Xử lý các khu vực nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật

Hiện trên toàn quốc còn hơn 1.150 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực.  

  • Nội sẽ hết chỗ chứa rác vào 2012

Sáng nay (01/4), tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức hội thảo “Triển khai kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước”.

Nhiều năm qua, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở nước ta rất phổ biến. Các loại hoá chất sử dụng bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhóm POPS. Nhóm chất này bao gồm: aldrin, chlordane, DDT, …

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên- Môi trường, hiện trên toàn quốc còn hơn 1.150 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Những kho thuốc trước đây được xây dựng rất sơ sài, cộng với ý thức của người dân chưa cao, vì vậy, sau khi những kho thuốc này được di dời hoặc không sử dụng, số thuốc còn lại không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1946 phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu từ 2010-2025 sẽ hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các kho lưu giữ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn toàn quốc.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên- Môi trường cho biết: Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 cải tạo và phục hồi môi trường hơn 300 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đến năm 2025 xử lý hết các điểm còn lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên