Nhiều điểm mới về phí xuất cảnh đi nước ngoài người lao động cần biết

VOV.VN - Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua bổ sung hành vi thu tiền môi giới từ người lao động là hành vi cấm đối với doanh nghiệp...

Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay (24/11), ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trên cơ sở hoàn thiện thể chế đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, tạo môi trường thông suốt, đảm bảo tương thích giữa luật pháp Việt Nam và các công ước, tiêu chuẩn lao động quốc tế đặc biệt. 

Luật gồm 8 chương, 74 điều, tập trung vào 6 nhóm chính sách. Trong đó, bổ sung nhiều nội dung nhằm minh bạch, nâng cao điều kiện làm việc với các ngành nghề, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

Đặc biệt, Luật này cũng bãi bỏ quy định về việc người lao động phải trả một phần phí môi giới mà doanh nghiệp đã trả cho bên môi giới. Đây được coi là sự tiến bộ rất lớn, phù hợp với điều kiện về lao động, tránh sự chênh lệch giữa luật trong nước và các nước tiếp nhận lao động.

Ông Dũng cho hay, Luật cũng bổ sung hành vi thu tiền môi giới từ người lao động là hành vi cấm đối với doanh nghiệp, sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài.

Cũng theo ông Đặng Sĩ Dũng, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có những quy định về mở rộng thị trường mới, ngành nghề mới bên cạnh việc duy trì các ngành nghề truyền thống.  Quá trình xây dựng Luật cũng lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới, các biện pháp hỗ trợ lao động trên cơ sở giới, phòng chống buôn bán người, lạm dụng tình dục hay các nội dung phân biệt đối xử.

“Bên cạnh đó, hiện nay đã có quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quỹ đã được hình thành, nhưng nội dung chi của quỹ vẫn còn hạn chế. Do đó, Luật mới đã mở rộng các quy định nhằm bao hàm nhiều hoạt động hơn nữa, hỗ trợ lao động, phòng ngừa trước những rủi ro như chiến tranh, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...”, ông Dũng thông tin.
Ngoài các nhóm chính sách lớn, đại diện Cục Lao động ngoài nước cũng cho biết Luật mới đã bổ sung việc quản lý nhà nước, ứng dụng CNTT, số hóa dữ liệu về lao động di cư, quản lý lao động bằng mã số tích hợp trên hệ thống, bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp...

Số lao động đi làm việc tại nước ngoài giảm mạnh

Báo cáo về tình hình xuất khẩu lao động từ đầu năm đến nay, ông Đặng Sĩ Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng người đi lao động nước ngoài giảm mạnh. Tính đến hết tháng 10/2020, cả nước có 40.700 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, con số này là 100.000 người và hết năm 2019 là hơn 122.000 lao động.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động đi nước ngoài.

“Thông thường bảo vệ quyền lợi người lao động sẽ tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp, các hoạt động thu phí trái phép với người lao động... Tuy nhiên, trong mùa dịch, vấn đề đặt ra là cần giải quyết chỗ ăn ở, đàm phán để lao động được gia hạn hợp đồng khi không thể về nước. Một số trường hợp lao động bị tai nạn, ốm đau, thai sản cần về nước gấp nhưng không có các chuyến bay thương mại, phải áp dụng các chuyến bay giải cứu khẩn. Đơn cử như năm nay chúng tôi đã tập trung đưa hơn 600 lao động có thai tại Đài Loan về nước, nhiều trường hợp là thai phụ ở tháng thứ 7, thứ 8”, ông  Dũng cho biết.

Cùng nói về xuất khẩu lao động, ông Đỗ Tiến Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có số lượng lớn lao động thuộc hộ nghèo muốn đi làm việc tại nước ngoài, nhưng còn nhiều khó khăn về chi phí, tiền vốn. 

Nhằm góp phần giảm nghèo tại địa phương, ông Đỗ Tiến Tân đề xuất cần thêm những chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng muốn đi làm việc tại nước ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”

VOV.VN - “Từ nay không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà sử dụng từ trong luật: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”

VOV.VN - “Từ nay không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà sử dụng từ trong luật: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Phải xử lý nghiêm đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu “chui”
Phải xử lý nghiêm đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu “chui”

VOV.VN -Cần làm rõ khoản phí phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

Phải xử lý nghiêm đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu “chui”

Phải xử lý nghiêm đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu “chui”

VOV.VN -Cần làm rõ khoản phí phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.