Loi ngoi nơi sóng dữ

Lặng lẽ mưu sinh nơi sóng dữ đầy vất vả, cực nhọc và cả những hiểm nguy, với ước mơ đem đến một tương lai sáng sủa hơn cho con cái 

Biển gầm gào những con sóng dữ như muốn nhấn chìm tất cả. Dọc bờ đá, những con người nhỏ bé loi ngoi nơi đầu con sóng. Một đôi quang gánh, chiếc xe đạp, vài chiếc bao bố là tất cả dụng cụ cần thiết cho công việc nhọc nhằn của họ. Đó là những người phụ nữ mưu sinh bằng công việc nhặt rong biển - công việc của những người nghèo ở xã ven biển Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị vào mỗi mùa biển động.

Mưu sinh trên “bẫy tử thần”

Sáng sớm mang rong biển đi chợ bán, chiều lại mang quang gánh ra bờ đá nhặt rong giữa bao hiểm nguy của những con sóng dữ, đến tối mịt mới trở về nhà. Guồng quay đầy cực nhọc ấy cứ trở đi trở lại với những con người nơi xã nghèo ven biển này bởi sau họ là những gánh nặng cơm áo.

Hiểm nguy luôn đe dọa những người hái rong. Chỉ cần sảy chân là đã có thể nguy hiểm đến tính mạng

Đến Cửa Tùng, tôi gặp chị Lê Thị Nhiên (làng Hoà Lý, xã Vĩnh Quang), một người đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề nhặt rong biển. Khi thấy tôi ngỏ ý muốn học nghề nhặt rong biển, chị bật cười: “Học nghề gì không học, đi học nghề nhặt rong. Khổ lắm chú ơi, nhưng chú ưng thì đi với tôi một bữa”. Chiều hôm đó, tôi được chị dẫn ra bãi đá - nơi chị cùng hàng chục người khác vẫn thầm lặng nhặt những cây rong biển giữa tiếng sóng ầm ào. Một đôi quang gánh, chiếc xe đạp, vài chiếc bao bố là tất cả dụng cụ cần thiết cho công việc nhọc nhằn của họ.

Vừa đến nơi, mọi người đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Khoác thêm tấm áo mưa, buộc sợi dây ngang lưng và bước ra phía bờ đá, chị Nhiên giảng giải: “Mang áo mưa để nước biển khỏi ngấm vào da thịt, nhưng điều cốt yếu là phải biết chọn chỗ đứng và nhặt rong rồi phân ra từng loại khác nhau bởi các loại rong có giá khác nhau và chỉ hái rong mới mọc thôi”. Nước biển ngập đến đầu gối, một tay chị xách chiếc bao tải bước lần hồi theo từng con sóng, một tay tỉ mẩn nhặt từng ngọn rong bé xíu xanh mướt mọc nơi kẽ đá cho vào bao.

Khi tôi bước ra bờ đá và lội xuống nước mới cảm nhận hết sự nhỏ bé của con người trước biển cả mênh mông, cùng với nó là biết bao hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa. Những con sóng lớn có thể cuốn trôi đi tất cả, những hòn đá trơn tuột đầy hàu có thể cứa đứt chân nếu sơ ý giẫm phải. Rong thường mọc xanh tốt ở những nơi có dòng nước chảy mạnh và mọc trên các kẽ đá, xen kẽ cùng với cơ man là hàu, nên người đi nhặt muốn hái được nhiều rong non thì phải ra xa bờ mới có thể lấy được, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh cược số phận mình với biển cả.

Hái rong cạnh tôi là chị Nguyễn Thị Sen (làng An Hoà, xã Vĩnh Quang). Ba năm theo nghề hái rong, trên đôi chân gầy đen nhẻm của chị chi chít những sẹo. Chị bảo: “Bị tai nạn đó, nhiều lần lắm. Mình mà không chú ý là dễ ngã lắm, một lần tui bị sóng đánh ngã, chân kẹt vào kẽ đá, còn bị hàu cắt đứt chân, về phải khâu mấy mũi. Vậy là mất hơn tuần không làm gì được, lại còn phải bỏ tiền mua thuốc men”.

Đã quá chiều, cũng là lúc những đôi chân, đôi tay ngâm nước biển lâu trở nên tím tái và những bao rong từ 5 - 7kg cũng được tập kết lên bờ đá. Rong được đổ ra rồi phân theo loại, ngắt bỏ gốc và được giũ sạch bằng nước biển, để rồi sáng sớm mai mang ra chợ bán. Vừa đặt bao rong xuống, chị Liên (34 tuổi, làng An Hoà, xã Vĩnh Quang) nói: “Chú trẻ vậy sao lại đi nhặt rong với phụ nữ bọn tôi, vất vả mà thu nhập có được bao nhiêu?”. Tôi hỏi lại: “Vậy sao chị không tìm một công việc khác?”. Chị Liên cười: “Đã già rồi, bằng cấp không có, ai mà thuê, ngoài việc này biết làm gì hở chú?…”.

Ngậm ngùi cảnh nghèo

Chị Lê Thị Mùi đã gắn bó với công việc này được 5 năm. Do suốt tháng còng lưng hái rong nên trông chị như gù đi, mới ở tuổi 43 mà dáng người gầy gò, xác xơ đầy vẻ lam lũ cực nhọc. Được biết, chồng chị cùng nhiều người khác trong làng đã không trở về sau một lần giong buồm ra khơi. Từ ngày chồng mất, chị vẫn ở vậy nuôi ba người con ăn học. “Đứa lớn nhất của tui giờ đang đi làm công nhân ở TP.HCM, còn hai đứa nhỏ thì một đứa đang học cấp ba, một  đứa học cấp hai. Tôi cũng đang định tích cóp ít tiền để mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ, chứ làm mãi việc này cực lắm mà nghèo vẫn hoàn nghèo” -  chị Mùi than thở.

Hằng ngày, công việc của họ vẫn tiếp diễn như vậy, khi thì ở bãi đá Cửa Tùng, khi thì lên Mũi Si, Mũi Trèo, Vịnh Mốc... Bước chân những người đi hái rong trải dài trên từng bờ đá, con sóng. Vừa đặt túi rong biển xuống để nhặt gốc và giũ qua nước biển, chị Mùi tâm sự: “Trước kia, tôi đi buôn cá, phải đạp xe 15 - 20km để đi bán cá, nhưng cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu, với lại buôn cá phải có nhiều vốn, từ ngày chồng chết thì vốn cũng không còn, nghe mấy người cùng xóm rủ đi hái rong nên đi cùng, dù công việc vất vả, nguy hiểm nhưng vì cuộc sống phải đi thôi, biết làm sao được!”.

Họ vẫn lúi húi nhặt rong, bước chân dò dẫm bờ đá - những chiếc bẫy tử thần - để mưu sinh. Khổ nỗi, rong thường mọc xanh tốt ở những nơi có dòng nước chảy mạnh và mọc trên các kẽ đá, xen kẽ cùng với cơ man là hàu, nên người đi nhặt rong phải chấp nhận đánh cược số phận mình với biển cả.

Vất vả vậy nhưng thu nhập của họ chẳng đáng là bao. Trung bình mỗi người một buổi hái được từ 5 - 7kg rong biển,  mỗi kg rong có giá từ 3 – 5.000 đồng tùy loại. Một ngày lao động cật lực cũng chỉ thu được khoảng từ 25 – 30.000 đồng. Nhưng không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi: “Hôm nay là còn may đó, nhiều khi gặp mưa, biển động mạnh thì cả nhà chỉ có nước nhịn đói” - một người phụ nữ hái rong cạnh tôi ngậm ngùi.

Khi mặt trời sắp sà xuống mặt biển, những người phụ nữ này lại gánh trên vai đôi quang gánh, hay còng lưng trên chiếc xe đạp, đưa những túi rong trở về nhà. Để rồi lại tất bật lo cơm nước, và sáng sớm mai, cũng đôi vai gầy ấy cõng những gánh rong ra chợ bán. Hoặc có khi may mắn thì rong được các tiểu thương mua lại để đưa đi bán tại các chợ đầu mối ở Gio Linh, Đông Hà.

Lặng lẽ mưu sinh nơi sóng dữ đầy vất vả, cực nhọc và cả những hiểm nguy, với ước mơ đem đến một tương lai sáng sủa hơn cho con cái: “Dù mình có cực khổ mấy cũng chịu được nhưng phải cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chỉ có học hành đỗ đạt mới mở mày mở mặt được thôi chú à”, lời tâm sự của chị Nhiên khi gánh đôi quanh trĩu nặng trên vai như lẫn vào tiếng sóng ầm ào của biển…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên