Quyết bảo vệ đất lúa, không cho thuê mới đất rừng

Bộ trưởng Bộ NT&PTNT cho biết, bảo vệ đất lúa là vấn đề rất lớn và cần nhiều giải pháp. Còn với đất rừng, quán triệt không cho thuê mới.  

Tiếp sau Bộ trưởng Đinh La Thăng, chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhiều ý kiến tập trung đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết những giải pháp căn cơ nhằm thực hiện mục tiêu hình thành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; mục tiêu bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa; chống sạt lở và làm rõ diện tích đất rừng đã cho nước ngoài thuê thuê.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) về việc Bộ đã có giải pháp gì để tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển trong khi thực tế sản xuất còn phân tán, manh mún, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đây là bài toán khó nhưng có thể làm được.

Bộ trưởng cho biết, hiện chúng ta đã hình thành được những vùng sản xuất cà phê, cao su quy mô lớn; đang hình thành khu vực chăn nuôi quy mô lớn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng chính là cách tạo ra khối lượng sản xuất hàng hóa lớn hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hình thành sản xuất nông nghiệp lớn là bài toán khó nhưng có thể làm được.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nêu trên không phải là tự phát, mà có sự tác động của Nhà nước trong nhiều năm, thể hiện trước hết là ở quy hoạch.

Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương liên tục rà soát và hướng dẫn nông dân hình thành các vùng cao su, chè, cà phê, thủy sản, lâm nghiệp….; có cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi; có chính sách trực tiếp cho nông dân cũng như hướng dẫn nông dân sử dụng các giống tốt và áp dụng các quy trình kỹ thuật.

Về vấn đề bảo vệ đất lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây là vấn đề rất lớn. Diện tích đất lúa giảm là do nhiều yếu tố tác động, trong đó có cả yếu tố tự nhiên (nước biển dâng, sạt lở…) và yếu tố chủ quan của con người (quy hoạch kém, xây dựng tràn lan).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để bảo vệ đất lúa lâu dài thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cân nhắc việc lấy đất lúa cho mục tiêu phi nông nghiệp và có chính sách hỗ trợ cho địa phương chuyên trồng lúa.

Liên quan đến mục tiêu bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, theo đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), việc thực hiện các giải pháp chống sạt lở cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, nhưng chưa được thực hiện tốt, dẫn đến hàng trăm ha đất bị mất.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc xây dựng kè các con sông ở Quảng Nam nói riêng, và ở nhiều nơi khác đã được đề cập nhiều, song cũng là bài toán khó. Vì việc thay đổi dòng chảy gây sạt lở do nhiều yếu tố cả tự nhiên và nhân tạo, trong đó có việc xây dựng các hồ chứa nước, các công trình trên sông.

Bộ NN&PTNT đã rà soát, thống kê, phân loại địa điểm sạt lở và tập trung xử lý ở nơi xung yếu (như kè sông Quảng Huế ở Quảng Nam). Về lâu dài, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, phải rà soát quy hoạch thủy lợi chung trên toàn lưu vực sông rồi mới có các giải pháp phù hợp.

Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng trị) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết,  hiện nay có bao nhiêu tỉnh cho nước ngoài thuê đất, diện tích bao nhiêu, và bao nhiêu diện tích trong vùng biên giới, vùng an ninh quốc phòng. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các bộ và địa phương liên quan đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Theo đó, rừng không cho thuê mới, rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận, những nơi nào chồng lấn lên địa bàn nhạy cảm thì không cho thuê. Nơi nào đã được cấp giấy phù hợp với tiêu chuẩn trồng rừng và không ở vùng nhạy cảm thì tiếp tục thực hiện.

“Bộ đã theo dõi và qua hệ thống ngành cho thấy, các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rừng không cho thuê nữa, và công tác rà soát vẫn tiếp tục. Các công ty nước ngoài đã trồng khoảng 13.657ha rừng, nhưng diện tích này vẫn đang được tiếp tục rà soát”, Bộ trưởng cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên