Nỗi buồn phụ nữ vùng biển

Đằng sau niềm vui bán được con cá, con tôm, những người vợ tảo tần ở vùng ven biển Mũi Né (Phan Thiết) còn có nỗi niềm khắc khoải đợi chờ, cầu mong cho chồng bình an vô sự trước sóng biển lênh đênh…

Ngóng chồng...

Mùa này, biển Phan Thiết nắng như thiêu đốt. Từ 4h sáng, ở nơi cập bến của những chiếc thuyền thúng đánh cá theo kiểu nhỏ lẻ đã đông đúc người qua lại. Họ phần lớn là những người phụ nữ đã có tuổi. Người thì cắp cái chậu, người lại cắp cái thúng để chờ mẻ lưới của chồng về. Vì thuyền nhỏ, lưới nhỏ nên họ cũng chỉ kiếm được con cua, con cá. Thi thoảng ai may mắn hơn thì có con rắn biển mắc lưới. Nói là may mắn vì rắn biển có giá cao hơn tôm, cá một chút.

Một vài chị còn mang theo cả chiếc bếp gas nhỏ để nếu khách du lịch nào nghỉ tại khách sạn gần đó muốn thưởng thức món cua tươi sống thì bật bếp nướng luôn tại chỗ. Như vậy vừa không mất công mang ra chợ mà lại bán được giá hơn.

Sau một đêm lênh đênh trên biển

Mặc dù đi từ đêm hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau mới vào bờ nhưng các chủ lưới cũng chẳng kiếm được là bao. Hôm nào may lắm thì được khoảng 1kg cua biển, với giá cả hiện nay cũng chỉ được trên dưới 200.000 đồng. Nếu 1 thuyền mà 2 người đi thì ngày công chia đôi, đấy là chưa kể tới vợ con phải ra đón từ sáng sớm rồi mang đi bán. Nhưng vậy cũng là hạnh phúc vì người vùng biển chỉ biết bám biển mà sống.

Trong khoảnh khắc nửa sáng nửa tối của trời đất, dường như tất cả các chị đều có chung một tâm trạng sâu lắng, lặng lẽ và đăm chiêu. Nó khác hẳn với sự xô bồ, chao chát tại những nơi buôn bán cua, cá ở chợ. Chị thì ngồi trên bờ cát, hai tay bó gối, mắt chăm chăm nhìn về phía những con sóng ì oạp. Chị thì đi đi, lại lại, trong lòng như có lửa đốt. Chị khác lại lặng lẽ bày ra bãi cát sát mép nước vài quả xoài hoặc gói bánh thắp nén hương thơm cầu chúc cho chồng mình và những người cùng đi biển sự bình an. Trong câu chuyện rất ít thấy họ nhắc tới số lượng tôm, cua đánh bắt được hoặc số tiền sẽ có sau đó mà ai cũng chỉ mong cho chồng và con mình cập bến an toàn.

Thấy thuyền vẫn chưa hết lo 

Những chiếc tàu đánh cá dù là loại nhỏ nhất cũng đều được trang bị đèn báo tín hiệu còn những người đánh cá, thả lưới trên các thuyền thúng chỉ mang mỗi chiếc đèn pin để liên lạc với nhau. Đi biển ít người cầm theo điện thoại, vì sóng to, gió lớn, người lúc nào cũng ướt sũng nên ngay từ lúc còn tờ mờ sớm, chị em chỉ nhận ra chồng, con mình bằng sự phán đoán qua dáng dấp.

Chị Trần Thị Nhất, 44 tuổi, kể rằng: “Nghề đi biển như chồng tôi cũng thích đấy vì thi thoảng gặp phải luồng cua, cá nên kiếm được kha khá. Tuy chẳng thể giàu như những người chạy thuyền lớn song thế cũng đủ nuôi con cái ăn học rồi. Tuy nhiên, nghề đi biển cũng lắm gian truân, sợ nhất là những hôm trời nổi dông bất ngờ hoặc chuyển hướng gió đột ngột. Mà anh bảo, lênh đênh trên biển cách bờ hàng vài chục km biết thế nào mà nói trước. Giữa trùng khơi chỉ có hai bố con bấu víu, nhỡ xảy ra chuyện gì chẳng ai hay mà cũng chẳng biết nhờ cậy vào đâu”. Nói xong, chị cúi mặt, lấy tay dụi dụi mắt, giọng nói nghẹn lại. Chị nhớ tới đứa bạn chị, cách đây gần chục năm, chồng và con cô ấy cũng đi biển, gặp hôm gió lớn, sóng to cuốn mất đứa trẻ…

Chị Trần Ánh Nguyệt, nhà ngay tại Mũi Né, cho biết: “Không phải hôm nào ông xã em cũng về đúng thời gian đâu anh ạ. Đôi khi trên biển cũng gặp trục trặc do sóng gió, gãy mái chèo, lưới rách, thậm chí nhiều hôm anh ấy mệt nhoài nên cứ túc tắc cho thuyền bơi vào bờ, chậm thời gian theo dự tính khoảng nửa tiếng là em đã lo lắm rồi”.

Vợ chồng Nguyệt năm nay còn khá trẻ. Anh chị mới vào nghề được đôi, ba năm, tuy vất vả nhưng do chịu thương, chịu khó nên họ cũng chắt chiu để dành được chút ít từ những mẻ lưới trên biển. Theo Nguyệt, cuộc sống như vậy cũng tạm ổn nhưng nghề này rủi ro nhiều và lo nhất là tính mạng con người. Có hôm, chị thấy bóng dáng thuyền của chồng mình đang gần bờ nhưng vẫn chưa yên tâm. “Chỉ khi nào thuyền sát bến, nhìn rõ mặt anh ấy, em mới thực sự tin là chồng mình vẫn còn, nếu chưa thấy thì còn bồn chồn lắm. Đợi cua, cá chỉ một phần thôi, còn mong ngóng chồng nhiều hơn” - Nguyệt chia sẻ.

>> Chị Trần Ánh Nguyệt: Không phải hôm nào ông xã em cũng về đúng thời gian đâu anh ạ. Đôi khi trên biển cũng gặp trục trặc do sóng gió, gãy mái chèo, lưới rách, thậm chí nhiều hôm anh ấy mệt nhoài nên cứ túc tắc cho thuyền bơi vào bờ, chậm thời gian theo dự tính khoảng nửa tiếng là em đã lo lắm rồi.

Đúng là nghề gì cũng ẩn chứa sự nguy hiểm nhưng có lẽ nghề đi biển là đặc thù hơn cả bởi đánh cá phải đi vào ban đêm và hết cả đêm, mà giông tố trên biển thì đến bất kỳ lúc nào. Dân đi biển ở đây vẫn kể lại câu chuyện rằng, trước đây cũng đã từng có một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển nhiều ngày, đồ nghề đánh cá vẫn còn nguyên nhưng người thì không thấy đâu. Có lẽ điều đó vẫn ám ảnh chị nên ngày nào tôi cũng thấy Nguyệt ra biển từ rất sớm và nơi duy nhất chị hướng mắt tới, đó là vùng biển trước mặt, nơi đêm qua chồng chị “nhổ neo”.

Đàn ông vùng biển vốn thường quen với sóng to, gió lớn và những công việc nặng nhọc. Nghề đi biển cũng thường là “cha truyền, con nối”, vì vậy, nhiều đứa trẻ ở đây hay nghỉ học sớm để đi biển. Nếu người đi biển chỉ ao ước mỗi mẻ lưới được nhiều tôm, cá thì vợ con các anh ở trên bờ lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo âu, bồn chồn.

Chị Nguyễn Thị Lê, người đã gần 20 năm ngóng chồng trước biển tâm sự, phần lớn chị em đều chung tâm nguyện là muốn chồng con tìm một nghề khác. Chị Lê bộc bạch: “Tôi không muốn cho con đi cùng bố nó ra biển và cũng không muốn sau này con cái làm nghề đó. Nhưng hôm nào anh ấy không cho con đi theo, ở nhà tôi lại lo lắm. Một người đi thì lo một, hai người đi lại lo hai… Anh thấy vợ của người thuyền, chài mưu sinh trên biển có ai hồng hào, to béo đâu, nét mặt ai cũng buồn nhiều hơn vui”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên