Sông Nậm Rốm bị “rút ruột”

Dòng sông góp phần làm nên cánh đồng Mường Thanh trù phú, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào nơi đây, nhưng nay đang bị ô nhiễm, biến dạng trước nạn khai thác cát, sỏi tràn lan.

Ba giờ chiều, trên sông Nậm Rốm, 2 máy hút cát hoạt động hết công suất. Dòng sông sủi bọt, đục ngầu. Trên bờ, xe vào “ăn” cát xả khói đen kịt. Đây chỉ là quang cảnh của 1 trong số 23 điểm khai thác cát dọc sông Nậm Rốm, tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

Anh Lù Văn Long, một chủ khai thác cát, cho biết: “Tôi đầu tư cái máy hút cát mất 20 triệu đồng, phải có ít nhất 4 người mới làm việc được. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi hút được 6 - 7 khối cát, bán với giá 60.000 đồng/m3”.

Như vậy, mỗi ngày các điểm khai thác cát lấy đi từ lòng sông hàng trăm m3 cát. Khi cát giữa dòng đã hết, các chủ khai thác cát không ngần ngại sục ống hút vào hai bên bờ lấy cát. Những phần cát, sỏi, đất, đá thừa được thải ra lòng sông. Mức độ ô nhiễm nguồn nước tới đâu, cần chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng việc khai thác cát vô tội vạ làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở đất sản xuất thì có thể thấy rất rõ.

Sông Nậm Rốm và cánh đồng Mường Thanh từ trên cao

Dọc theo bờ  sông Nậm Rốn tại các bản Nape, xã Thanh Hưng; C9, C12 xã Thanh Xương; bản Noong ứng, xã Thanh An; bản Noong Hẹt, xã Noong Hẹt; bản Bom Lót, xã Sa Mứn; bản Noong En, phường Nam Thanh đều xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng. Có những hộ dân đã mất hàng nghìn m2 đất sản xuất, như gia đình ông Dương Văn Vương mất 1.200m2 đất, gia đình ông Phạm Văn Lượng mất gần 1.000m2 đất. Chị Trần Thị Nga, người dân đội C4 xã Thanh Hưng, búc xúc: “Chúng tôi trồng hoa màu, ngô, rau, lúa gần bờ sông bị sạt lở gần hết, gần đây những cây nhãn to cũng bị sạt lở xuống sông”.

Không những làm mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, việc khai thác cát tràn lan còn để lại những hiểm họa khôn lường. Việc sụp mố chân cầu C4 là một ví dụ điển hình. Vào ngày 19/3 vừa qua, 2 em học sinh tiểu học xã Thanh Yên đã chết đuối khi sa chân vào hố sâu do việc khai thác cát, sỏi để lại.

Ông Lò Văn Ngôn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết: “Khai thác cát, sỏi ở gần cầu C4 gây xói lở đất thuộc địa phận xã Thanh Hưng. Bà con có ý kiến đến UBND xã và chúng tôi đã có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhờ họ can thiệp”. Chính quyền phường Nam Thanh đã tiến hành tịch thu phương tiện tại 3 điểm khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên địa bàn phường quản lý. Ông Bùi Xuân Khánh,

Chủ tịch UBND phường Nam Thanh, cho biết: “Phường đã thực hiện cưỡng chế, tịch thu máy, sau đó gọi các hộ lên xử phạt nhưng họ không chịu nộp phạt mà còn tiếp tục mua máy khác”.

Một điều không thể phủ nhận là việc khai thác cát đang tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch những điểm khai thác, siết chặt quản lý đảm bảo khai thác cát, sỏi đúng địa điểm, đúng quy trình nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường và đất sản xuất hai bên bờ sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên