Mở rộng hầm mổ xác giữa Thủ đô - người dân hoang mang

Việc sử dụng các bệnh phẩm từ cơ thể người và các hóa chất để thí nghiệm khiến nhân dân quan ngại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống

Trong khi nhiều trường ĐH, CĐ đang có kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, thì trường Đại học Y Hà Nội vẫn tiến hành mở rộng nâng cấp quy mô lớn hơn cơ sở Viện Giải phẫu để làm cơ sở thực nghiệm của bộ môn pháp y và giải phẫu bệnh.

Theo phản ánh của nhân dân tổ 40- 41, Khu tập thể 48A Tăng Bạt Hổ, vào giữa tháng 2/2012, Viện Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) thực hiện dự án Tu bổ và mở rộng Bộ môn giải phẫu bệnh tại cơ sở 48 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội theo quyêt định phê duyệt của Bộ Y tế. Công trình có diện tích 250m2, gồm 4 tầng này được xây đè lên trên diện tích 25m2 của bể nước 200m3 đang được 106 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu của khu tập thể 48 A dùng sinh hoạt hàng ngày. Việc xây dựng công trình được chủ đầu tư là trường Đại học Y Hà Nội tiến hành đã không thông báo tới nhân dân khu tập thể khiến nhân dân bức xúc.

Khoảng không phía trước là đường dân sinh đang bị công trình bịt kín

Lo ngại công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến bể nước sinh hoạt. Đại diện tổ dân phố 40 và 41 của khu tập thể này đã 3 lần làm đơn kiến nghị lên UBND phường Phạm Đình Hổ nhưng không có phúc đáp từ chính quyền.

Bức xúc nhân dân ở đây đã tự ý dựng dây thép gai trên phần ranh giới bể nước phân chia giữa hai bên. Chỉ đến khi có tranh chấp xảy ra, ngày 17/3/2012, thanh tra xây dựng phường Phạm Đình Hổ mới có mặt lập biên bản đình chỉ công trình của trường Đại học Y Hà Nội và hàng rào của nhân dân tổ 40 và 41 tự ý dựng lên. “Tuy nhiên từ đó đến nay chính quyền phường vẫn không có ý kiến chính thức bằng văn bản trả lời chúng tôi”- bà Cao Thị Tuyết, Phó ban quản lý Khu tập thể 48A bức xúc nói.

Cũng tại công trình này, ngoài việc ảnh hưởng đến bể nước sinh hoạt của gần 500 dân cư đang sinh sống trong khu tập thể. Công trình xây dựng trên khi hoàn thành sẽ bịt kín khoảng đất rộng gần 7 m  chạy dọc từ ngoài đường  Tăng Bạt Hổ (giữa hai tòa nhà cao tầng của Khu tập thể 48 A Tăng Bạt Hổ và Viện Giải phẫu) trước đây là đường dân sinh, để xe cứu hỏa có thể ứng cứu trong trường hợp có hỏa hoạn.

“Do lịch sử để lại khu đất này trước kia thuộc trường Đại học Y – Dược Hà Nội, sau khi chia tách hai bên đã xây một bức tường rào ngăn cách. Từ đó đến nay, nhân dân của khu tập thể phải đi lại qua một lối đi phụ chỉ  rộng  và cao hơn 2m phía trên là trần bê tông kín mít, khó biết hậu quả thế nào khi không may xảy ra cháy nổ. Đây là điều chúng tôi rất lo sợ”- Ông Đặng Văn Khiêm (Phòng 401 A Khu tập thể 48A).

Theo phản ánh của nhân dân Khu tập thể 48A, khi tòa nhà hoàn thành, trường Đại học Y Hà Nội sẽ chuyển bộ môn Pháp y và Giải phẫu bệnh từ cơ sở 13 Lê Thánh Tông về đây. Bộ môn này sử dụng các bệnh phẩm từ cơ thể người và các hoá chất để thí nghiệm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của nhân dân khu tập thể, trong đó có rất nhiều người già và trẻ em.

Hiện tại khu nhà của Viện Giải phẫu  đã và đang là nơi thực tập giải phẫu trên xác người chết của trường Đại học Y Hà Nội đã và đang gây ô nhiễm độc hại. Nay có thêm công trình mới tiếp tục hoạt động quy mô lớn hơn ít nhiều sẽ làm tổn hại đến môi trường sống của 500 người dân khu tập thể này.

Ông Khiêm và bà Tuyết cư dân Khu tập thể 48A trình bày sự việc

Phản ánh với phóng viên VOVonline, ông Đặng Văn Khiêm cho biết: Viện Giải phẫu được xây dựng mục đích bảo quản xác chết và lưu giữ các tiêu bản của cơ thể người trong dung dịch formol để sinh viên thực tập. Hàm lượng formol sử dụng để bảo quản xác và tiêu bản bay hơi phát tán, gây nguy hiểm đến sức khỏe vì đây là chất gây ung thư. “Về mức độ ô nhiễm chúng tôi không có cách nào để đo được nồng độ và cũng không khẳng định ô nhiễm ở mức độ nào! Cảm nhận của chúng tôi là hơi formol bốc ra có hại. Nhưng ô nhiễm có thể nhận thấy rõ ràng nhất là lúc Viện Giải phẫu đốt các tiêu bản thực nghiệm, mùi hôi, mùi thối của các phần tử hữu cơ cháy khét lẹt rất khó chịu. Có những buổi tối, chúng tôi ở trên tầng gác cao phải đóng hết các cửa sổ kính lại. Bản thân tôi và nhiều người khác đánh cầu lông ở sân ngoài hè trước cổng Viện nhưng mùi bốc ra kinh quá phải bỏ đi chơi ở chỗ khác”- Ông Khiêm nói.

Bà Cao Thị Tuyết cho biết thêm: Mỗi khi Viện Giải phẫu đem phơi các bộ xương hay xác người lên để sinh viên thực tập hay xe đưa các xác hiến từ nơi khác về ngâm vào bể. Buộc phải nhìn những cảnh đó nhiều người rất sợ và các cháu nhỏ cũng rất ảnh hưởng về tâm lý. Để không phải chứng kiến những xác ướp đó, mỗi khi thấy sinh viên về thực tập chúng tôi phải chủ động kéo rèm, đóng cửa.

Cũng theo phản ánh của người dân, trước đây Bộ Y tế cùng với trường Đại học Y- Dược Hà Nội và một số trường đại học đã có kiến nghị di dời Viện Giải phẫu ra khỏi khu vực này, nhưng có ý kiến của trường Y cho rằng đây là trường có lịch sử gần 100 năm nên muốn lưu giữ lại như một bảo tàng. Nhưng nếu mục đích làm bảo tàng thì nên chỉ làm chức năng bảo tàng chứ không nên làm chức năng giải phẫu sinh lý và thực tập cho sinh viên nữa. Và khi đã là bảo tàng, trường Y phải thực hiện trách nhiệm bảo quản, tu bổ giữ nguyên trạng chứ không được cơi nới, xây tầng làm mất đi nguyên trạng của bảo tàng.

Bà Tuyết đề nghị, chúng tôi mong muốn Viện Giải phẫu phải được đưa ra khu vực ngoại thành thưa dân cư, giữa trung tâm thành phố không nên để một hầm chứa xác như thế này.

Trước sự bức xúc của người dân Khu tập thể 48A, tại buổi làm việc chiều 14/3 với Ban giám hiệu trường Đại học Y Hà Nội do PGS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội chủ trì với đại diện tổ dân phố 40-41 Tăng Bạt Hổ cho rằng, thông tin về việc trường Y thuộc diện di dời như nhân dân phản ánh là không chính xác!. Công năng tòa nhà của Viện Giải phẫu lịch sử từ trước đến nay vẫn hoạt động như vậy, việc xây tòa nhà mới không nằm ngoài mục đích đó. Tuy nhiên, trên tinh thần lắng nghe ý kiến nhân dân, phía nhà trường sẽ có báo cáo Bộ Y tế để công năng của tòa nhà mới phù hợp với đời sống nhân dân xung quanh(!)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên