Tết quê truyền thống với đủ hương vị

VOV.VN - Tết quê ngày nay dù có sung túc hay còn đạm bạc thì vẫn chứa chan tình cảm gia đình, xóm giềng nồng ấm.

Ngày 30 Tết, bỏ lại bao vất vả, lo toan trong một năm, ai ai cũng đều cố gắng nhanh chóng thu xếp công việc, trở về bên gia đình, để đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy. Với mỗi người Việt, nhất là những người con xa quê, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, song không khí tất bật, rộn ràng, hương vị ấm áp của Tết quê truyền thống vẫn được trân trọng, giữ gìn như một phần trong trẻo của tâm hồn.

Như nhiều gia đình khác, những ngày cuối tháng Chạp, gia đình bà Vũ Thị Định, ở xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định đã tất bật chuẩn bị Tết. Từ trước ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, gia đình bà đã quét vôi lại tường cũ. Sân vườn cũng được quét dọn sạch sẽ, mấy chậu hoa thược dược đủ sắc màu được đưa từ ngoài sân vào đặt lên hiên nhà.

Với mỗi gia đình Việt, ngày Tết, quan trọng nhất là trang trí, bày biện ban thờ ông bà, tổ tiên. Công việc này được gia đình bà Định chuẩn bị từ nhiều ngày nay. Bàn thờ được lau chùi sạch sẽ, chân hương cũng được dọn bớt đi. Bình hoa, mâm ngũ quả, bánh mứt… được bày biện ngay ngắn.

Bà Vũ Thị Định cho biết: Tết vui nhất là cả nhà quây quần gói bánh chưng, trông nồi luộc bánh. Vì vậy, năm nào, gia đình bà cũng đợi con cháu về đông đủ mới gói bánh. Gạo nếp, đỗ xanh được đãi và ngâm từ tối hôm trước. Lá dong cũng được rửa và lau khô, cắt vuông vức. Mấy đứa cháu nội, ngoại ríu rít chạy xung quanh xem ông bà gói bánh.

Bà Vũ Thị Định chia sẻ: “Gia đình tôi cũng tổ chức gói giò, bánh chưng cho các cháu về thấy không khí hương vị ngày Tết. Gia đình cũng đưa hương hoa giấy tiền ra mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu cho vui”.

Những thực phẩm chuẩn bị cho Tết cũng được gia đình bà Định mua sắm từ trước như măng, miến, mộc nhĩ… Vại dưa hành được muối từ trước Tết một tháng. Sáng sớm nay, bà cùng con dâu đi chợ, chọn mua những thứ tươi ngon nhất về làm cơm cúng tất niên. Trên bếp, nồi canh măng hầm xương đang đỏ lửa. Ngoài sân, những chiếc bánh chưng còn nghi ngút khói, thơm nồng mùi nếp mới được vớt ra trong tiếng reo hò, trong niềm háo hức của mấy đứa trẻ. Những chiếc bánh đẹp nhất, vuông vức nhất được chọn đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên.

Trong phòng khách, anh con trai đang cùng mấy cháu nhỏ sửa sang lại cành đào, trang trí thêm cho cây quất mấy dây đèn màu nhấp nháy. Cả căn phòng như sáng bừng lên sắc thắm hoa đào và rực vàng quất chín. Trong khói hương trầm lan toả, giữa cái se lạnh của đất trời lúc xuân sang, bên mâm cơm truyền thống, con cháu trong nhà thành kính chia sẻ với ông bà, bố mẹ những công việc đã làm được trong năm. Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu những việc cần làm trong năm mới.

 Ông Lê Thanh Lợi, chồng bà Định chia sẻ: Như một cách để giáo dục con cháu về ý nghĩa, phong tục của Tết quê truyền thống, Tết năm nào, gia đình ông cũng tổ chức bó giò, gói bánh chưng, đụng lợn: “Ngày xưa vật chất còn thiếu thốn nhưng không bao giờ thiếu tcành đào, cây quất và tấm bánh chưng. Từ xa xôi con cháu tựu chung về để cúng ông bà tổ tiên để tăng thêm tình đoàn kết của gia đình. Vì thế Tết ở quê rất đầm ấm và có hương vị của ngày xuân”.

Trong không khí tất bật chuẩn bị Tết, mọi người trong xóm ngoài làng không quên gặp nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc đã làm trong năm qua. Các gia đình cũng chuẩn bị hương hoa ra nghĩa trang mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Chiều 30 Tết, nhiều gia đình lại nấu nồi nước lá mùi già thơm phức để tắm rửa tất niên, với ý nghĩa gột rửa những phiền muộn, lo toan trong năm cũ.

Anh Lê Ngọc Thạch, ở thôn Xối Tây, xã Nam Thanh cho biết: Dù đi làm ăn xa, bận rộn thế nào cũng đều thu xếp công việc để về quê ăn Tết: “Với những người con xa quê, chúng tôi thấy Tết ở quê rất đầm ấm. Không khí Tết được đoàn viên với gia đình. Khi được về quê đón Tết mình có cơ hội được gặp lại người thân vì cả năm mới gặp nhau một lần. Vì vậy tôi thấy Tết ở quê thật ý nghĩa”.

Bây giờ, dù cuộc sống có đủ đầy hơn xưa, nguồn thực phẩm dồi dào nên việc chuẩn bị Tết ở quê cũng vì thế mà đơn giản và nhanh chóng hơn. Song những hương vị của Tết quê truyền thống với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, với không khí gia đình quây quần, sum vầy, với những phiên chợ Tết quê tấp nập người mua bán, với tiếng cười nói rộn vang khắp xóm làng đã trở thành một thứ tài sản quý giá mà mỗi người Việt luôn trân trọng, gìn giữ.

Bởi vậy, Tết quê ngày nay dù có sung túc hay còn đạm bạc thì vẫn chứa chan tình cảm gia đình, xóm giềng nồng ấm. Đó là điểm tựa tinh thần mà mỗi người Việt, nhất là những người xa quê luôn tìm về như một bến đỗ bình yên mỗi dịp Tết đến, xuân về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết “ấm” cho người vô gia cư
Tết “ấm” cho người vô gia cư

VOV.VN - Nhiều bạn trẻ đã chung tay chia sẻ Tết với những người vô gia cư, giúp cho họ có một cái Tết thêm trọn vẹn.  

Tết “ấm” cho người vô gia cư

Tết “ấm” cho người vô gia cư

VOV.VN - Nhiều bạn trẻ đã chung tay chia sẻ Tết với những người vô gia cư, giúp cho họ có một cái Tết thêm trọn vẹn.  

Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết
Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết

VOV.VN - Không quá sầm uất cũng như đông đúc nhưng phiên chợ Đồng Lư cuối cùng của năm lại rất thú vị và mộc mạc.

Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết

Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết

VOV.VN - Không quá sầm uất cũng như đông đúc nhưng phiên chợ Đồng Lư cuối cùng của năm lại rất thú vị và mộc mạc.

Tết của đại gia đình “đo gió, đếm mưa” ở Trường Sa
Tết của đại gia đình “đo gió, đếm mưa” ở Trường Sa

VOV.VN - Một gia đình có 6 người từ cha - con- chú- cháu đều đã và đang ăn Tết ở Trường Sa trong nhiều năm qua.

Tết của đại gia đình “đo gió, đếm mưa” ở Trường Sa

Tết của đại gia đình “đo gió, đếm mưa” ở Trường Sa

VOV.VN - Một gia đình có 6 người từ cha - con- chú- cháu đều đã và đang ăn Tết ở Trường Sa trong nhiều năm qua.

Tết Nguyên đán và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt
Tết Nguyên đán và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

VOV.VN - GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho rằng thờ cúng tổ tiên giúp cho con người ta không quên cội nguồn, và luôn phải nghĩ về trách nhiệm đối với người khác.

Tết Nguyên đán và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

Tết Nguyên đán và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

VOV.VN - GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho rằng thờ cúng tổ tiên giúp cho con người ta không quên cội nguồn, và luôn phải nghĩ về trách nhiệm đối với người khác.