Thanh niên tìm việc làm: Có kiến thức - thiếu kỹ năng

Hiện nay, thanh niên đang chiếm hơn 35% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu lao động thì có một lực lượng không nhỏ sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm phù hợp.

Năm 2009, các cơ sở Đoàn trong cả nước tổ chức dạy nghề cho hơn 400.000 đoàn viên thanh niên, mở hơn 30 lớp tập huấn xóa đói giảm nghèo cho khoảng 3.000 đoàn viên thanh niên nông thôn, xây dựng 8 mô hình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư…. Tuy nhiên, số lượng lao động được đào tạo còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những ngành nghề mũi nhọn như công nghệ thông tin, kỹ sư công nghiệp, lắp máy, cơ khí...

Đội ngũ lao động được đào tạo dài hạn từ 1 năm trở lên chỉ có 200.000 người, số lượng lao động đào tạo ngắn hạn chỉ khoảng 1 triệu người. Mặt khác, nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng thiếu kiến thức thực tiễn, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Bạn Lê Quang Long tốt nghiệp trường Đại học Thương mại thừa nhận, “Sinh viên mới ra trường kinh nghiệm thực tế còn rất thiếu, có chăng chỉ là những kinh nghiệm rất đơn giản, trong khi công ty tuyển dụng nào cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm. Do vậy, sinh viên mới ra trường có thể tìm cho mình một việc làm là rất khó”.

Đa số lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp - ảnh KT

Đối với sinh viên nữ, tìm việc làm càng khó khăn hơn. Bạn Đặng Thị Bích Hằng, sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bày tỏ: “Học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, em thấy cơ hội đến với mình ít hơn so với các bạn học các khối kinh tế, kỹ thuật hay ngoại ngữ”.

Thực tế, nhiều thanh niên thiếu kĩ năng định hướng cơ bản về thị trường lao động, không có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ việc làm, xã hội cũng thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giúp họ tìm được một việc làm phù hợp. Theo ông Nguyễn Bá Tưởng, Giám đốc điều hành của Tổ chức tư vấn giáo dục Việt Nam, bên cạnh yếu tố chất lượng đào tạo cũng như những kiến thức chuyên môn thực tế thì vấn đề “kỹ năng tìm việc” cũng góp phần không nhỏ trong sự thành công trên bước đường tìm việc của mỗi sinh viên.

Ông Nguyễn Bá Tưởng chia sẻ: “Các bạn sinh viên hãy tận dụng làm việc ngay ở trên giảng đường, cụ thể là các dự án, các cuộc thi khởi nghiệp hoặc các đồ án… qua đó, các bạn giúp cho mình rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm được tốt hơn, kỹ năng về thuyết trình quan trọng là để làm sao các bạn có thể giao tiếp được với các đối tác với khách hàng, và trong quan hệ xã hội sẽ giúp các bạn trưởng thành. Nếu có điều kiện thì tập trung vào rèn luyện phát triển trước. Bạn phải trang bị cho mình một thái độ cầu thị, một tinh thần học hỏi và đam mê công việc và luôn luôn sáng tạo học hỏi”.

Mỗi năm cả nước có gần 160.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và các trường dạy nghề, 200.000 học sinh trung học gia nhập thị trường lao động. Ước tính, bình quân hàng năm có trên 1,2 triệu thanh niên bổ sung vào thị trường lao động. Do đó, dạy nghề và việc làm cho thanh niên là vấn đề không chỉ của riêng thanh niên mà cần được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, để có được một việc làm thích hợp cho mình, đòi hỏi mỗi thanh niên cần phải học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức cơ bản, đồng thời trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi bắt đầu hành trình tìm việc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên