Trực tuyến “Da cam - nỗi đau dai dẳng”

Các vị khách mời: GS.TS Trần Xuân Thu - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc dam cam/dioxin VN; TS Lê Hồng Thơm - Phó Trưởng ban Ban 10-80; Chị Nguyễn Thị Huyền, nạn nhân da cam.

>> Xem Video: Phần I

>> Xem Video: Phần II

>> Xem Video: Phần cuối

Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ mở đầu chiến dịch gieo rắc chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến ở Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh, quân đội Mỹ rải 80 triệu lít chất độc hóa học gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và sức khỏe con người.

Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Thế hệ con, cháu của các nạn nhân do nhiễm chất độc da cam đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể, như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư,… đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều gia tộc có nguy cơ tuyệt tự.

Các vị khách mời tại Toà soạn báo điện tử VOVNews

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1061-10/8/2011), để giúp thính giả, độc giả trong và ngoài nước của Báo Điện tử VOVNews, Đài Tiếng nói Việt Nam hiểu thêm về những nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải gánh chịu; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc chung tay khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, Báo Điện tử VOVNews phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề Da cam - nỗi đau dai dẳng”, coi đây là đóng góp nhỏ trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Tham gia cuộc toạ đàm có các vị khách mời:

- GS.TS Trần Xuân Thu: Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

- Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Thơm, Phó Trưởng ban Khắc phục hậu quả chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh đối với sức khoẻ con người (Ban 10-80), Trường Đại học Y Hà Nội.

- Chị Nguyễn Thị Huyền:  Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hà Đông, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho GS.TS Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam:

BTV Nguyễn Hải: Thưa ông, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa dam cam tại Việt Nam, xin ông cho biết những hoạt động chính của Hội nhằm giúp đỡ các nạn nhân trong dịp này?

GS.TS Trần Xuân Thu:  Năm nay tròn 50 năm chúng ta kỷ niệm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1061-10/8/2011). Đây là một kỷ niệm buồn của nhân dân ta mà do phía Mỹ gây nên. Nhân dịp này, chúng ta sẽ đánh giá lại một cách đầy đủ những tác hại và hậu quả của thảm hoạ chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã rải xuống đất nước ta. Qua đây, chúng ta cũng kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về tinh thần và vật chất.

Thông qua kỷ niệm 50 năm chúng ta kỷ niệm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam, chúng ta cũng muốn thông tin tới các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng và hãy tin tưởng rằng, Việt Nam đã và sẽ có những chương trình, hành động để đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

GS.TS Trần Xuân Thu

Trong dịp này, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã tổ chức nhiều hoạt động như: Phát động phong trào vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin dưới sự chủ trì của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc phát động này đã được cộng đồng quốc tế và trong nước ủng hộ nhiệt tình. Chỉ trong vài ngày, chúng ta đã nhận được hơn 200.000 USD và 1 tỷ đồng. Người dân từ Mỹ, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu và các nước Đông Nam Á… đều hưởng ứng và quan tâm đến sự kiện này.

Bên cạnh đó, VAVA cũng tổ chức cuộc vận động viết ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam và đã nhận được 172 ca khúc.

Song song với đó, chúng tôi tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân chất độc da cam đã hy sinh vì sự đấu tranh cho các nạn nhân chất độc cam. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức Hội nghị tuyên dương, tri ân 100 nhà hảo tâm, tổ chức đã đóng góp, ủng hộ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tuyên dương, giao lưu với những học sinh bị nhiễm chất độc da cam nhưng đã rất nỗ lực, vươn lên trong học tập cũng như tuyên dương những cán bộ, nhân viên ở từng xã, huyện, tỉnh đã có nhiều công sức đối với hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam…

Đặc biệt, ngày 8 và 9/8 tới, VAVA sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam. Đây là hội nghị lần thứ 2, sau hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2005.

Hội nghị sẽ gồm những nạn nhân chất độc ca cam của hầu hết các châu lục, đặc biệt có những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, những nạn nhân là người Mỹ khi họ rải chất độc da cam xuống Việt Nam và đã cũng bị nhiễm độc; những nạn nhân là người Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã từng sang tham chiến tại Việt Nam cũng như nạn nhân Canada bị hứng chịu chất độc da cam khi Mỹ sử dụng lãnh thổ của họ để nghiên cứu về chất độc nguy hiểm này. Ngoài ra, chúng tôi còn mời những người là nạn nhân của chất độc hoá học như ở Iran, Iraq, Nhật Bản, Trung Quốc cũng như những nơi  bị sự cố chất độc da cam.

Thông qua Hội nghị này, chúng tôi muốn phơi bày những hiểm hoạ của chất độc da cam đối với con người; xoa dịu những nỗi đau, chia sẻ sự mất mát của các nạn nhân chất độc da cam và kêu gọi tất cả các nước trên thế giới không sử dụng chất độc da cam, hành tinh không có vũ khí hoá học.

Nỗi đau của nhiều thế hệ

BTV Nguyễn Hải: Thưa bác sỹ Lê Hồng Thơm, là một bác sỹ nghiên cứu về vấn đề da cam/dioxin, bà có thể cho biết những nỗi đau bệnh tật mà các nạn nhân da cam Việt Nam đang phải gánh chịu?

TS.BS Lê Hồng Thơm

TS.BS Lê Hồng Thơm:

Thảm hoạ da cam tại Việt Nam đã diễn ra đến 50 năm rồi nhưng đến nay, hậu quả mà chất độc này gây ra đối với ngưởi dân đến nay vẫn còn dai dẳng, chưa có hồi kết và chẳng ai dám nói là khi nào nó mới kết thúc. Chúng ta đã biết, miền Nam Việt Nam là nơi Mỹ đã thử nghiệm rải chất độc da cam với quy mô lớn, cường độ lớn nhất. Cho đến nay, người ta cho rằng, chất độc da cam là hợp chất nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.

Những năm 1970, lần đầu tiên, cố Giáo sư Tôn Thất Tùng đã đưa vấn đề hậu quả của chiến tranh hoá học tại Hội nghị Paris và đã gây nên một tiếng vang rất lớn. Lúc đó, người ta đã nhìn thấy hậu quả nhãn tiền của chất độc da cam đối với con người. Uỷ ban 10-80 đã nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm trên hàng trăm, hàng nghìn người dân, người lính, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu từ Bắc vào Nam hay ở những vùng mà quân đội Mỹ rải chất độc da cam. Kết quả là chất độc da cam đã để lại những di chứng vô cùng nặng nề, thảm khốc đối với sức khoẻ con người. Chiến tranh đã qua đi hàng mấy chục năm nay nhưng nồng độ dioxin tại nhiều nơi vẫn còn sót lại và gây hậu quả vô cùng đau thương đối với những người còn sống và thế hệ con, cháu của họ.

Những vùng đất có nồng độ chất độc dioxin rất cao như ở Biên Hòa, Đà Nẵng, A Lưới. Những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở những vùng này thường mắc các bệnh ngoài da, hệ thần kinh, cơ xương khớp, sạm da, tiết niệu sinh dục, ung thư... Đặc biệt, có những nạn nhân nhiễm chất độ da cam còn bị vô sinh hoặc nếu có sinh con thì cũng bị dị tật với những khiếm khuyết trên cơ thể rất thương tâm với tình trạng bệnh tật dai dẳng, nặng nề.

BTV Nguyễn Hải: Bác sỹ có thể cho biết rõ hơn về hậu quả của chất độc da cam đối với với sức khỏe sinh sản?

TS.BS Lê Hồng Thơm: Chúng tôi đã điều tra về hậu quả của chất độc da cam đối với với sức khỏe sinh sản trên hàng trăm nghìn dân cư sống ở vùng bị rải, trên hàng chục nghìn cựu chiến binh thì thấy rằng có nhiều vấn đề về thai sản, như: sảy thai, thai chết lưu, chửa chứng, sinh con dị tật bẩm sinh

Quá trình điều tra đối với những phụ nữ ở Hà Nội, Hà Tĩnh thì trong 100 lần mang thai thì có tới 3,6% lần xảy thai. Đối với những cựu chiến binh đã từng đi chiến đấu thì con số này là 5,3%. Những người dân sống ở Quảng Trị thì có là 8,6% nhưng ở A Lưới là 10,5%. Những vùng dân cư sinh sống ở TP HCM với số lượng người dân bị thai chết lưu là 0,4%, con bị di tật bẩm sinh là 5,1% và ở A Lưới là 6,5%.

Ảnh hưởng của chất độc da cam truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu ở thế hệ F1 là 4,55% nhưng ở thế hệ F2 đã lên tới gấp đôi.

Chúng tôi thấy có những trường hợp rất thương tâm như người phụ nữ 7 lần mang thai thì cả 7 lần đều sảy thai tự nhiên. Có bà mẹ 6 lần sinh thì 5 lần đẻ ra con quái thai, dị tật với những bệnh thương tâm như: não úng thuỷ, liệt… Họ phải chịu những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần.  Nhiều trẻ sinh ra bị nhiễm chất độc da cam hầu như bị thiểu năng trí tuệ, không làm được bất cứ một việc gì, sống vô tri vô giác, lệ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Chất độc da cam đã ảnh hưởng lớn tới thế hệ thứ nhất, thứ 2 và còn ảnh hưởng tới thế hệ thứ 3. Đến nay, chưa ai dám khẳng định đến khi nào sự huỷ diệt của chất độc da cam mới chấm dứt.

BTV Nguyễn Hải: Chào chị Huyền, không chỉ mang trong mình nỗi đau da cam, gia đình chị còn có 2 anh chị em khác cũng mang trong mình nỗi đau đó… Vậy chị có thể chia sẻ về hoàn cảnh hiện nay của mình?

Chị Nguyễn Thị Huyền

Chị Nguyễn Thị Huyền: Thực tế, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, có gia đình không chỉ có một, hai hay ba người bị nhiễm chất độc da cam mà còn nhiều hơn thế nữa. Chất độc này còn khiến cho nhiều người bị xoang, viêm mũi dị ứng, câm, điếc, não úng thủy, dị tật…

Gia đình tôi là một trong hàng vạn gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Chất độc này đã khiến cho 3 anh chị em tôi bị khiếm thị và ảnh hưởng tới sức khỏe như: thường xuyên đau đầu, tinh thần luôn mệt mỏi.

BTV Nguyễn Hải: Trong khó khăn chồng chất như vậy, gia đình chị đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ như thế nào của cộng đồng?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Ở nơi tôi đang sinh sống có tỷ lệ người bị khuyết tật không phải là ít, nhưng chính quyền địa phương đã luôn quan tâm tới họ. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều quyết định, pháp lệnh để hỗ trợ, giúp đỡ cho những người bị khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam. Vì thế, hàng tháng, gia đình tôi cũng đã được nhận trợ cấp theo quy định của Nhà nước ban hành. Ngoài ra, những ngày Lễ, Tết, kỷ niệm ngày chất độc da cam hàng năm, chúng tôi cũng được sự quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần của chính quyền địa phương.

Dù phía Tòa án Mỹ không công nhận vụ kiện nhưng chúng ta được cả thế giới ủng hộ

BTV Nguyễn Hải: Xin được hỏi GS.TS Trần Xuân Thu, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đến nay, vụ kiện đã kéo dài được 7 năm mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Ông có thể cho biết kế hoạch của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện?

PGS.TS Trần Xuân Thu: Vào ngày 30/1/2004, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng như Hội nạn nhân chất độc da cam đã đưa đơn kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ. Hậu quả dioxin do Mỹ gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam là rất nghiêm trọng và kéo dài.

Kể từ khi ký Hiệp định Paris, Điều 51 trong Hiệp định này đã nói rằng, Hoa Kỳ với truyền thống của mình, sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học. Thế nhưng, các nạn nhân chờ đợi mãi mà không thấy phía Hoa Kỳ có chuyển biến gì trong việc này. Vì thế, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thực hiện vụ kiện để cho nhân dân thế giới biết về sự bất công và vụ kiện đã được nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên qua 3 phiên tòa: Sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao, phía Tòa án Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết có lợi cho phía chúng ta. Trong 3 phiên tòa này, kể cả phiên tối cao, phía Hoa Kỳ đã lập luận không chính xác. Lập luận cơ bản là họ cho rằng, chất mà phía quân đội Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam là chất diệt cỏ chứ không phải chất da cam. Đây là điều hoàn toàn ngụy biện. Bởi chính từ chất độc da cam, cho nên Chính phủ Hoa Kỳ năm 1970 đã ngừng sử dụng chất độc này ở Việt Nam và ở một số khu vực vực khác, bởi họ nhận thấy sự độc hại của chất này.

Đến năm 1975 thì Mỹ cũng đã phải ký Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học, tuy nhiên đến năm 2004 – 2005 Mỹ lại có lập luận trái ngược. Xin nhắc lại đây điều hết sức nguỵ biện. Chúng tôi nhận thấy, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tại Mỹ đã phải chịu những tác động rất rõ ràng.

Trong lập luận của phía Mỹ có những vấn đề rất đáng quan tâm. Một mặt để các nhà khoa học trên thế giới luôn luôn nói rằng chất độc da cam/dioxin có tác hại tới con người. Nhưng mặt khác, Mỹ lại nói không có. Như vậy, Mỹ ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, theo đó Tòa án đã không thụ lý vụ án của chúng ta bởi họ phụ thuộc hoàn toàn vào chính trị nước Mỹ.

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được việc chúng ta và nhân dân quốc tế đấu tranh. Bởi nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới và ngay cả nhân dân Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vì thế chúng ta đã đạt được thắng lợi rất lớn về mặt chính trị, xã hội.

Mỹ luôn luôn che giấu việc làm của họ và hậu quả chiến tranh và muốn phong trào giúp đỡ các nạn nhân không được lan rộng. Tuy nhiên, chính phong trào đấu tranh này của nhân dân ta và nhân dân thế giới đã phần nào thức tỉnh nhận thức của phía Hoa Kỳ, kể cả ngành hành pháp và lập pháp. Đến nay họ phải công nhận 2 điều: Thứ nhất là có nạn nhân (chứ không gọi chung là người khuyết tật như trước). Thứ hai xác định được những điểm nóng môi trường như Biên Hòa (Đà Nẵng), Phù Cát (Bình Định) – hàm lượng cao gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép – và họ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục ở những điểm nóng này.

Hiện nay họ đang tiến hành ở Đà Nẵng, đây là sự thể hiện một phần trách nhiệm của họ đối với các nạn nhân của chúng ta, mặc dù còn rất nhỏ giọt. Chúng ta cũng cần phải cho họ thấy, trách nhiệm của họ phải thực tế hơn, mạnh mẽ hơn, tương ứng với hậu quả mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam.

BTV Nguyễn Hải

: Thưa bác sỹ Lê Hồng Thơm, các bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam gây ra ở Việt Nam giống với các bệnh của nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ, nhưng phía Mỹ lại chưa công nhận các nạn nhân của Việt Nam. Ý kiến của bà như thế nào về việc này?

TS.BS Lê Hồng Thơm: Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất được dư luận quan tâm. Mặc dù họ công nhận các nạn nhân chất độc da cam của Mỹ nhưng không công nhận các nạn nhân da cam ở Việt Nam, theo tôi vừa do tác động của yếu tố tâm lý, vừa do tác động của yếu tố chính trị của phía Mỹ. Hơn nữa, hậu quả chiến tranh hóa học rất lâu dài, cho nên vấn đề phía Mỹ chưa công nhận cũng là điều không khó hiểu. Nhưng tôi nghĩ, rồi họ sẽ phải công nhận, như Giáo sư Trần Xuân Thu đã nói ở trên.

Hàng năm trên thế giới có các hội thảo thường niên về dioxin. Tại hội thảo, các nhà khoa học, kể cả của Việt Nam đã có những tham luận và đề cập đến vấn đề của chúng ta. Các nhà khoa học trên thế giới và Mỹ cũng đã công nhận hậu quả của chất độc này, không có lẽ gì các nạn nhân của chúng ta lại không được công nhận? Cho dù họ không công nhận thì lương tâm của các nhà khoa học, người dân Mỹ, kể cả các cựu chiến binh Mỹ đều lên tiếng ủng hộ các nạn nhân của Việt Nam.

Chúng ta không thiếu chứng cứ, kể cả các bằng chứng khoa học được cộng đồng quốc tế công nhận. Còn việc phiên tòa không công nhận đó là liên quan đến cả yếu tố chính trị, như tôi đã nói ở trên. Điều đó không quan trọng bằng việc chúng ta được cả thế giới quan tâm và ủng hộ. Đã có nhiều nhà hảo tâm Mỹ đã quyên góp ủng hộ nạn nhân của Việt Nam.

Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN đang mang trong mình nỗi đau dai dẳng

BTV Nguyễn Hải: Thưa bác sĩ Hồng Thơm, trong quá trình hoạt động của mình, Ban 10-80 đã có những nghiên cứu, thử nghiệm như thế nào trong công tác điều trị nâng cao thể trạng, cải thiện sức khỏe người phơi nhiễm?

TS.BS Lê Hồng Thơm: Ngay từ khi mới thành lập, những bậc tiền bối như cố GS Hoàng Đình Cầu, GS Lê Cao Đài bằng uy tín của mình đã kêu gọi được sự tài trợ từ nước ngoài, như: Phía Đức đầu tư vật chất về chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước, và 11 làng Hòa Bình ở hầu khắp các địa phương để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.

Ban 10-80 ngoài công việc là tìm nguồn tài trợ, chúng tôi đã tiến hành các thử nghiệm, như ngày từ những năm 1960, GS Hoàng Đình Cầu đã mời được những chuyên gia Hàn Quốc sang, và họ dùng các bài thuốc dân tộc để điều trị cho các cựu chiến binh của Việt Nam.

Mục đích chính của chúng tôi là làm thế nào để đào thải được hàm lượng dioxin ra khỏi cơ thể và sau đó nâng cao thể trạng. GS Hoàng Đình Cầu cũng đã áp dụng các bài thuốc dân tộc để chữa bệnh cho các nạn nhân.

Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi mong muốn phát hiện sớm khi bào thai mới hình thành để có những can thiệp sớm. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi kỹ thuật rất là cao và kinh phí tốn kém, cho nên hiện chúng ta vẫn tiến hành việc thải độc cho nạn nhân và nâng cao thể trạng và nhận được sự tài trợ của các nhà khoa học và tổ chức quốc tế. Đây là công việc lâu dài và có thể nói dioxin gây ra những bệnh lý rất riêng và không phải căn bệnh nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy và có thuốc điều trị được ngay.

Ngoài việc điều trị cho những dị tật của trẻ em, thì những cựu chiến binh cần được nâng cao thể trạng và có thể hoàn thiện các bài thuốc thể chữa bệnh cho các nạn nhân.

BTV Nguyễn Hải: Là bác sỹ nghiên cứu về vấn đề da cam, theo bà, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cần có sự hỗ trợ về y tế như thế nào?

TS.BS Lê Hồng Thơm: Việc hỗ trợ nạn nhân không chỉ riêng ngành y tế, bởi các nạn nhân còn chịu nhiều yếu tố như tâm lý, cuộc sống.

Riêng với ngành y tế, thì Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thể hiện là trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế, chúng ta đã đưa ra được danh sách các bệnh mà chúng ta cho là có liên quan đến chất độc da cam/dioxin, để các nạn nhân được hưởng chế độ chính sách.

Qua điều tra của ngành y thì cũng đã xác định được ai là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin để họ được hưởng phụ cấp. Và mức phụ cấp hiện nay đối với nạn nhân và con cái họ cũng được tăng lên đáng kể, đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế.

Tôi nghĩ, nên chăng chúng ta cần hỗ trợ chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa như A Lưới (Thừa Thiên - Huế) về chính sách miễn giảm tiền khám chữa bệnh. Và tôi cũng mong muốn toàn xã hội chung tay chia sẻ giúp đỡ các nạn nhân.

BTV Nguyễn Hải: Câu hỏi này xin được dành cho chị Huyền. Các hình thức hỗ trợ đối với gia đình chị và các nạn nhân nói chung theo chị đã hiệu quả chưa? Chị thấy có gì cần phải thay đổi?

Chị Nguyễn Thị Huyền:  Tôi thấy việc Nhà nước đã có một loạt Nghị định, Thông tư, Pháp lệnh… trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có trợ cấp hàng tháng là rất thiết thực, bởi đã bù đắp một phần khó khăn trong cuộc sống của nạn nhân cũng như gia đình họ. Còn phù hợp hay chưa, còn phụ thuộc vào cách vận dụng của từng địa phương. Chúng tôi cũng không rõ lắm là việc Nhà nước và từng địa phương căn cứ vào chế độ nào, Nghị định nào hay quy định gì, nhưng tôi thấy chế độ của từng địa phương là khác nhau, có thể chênh nhau rất nhiều.

Có điểm chúng tôi còn chưa hiểu, ví dụ trong gia đình tôi, ngoài bố tôi là nạn nhân trực tiếp, thì 3 anh em tôi cũng được trợ cấp của địa phương, cùng là một mức độ khiếm thị nhưng chúng tôi lại được hưởng 2 mức trợ cấp khác nhau. Anh trai lớn của tôi thì hưởng mức trợ cấp cao hơn một chút tôi và em. Tôi đã từng hỏi các nhà chức trách song họ không có cách thức trả lời cụ thể, cho nên tôi chưa thực sự hiểu đúng vì sao lại có sự trợ cấp như thế.

Tôi nghĩ, biện pháp đảm bảo tính công bằng là chúng ta phải có xét nghiệm thật kỹ đối với từng trường hợp nạn nhân. Hơn nữa, các điều luật cần phải cụ thể từng câu, từng chữ, bởi nếu nói chung chung thì mỗi người, mỗi địa phương sẽ hiểu theo một cách; đồng thời tùy theo mối quan hệ của các nạn nhân mà được vận dụng ở các mức độ khác nhau, điều đó sẽ rất thiệt thòi cho những người thực sự đúng đối tượng.

BTV Nguyễn Hải: Cùng với sự chia sẻ của cộng đồng, gia đình chị đã vượt qua sự đau đớn của bệnh tật như thế nào để vươn lên trong cuộc sống?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Chúng tôi sinh ra trong thời điểm đất nước vừa mới chấm dứt chiến tranh. Hậu quả là cả 3 anh em đều bị khiếm thị. Những năm 1980, Nhà nước ta chưa có điều tra ra nguyên nhân vì sao có nhiều người bị khiếm thị và khuyết tật như thế. Cho nên khi chúng tôi được sinh ra, bố mẹ chúng tôi rất hoang mang và bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Do chúng ta còn nặng về vấn đề duy tâm nên người ta cứ nghĩ mọi vấn đề sinh đẻ là do phụ nữ, nên đã có cái nhìn kỳ thị đối với mẹ tôi. Chính vì thế, mẹ tôi là người phải gánh chịu hậu quả về mặt tinh thần rất nặng nề.

Khi chúng tôi bước vào tuổi đi học, thì chúng ta cũng đã điều tra ra nguyên nhân là do chất độc mầu da cam. Bố mẹ tôi cũng rất trăn trở vì có 3 đứa con như thế và suy nghĩ rằng, bây giờ còn trẻ có thể chăm sóc cho con; về lâu dài không biết cuộc sống của các con sẽ như thế nào.

Nhìn một cách chủ quan, chúng tôi hiện cũng chưa thấy tương lai đâu cả, nên bố mẹ tôi cũng rất trăn trở. Cũng may là trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đã ra đời và chúng tôi đã được biết đến và bố mẹ đã xin cho chúng tôi được đi học. Những năm tháng học ở trường, chúng tôi cũng đã rất cố gắng, vì biết mình bị khiếm thị nên khó tìm được một nền tảng vững chắc cho tương lai, nên con đường duy nhất là chịu khó học thật giỏi.

Hiện nay, 3 anh em chúng tôi đã và đang hoàn thành chương trình đại học. Đó là cả sự cố gắng lớn của chúng tôi. Bởi trong những năm tháng học trước đó, không có nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho học tập như bây giờ. Ví dụ khi đi thi chúng tôi phải đánh máy bằng máy cơ, nhiều khi bị trục trặc hoặc đánh sai mà bản thân cũng không phát hiện ra. Tuy nhiên được sự giúp đỡ của thầy cô và nỗ lực của bản thân chúng tôi cũng đã trưởng thành được như ngày nay.

Sẽ tiếp tục vụ kiện lên Toà án Hoa Kỳ

BTV Nguyễn Hải: Chị mong muốn gì ở vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Tôi nghĩ Mỹ, với trách nhiệm đối với nhân loại, với tinh thần công lý và nhân đạo, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì họ gây ra trên đất nước chúng ta, để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu trực tiếp và gián tiếp.

Theo tôi, Mỹ phải phải có sự đền bù thích đáng bằng vật chất, hỗ trợ trang thiết bị để chữa bệnh, làm sao để họ khắc phục được những khó khăn trong cuộc sống, như trong học tập, làm việc, sinh hoạt… giúp các nạn nhân giảm bớt khó khăn cho bản thân, gia đình và đỡ gánh nặng cho xã hội.

Trong nhiều năm qua, các nạn nhân chất độc da cam
nhận được nhiều sự chia sẻ của cộng đồng

BTV Nguyễn Hải: Xin hỏi GS.TS Trần Xuân Thu. Trong những năm gần đây, phía Mỹ cũng đã có động thái hỗ trợ giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

PGS.TS Trần Xuân Thu: Do sự đấu tranh của nhân dân và các nạn nhân chất độc ca cam và sự tác động của cộng đồng quốc tế, phía Mỹ đã có những thay đổi nhận thức và động thái mới đối với việc khắc phục hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam. Cụ thể là Mỹ đang có hành động chuẩn bị tiêu độc cho những nơi có hàm lượng chất độc da cam/dioxin gấp hơn 300 lần quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiến hành chương trình tiêu độc thực tế bằng cách dùng nhiệt độ để đẩy dioxin ra khỏi đất và dùng dùng nhiệt độ để huỷ dioxin.

Trước đây, phía Mỹ dự định hỗ trợ 3 triệu USD cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam để khám sức khoẻ, chăm sóc y tế. Tính ra, mỗi người chỉ được 1 USD. Chúng tôi thấy, với số tiền này là quá ít so với những mất mát, đau thương mà các nạn nhân đã và đang phải gánh chịu. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi phía Mỹ phải có trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam một cách hợp lý nhất.

Tôi hy vọng rằng, với lời kêu gọi từ phía Việt Nam và sự tác động mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, phía Mỹ sẽ có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức và hiễu rõ hơn những trách nhiệm về việc làm, hành động của họ đã gây ra đối với nhân dân ta, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam để có những chính sách, sự bồi thường thoả đáng.

BTV Nguyễn Hải: Thưa ông Trần Xuân Thu, cùng với cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam, Hội tiếp tục sẽ có những hỗ trợ như thế nào để giảm bớt khó khăn cho các nạn nhân?

PGS.TS Trần Xuân Thu: Hàng năm, Nhà nước chi khoảng 800 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam. Đây là số tiền dành chủ yếu cho các nạn nhân đã từng tham gia kháng chiến. Còn số lượng lớn nạn nhân là người dân thường đang phụ thuộc phần lớn vào sự bảo trợ xã hội dành cho người nghèo, chứ chưa được hỗ trợ theo chế độ như những nạn nhân chất độc da cam đã từng tham gia kháng chiến.

Chính vì lý do này mà VAVA đã và đưa ra những yêu cầu, kiến nghị lên Chính phủ để  đưa ra những chính sách hỗ trợ cho tất cả những nạn nhân, những người bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng với các nạn nhân chất độc da cam đưa đơn kiện lên Toà án Hoa Kỳ.

Hiện nay, chúng tôi đang tranh thủ sự hỗ trợ của những người dân Mỹ, đặc biệt là những người bị nhiễm chất độc da cam đưa đơn kiện lên Hạ viện Mỹ đưa ra một Dự luật về chất độc da cam có tên gọi H.R.2634. Dự luật này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho những người bị nhiễm chất độc da cam là người Việt Nam, người dân Mỹ mà còn là người Mỹ gốc Việt. Trong Dự luật có đề cập đến xây dựng các trung tâm khám chữa bệnh, điều dưỡng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Sau gần 1 tiếng theo dõi cuộc toạ đàm ““Da cam - nỗi đau dai dẳng”, nhân 50 năm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam, chúng ta có thể hiểu thêm về nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang phải gánh chịu. Họ là những con người rất khó khăn trong cuộc sống và rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Hãy vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân qua những hành động cụ thể, thiết thực.

Xin chân thành cảm ơn 3 vị khách mời và các bạn đã tham gia, theo dõi chương trình của chúng tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên