho đẹp!
Tư vấn tâm lý học đường: Tránh kiểu treo ra để đấy cho đẹp!

VOV.VN -Những vụ bạo lực, "thanh lý" lẫn nhau trong môi trường sư phạm có thể giảm thiểu nếu có đội ngũ tư vấn tâm lý học đường. 

Tư vấn tâm lý học đường: Tránh kiểu treo ra để đấy cho đẹp!

Tư vấn tâm lý học đường: Tránh kiểu treo ra để đấy cho đẹp!

VOV.VN -Những vụ bạo lực, "thanh lý" lẫn nhau trong môi trường sư phạm có thể giảm thiểu nếu có đội ngũ tư vấn tâm lý học đường.