Tăng cường vai trò chính quyền và cán bộ cơ sở trong bảo vệ trẻ em

VOV.VN - Bảo vệ trẻ em không chỉ là câu chuyện riêng của mỗi gia đình mà là vấn đề của toàn xã hội.

Tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi vẫn có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều hành vi vi phạm quyền trẻ em đã trở thành vấn đề nóng, gây đau lòng và bức xúc trong xã hội.

Thương tâm hơn bởi nhiều trẻ em bị chính những người thân trong gia đình xâm hại, bạo hành nhưng không dám lên tiếng. Trong khi đó, sự vào cuộc nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại trẻ của cán bộ làm công tác này ở cơ sở chưa thực sự mạnh mẽ.  

Bị bố ruột đánh, cháu Đỗ Doãn Lộc đã qua đời hồi 15h45 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức (Hà Nội)

Có thể kể đến những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng trong thời gian qua như việc hai bảo mẫu hành hạ trẻ em tại nhà trẻ tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; Cái chết thương tâm của cậu bé Đỗ Doãn Lộc, 8 tuổi, trú tại phường Tiến An, thành phố Bắc Ninh; Cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ hình sự đối với Phan Thanh Oanh về hành vi hiếp dâm trẻ em, mà nạn nhân là con gái riêng của vợ; Bắt giữ Cao Thành Lợi, ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vì hành vi xâm hại chính con gái ruột của mình rồi đem bỏ ở chợ… Mới đây, sáng 30/5, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm về tội giết người đối với bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ, do gây ra cái chết của cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi)….

Tất cả những câu chuyện trên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” trong thực trạng xâm hại, bạo hành trẻ em được phát hiện trong thời gian gần đây. Đau xót thay, người cướp đi sinh mạnh của bé Lộc lại chính là bố đẻ em.

Sáng ngày 15/3/2014, bé Lộc bị bố đẻ là Đỗ Đức Lợi, dùng điếu cày bằng i-nốc đánh vào đầu và toàn thân rồi bỏ đi. Bé Lộc được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu và chỉ 3 ngày sau em đã trút hơi thở cuối cùng.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Bệnh viện Việt Đức hàng năm cấp cứu hàng chục, hàng chục ca mà hiếm có ca nào đặc biệt thương tâm như thế này. Đây là sự cảnh báo đặc biệt đến xã hội. Những trường hợp như thế này phải bị lên tiếng và phải bị pháp luật trừng trị một cách nghiêm khắc”.

Theo báo cáo giải trình của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ngày 14/2/2012, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em. Trong đó, khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện.

Còn theo thống kê của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567, trung bình mỗi năm thì tỷ lệ kết nối, trị liệu cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực chiếm 50% tổng số ca mà đường dây này tiếp nhận. Những nguyên nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em được chỉ ra là: Do những khó khăn về kinh tế khiến nhiều ông bố, bà mẹ mải lo kiếm sống nên sao nhãng, bỏ mặc trẻ.

Các hành vi "lệch chuẩn" ở trẻ em và người lớn cũng dẫn đến việc trẻ em có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang, lao động kiếm sống rồi vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại. Điều đáng lo ngại là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân, sự thiếu gương mẫu của người lớn khiến nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực ngay trong chính ngôi nhà của mình, do chính những người thân của mình gây ra.

Vậy nhưng, những quy định pháp lý và quy trình thủ tục để có thể tách những trẻ có nguy cơ bị bạo hành ra khỏi môi trường không an toàn vẫn gặp những khó khăn.

Ông Đặng Hoa Nam, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Có 2 cấp độ để tách trẻ em ra khỏi gia đình. Thứ nhất, trong trường hợp khẩn cấp, nếu đối tượng gây hại trẻ em chính là những thành viên trong gia đình, thậm chí chính là cha mẹ các em thì cần phải có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, của lực lượng công an tại chỗ. Khi đó chúng ta hoàn toàn có thể khẩn cấp tách trẻ em ra khỏi gia đình bằng những quyết định hành chính. Còn về lâu dài, việc tách trẻ em ra khỏi gia đình phải tính, bởi quyền được sống với cha mẹ là quyền quan trọng của tất cả trẻ em thì chúng ta phải xử lý bằng các quy định của tòa án, nhưng rất tiếc hiện nay rất hiếm vụ việc tách trẻ em ra khỏi gia đình bằng những quyết định của tòa án. Chúng ta cần phải tăng cường vai trò của tòa án trong việc xử lý các vụ mà trẻ em phải rời khỏi gia đình, rời khỏi cha mẹ”.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam cho rằng: Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ là những hành vi đánh đập, xâm hại thân thể mà còn có cả lạm dụng từ ngữ bắt nạt và bắt trẻ chứng kiến bạo lực gia đình. Những vết thương, vết bầm tím trên cơ thể trẻ có thể biến mất, song vết sẹo tầm hồn thì khó có thể xóa mờ trong tâm trí non nớt trẻ thơ. Đáng lo hơn là bạo lực, xâm hại có thể đẩy trẻ em đến gần các tệ nạn xã hội, có nguy cơ phạm tội.

Bà Lê Hồng Loan phân tích: “Có những bậc cha mẹ nhận thức rằng hình thức kỷ luật có tính chất bạo lực là một hình thức giáo dục. Có người còn tin rằng muốn cho con tốt lên thì phải đánh. Điều đó làm gia tăng vấn đề bạo hành ở trẻ tại Việt Nam. Ngoài ra, việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực gia đình và bị bạo hành thì có xu hướng bạo hành với người khác cao hơn. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng, những nam giới mà trước đây còn nhỏ bị đánh thì họ có xu thế sử dụng bạo lực để dạy dỗ con cái mình”.

Nhằm thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em, giảm thiểu số trẻ em bị xâm hại, bạo lực về thể chất và tinh thần, đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, đồng thời hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu về “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc phát động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa phát đi thông điệp về Tháng hành động vì trẻ em năm 2014. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Trước tiên, mỗi địa phương phải quán triệt trong nhận thức mỗi người dân và khi phát hiện những vụ bạo lực, xâm hại trẻ phải chủ động, phản ánh kịp thời. Thứ 2, các địa phương phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khi những vụ việc diễn ra. Thứ 3, phải tạo mọi điều kiện để các em được vui chơi và đảm bảo quyền được bình đẳng. Để xảy ra tình trạng ra bạo lực trẻ em, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các gia đình. Vì vậy, tôi đề nghị các ông bố, bà mẹ hãy nâng cao trách nhiệm của mình đối với con trẻ”.

“Bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể chấp nhận được”. Điều đó không phải là câu chuyện riêng của mỗi gia đình mà là vấn đề của toàn xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên