Nhân chứng kể chuyện tổng tấn công Tết Mậu thân 1968

(VOV) -Đã 45 năm trôi qua, nhưng Mậu Thân-1968 vẫn mãi âm vang như một mốc son của lịch sử quân sự Việt Nam.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, bà Hoàng Thị Nở, thành viên của Tiểu đội du kích 11 cô gái Sông Hương vẫn nhớ như in diễn biến của chiến dịch nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ngày ấy, các chị tham gia tiểu đội du kích xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ban đầu các chị bám sát địa bàn, hoạt động trong lòng thành phố, nắm các mục tiêu quan trọng của địch, dẫn đường cho bộ đội vào tấn công địch ở phía nam thành phố Huế…

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, các chị phải mất nhiều tháng trời trinh sát, nắm rõ từng mục tiêu của địch. 

Đêm 30 Tết năm đó, các chị chia làm ba tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, khiến địch không kịp trở tay.

Ảnh tư liệu

Chỉ trong một ngày đêm, quân và dân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Huế. Ngày 12/2/1968 (tức 12 Tết Nguyên đán), khi địch tổ chức phản công, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương cùng với bộ đội đã tổ chức đánh phản kích đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, bắn cháy nhiều xe tăng, tiêu diệt 120 tên dịch ở ngã ba chợ Cống. Trong trận đánh đó, 4 chị anh dũng hy sinh.

Đã vào cái tuổi 80 nhưng ông Ngô Kha, tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ở cánh phía bắc thành Huế, còn nhớ rõ: Đêm 30 Tết năm đó, bộ đội ta từ khắp nơi đồng loạt tấn công địch ở cả cánh nam, cánh bắc thành phố Huế, nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, quân ta đã làm chủ thành phố Huế, cờ giải phóng bay trên cột cờ Phu Văn Lâu suốt 26 ngày đêm.

Ông Ngô Kha nhớ lại: Dân ở vùng tạm chiếm đã 23 năm, nhưng thấy quân cách mạng vào họ sẵn lòng giúp đỡ bộ đội lương thực, lập trạm đưa thương binh lùi tuyến sau, đào giao thông, hầm cho bộ đội chiến đấu...

Cuộc tổng tấn công nổi dậy Xuân 1968, là một biểu hiện sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam; thể hiện tính sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

Ông Nguyễn Đức Thuận, ở  phường Phước Vĩnh, thành phố Huế,  nguyên trinh sát của đơn vị K8 tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tâm sự: Chiến dịch Mậu Thân-1968 ở Huế, là thắng lợi to lớn về sức mạnh, tinh thần của dân tộc Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris năm 1973. 

Ý nghĩa của chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là khát vọng độc lập tự do và hòa bình thịnh vượng cho cả dân tộc Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên