Miền Trung nhức nhối nạn phá rừng:

Kỳ cuối: Bao giờ rừng Quảng Nam mới thôi chảy máu?

Tài nguyên rừng càng ngày càng nghèo kiệt còn những kẻ kiếm lợi từ rừng xanh, núi đỏ thì cứ “vô tư” hủy hoại rừng

Gỗ lậu từ rừng núi Quảng Nam vẫn tuồn về xuôi theo mọi ngả đường, trong đó, huyện Nam Giang là một trong 4 điểm nóng về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Những phách gỗ chò được cưa xẻ ngay trong rừng phòng hộ Khu bảo tồn thiên nhiên sông Tranh

Năm 2010, khi về công tác ở ngành Kiểm lâm, ông Võ Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tiết lộ: “Khi tôi nhận nhiệm vụ, rừng Nam Giang không còn cây to nữa”. Được đồng bào dân tộc Cơ Tu ở địa phương dẫn đường, chúng tôi băng rừng vào Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, tận mắt nhìn thấy những gốc chò, gốc dổi... cỡ 4 - 5 người ôm bị cưa máy phạt ngang, càng thấy nhức nhối bởi nạn phá rừng tràn lan!

Vài năm trở lại đây, lao động từ các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị... đổ về các bãi vàng, tàn phá những khu vực có gỗ quý trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, họ còn được chủ các xưởng mộc trá hình ở các huyện miền núi bao ăn ở, làm thuê, trở thành đội quân lâm tặc hoành hành khắp núi rừng. Khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi, lâm tặc chạy vào rừng sâu và sẵn sàng chống trả, hành hung lực lượng công an, kiểm lâm để tẩu tán gỗ lậu.

Những đối tượng vừa bị đẩy đuổi khỏi rừng

Trao đổi với chúng tôi, các vị lãnh đạo địa phương và ngành chức năng đều khẳng định: nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép sẽ giảm nếu duy trì thường xuyên các biện pháp mạnh và quyết liệt. Nhưng biện pháp mạnh là gì?

“Ở những vùng giáp ranh, nhất là vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh không có điều kiện đi lại và khả năng chốt giữ, nên các đối tượng vẫn thường xuyên lén lút khai thác trái phép”, Thượng tá Phạm Mưng - Trưởng Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nói.

Gần đây, thủ đoạn phá rừng ở địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng tinh vi. Các đối tượng phá rừng đã lôi kéo người dân vào cuộc. Đời sống người dân các huyện miền núi ở xứ Quảng còn khó khăn, vì vậy, khi được các đầu nậu trả khoản tiền bằng cả tháng, thậm chí cả năm thu nhập từ nương, rẫy, họ đã vô tình tiếp tay để chuyển gỗ từ rừng ra nơi tập kết.

Lán trại công khai nằm ở khu tập kết gỗ

Nếu mang được một phách gỗ dày 1 tấc, rộng 3 tấc, dài khoảng 2m từ trong rừng ra điểm tập kết, người dân được trả từ 600.000 - 700.000 đồng. Vì thế mà tại 2 xã Cà Dy và Pà Păng, sát với phố huyện Bến Giằng - Thạnh Mỹ của huyện Nam Giang, có tới hàng trăm con trâu chuyên kéo gỗ lậu cho lâm tặc. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận: “Trâu có làm ruộng đâu. Ai cũng biết là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nuôi trâu chỉ dùng để kéo gỗ. Tuy nhiên, không có chế tài để xử lý việc này”.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nam Giang có nhiều xưởng cưa, xưởng mộc... nằm ngay lối ra vào vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Đây là nơi cưa xẻ gỗ lậu, đóng thành phẩm rồi chuyển về xuôi. Điều đáng nói là chỉ một vài cơ sở có giấy phép hoạt động (!).

Không những chứa chấp lâm tặc, Phó trưởng thôn, công an viên thôn Pà Rồng còn tham gia phá rừng ươi ở địa phương

Lạ thay, bộ máy chính quyền địa phương không hay biết gì!? Đã vậy, một số cán bộ cơ sở còn tiếp tay cho lâm tặc lộng hành. Bà con ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang tố cáo đích danh ông Cor Toong, Phó trưởng thôn Pà Rồng chứa chấp hơn chục người lạ mặt chuyên làm thuê tại các xưởng cưa “trá hình” này (!).

“Tình trạng người Vân Kiều, Sán Dìu, Khơ Mú ở các tỉnh về đây làm rừng làm cho tình hình phức tạp. không tuân theo hương ước ở đây. Tất cả các việc làm dân thường làm từ trước đây, giờ đây mấy người này dành làm hết như: bẫy  thú, làm nghề rừng... Chúng tôi mong chính quyền quán triệt việc này để người dân nơi đây còn làm ăn nữa. Chúng tôi rất muốn nhà nước cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận về quyền bảo vệ và khai thác lâm sản ở đây. Có như vậy, rừng của ông cha chúng tôi mới không bị tàn phá”, ông P’loong Hợp, thôn Pà Xua, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam than vãn.

Cây đổ ngổn ngang trong rừng ở huyện Nam Giang, Quảng Nam

Trước thực trạng rừng bị tàn phá nặng nề, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhiều lần khẳng định rằng, việc tăng cường lực lượng chốt chặn 24/24 giờ trên đường bộ lẫn đường sông đã hạn chế tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép.

Nhưng điều mà nhiều người lo lắng hiện nay, đó là hơn 60 dự án thủy điện triển khai xây dựng trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn... kéo theo hàng ngàn ha rừng già bị xóa sổ một cách hợp pháp. Mới đây, nhiều dự án trồng rừng nguyên liệu khu vực đầu nguồn ở các huyện Phú Ninh, Hiệp Đức, Đông Giang... được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Có người cho rằng, cách làm này chẳng khác nào hợp thức hóa chuyện phá rừng... để trồng lại rừng!

Nghèo đói, người dân miền núi phá rừng. Cũng vì nghèo đói, bà con phải cõng thuê, kéo mướn gỗ lậu cho lâm tặc. Lại thêm, một số cán bộ cơ sở bao che, tiếp tay cho những kẻ hủy hoại rừng. Chưa hết, làm thủy điện, xây dựng khu tái định cư, khai thác khoáng sản tràn lan… cũng đã thu hẹp nhiều diện tích rừng.

Hàng ngàn ha rừng bị san phẳng để làm thuỷ điện

Ai cũng xâm hại rừng để trục lợi cho riêng mình. Xót xa thay! Tài nguyên rừng càng ngày càng nghèo kiệt còn những kẻ kiếm lợi từ rừng xanh, núi đỏ thì cứ “vô tư” hủy hoại rừng.

Các chuyên gia môi trường từng cảnh báo: những tác động của con người như phá rừng, xây dựng thủy điện ồ ạt… khiến mức độ tàn phá của thiên tai ở miền Trung ngày càng thêm trầm trọng. Hệ lụy của việc những dự án phục vụ dân sinh nói trên khiến diện tích rừng bị thu hẹp, lũ lụt ngày càng hung hãn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Mùa mưa lũ, hàng ngàn, hàng vạn sinh mạng, nhà cửa của người dân miền Trung tiếp tục bị uy hiếp bởi những cơn thịnh nộ của đại ngàn.

Biết đến bao giờ rừng Quảng Nam nói riêng và tài nguyên rừng miền Trung nói chung mới thôi “chảy máu”???

Một xe, một cưa máy sẵn sàng vào rừng triệt hạ gỗ

Lâm tặc ngang nhiên xuống phố ăn nhậu

P'loong Hợp, nguyên Phó thôn Pà Rồng bức xúc trước nạn phá rừng ở địa phương

Phóng viên VOV vào vai lâm tặc để điều tra

Thân gỗ này vừa được đưa xuống ven đường vào thuỷ điện sông Bung 4

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên