Liệu đến năm 2030 Việt Nam có loại trừ được dịch sốt rét?

VOV.VN - Nếu Việt Nam loại trừ được sốt rét thì sẽ là 1 trong những điểm sáng trong khu vực về loại trừ một dịch bệnh nguy hiểm và thách thức cho nhân loại.

Ngày 25/4 hằng năm là ngày Sốt rét Thế giới (World Malaria Day - WMD) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất và được Liên Hợp Quốc tán thành và ban hành. Ngày này ra đời với mục đích thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để kiểm soát bệnh sốt rét, một căn bệnh nguy hiểm cướp đi mạng sống của nhiều người trên thế giới.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VOV đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương về diễn biến sốt rét ở Việt Nam và những kiến nghị đề xuất hướng tới xóa bỏ dịch sốt rét ở nước ta vào năm 2030.

PV: Thời gian gần đây số ca mắc sốt rét ở Việt Nam diễn biến như thế nào, thưa ông? Và đã có bao nhiêu tỉnh thành công bố hết dịch sốt rét, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Trong 3 năm gần đây số ca sốt rét trên dưới 450 ca/năm. Việt Nam hiện có 46 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ sốt rét. Tuy nhiên tại 46 tỉnh này số sốt rét ngoại lai xuất hiện khá đông. Ví dụ năm 2023 cả nước có 448 trường hợp sốt rét được phát hiện, trong số đó một nửa ca mắc là ngoại lai từ nước ngoài về, đặc biệt là những người từ Châu Phi và trong khu vực về.

Hiện nay số ca sốt rét chủ yếu tập trung ở một số huyện. Điểm nóng nhất là huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) với số ca sốt rét là 208/448 (2023), chiếm gần ½ ca mắc so với toàn quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa có 78/115 ca mắc sốt rét.

Điểm sốt rét ở Mường Tè, Lai Châu. 1 trong những điểm chúng ta đã đầu tư sức mạnh trong nhiều năm nhưng mà vẫn chưa dập được dịch. Trên dưới 100 ca/năm

PV: Hiện nay việc điều trị sốt rét diễn ra như thế nào, thưa ông? Đâu là mối nguy hiểm do sốt rét gây ra?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay việc điều trị bệnh sốt rét đang được phân cấp đến tận tuyến xã. Đối với các khu vực ở thành phố, chủ yếu là các ca ngoại lai khi họ đi về từ châu Phi hoặc các nước trong khu vực, khi xuất hiện sốt sẽ thường đến các bệnh viện tuyến trung ương trong đó có Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - Bệnh viện chuyên khoa về sốt rét để điều trị. Hiện nay số ca bệnh sốt rét ngoại lai ở Hà Nội không nhiều, mỗi năm trên dưới 25 ca. Tại một số tỉnh thành như Nghệ An, TP.HCM… có số sốt rét ngoại lai khá nhiều.

Một trong những nguy cơ mà WHO cảnh báo đó là tình trạng các ca mắc sốt rét kháng thuốc đang diễn ra ở châu Phi có thể lan truyền qua Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế trong quá trình điều trị. Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện ổ dịch kháng thuốc, đó là ổ Bù Gia Mập (Bình Phước). Do đó chúng ta cần có biện pháp dự phòng và tiếp tục theo dõi.

PV: Vậy đâu là khó khăn và thách thức đối với việc phòng chống sốt rét ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Sốt rét là 1 bệnh diễn biến phức tạp và khó lường. Thế giới đặt mục tiêu tiến dần đến đích loại trừ nhưng vẫn không loại trừ được, thậm chí nó còn quay lại và bùng phát dịch mạnh mẽ hơn như ở Thái Lan vừa rồi, đã có hàng nghìn ca mắc mỗi năm.

Sốt rét có những đặc thù nhất định. Nó là một loài ký sinh trùng tồn tại trong người thậm chí tồn tại trong khỉ, trong động vật. Nguồn bệnh và kí sinh trùng này có thể xuất hiện ở thể ẩn, tức là người lành mang kí sinh trùng ở trong gan và họ không có biểu hiện bệnh. Kí sinh trùng này có thể “ngủ yên” ở trong gan của họ năm này qua năm khác, thậm chí cả chục năm. Và đến “một ngày đẹp trời” nó lại ngoi ra phát triển đi vào trong máu và gây bệnh. Khi nó ở thể ẩn, dường như chúng ta không biết được, bởi vì không có dấu hiệu triệu chứng và tiến hành xét nghiệm bình thường sẽ không phát hiện ra, thậm chí nếu xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR cũng khó phát hiện ra.

Hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bởi nó chủ yếu tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chính vì thế việc đi lại, tiếp cận với những người dân sống chủ yếu với nghề đi rừng, ngủ rẫy là rất khó khăn. Họ cũng rất khó tiếp cận với các dịch vụ cũng như xét nghiệm, điều trị.

Đó là tâm lý chủ quan lơ là của người dân khi cho rằng đã hết dịch nên không có phương án dự phòng. Kể cả cơ sở y tế, có những nơi chủ quan, chẩn đoán không ra bệnh sốt rét. Năm ngoái có 2 trường hợp tử vong vì chẩn đoán muộn.

Khi dịch có dấu hiệu giảm xuống, nguồn viện trợ nước ngoài và đầu tư trong nước, nhân lực cũng bị cắt giảm. Từ đó dẫn đến công tác hoạt động giám sát và hệ thống cảnh báo giảm đi nên nguy cơ sốt rét quay trở lại tại các tỉnh thành đã có dịch là rất cao.

Ngoài ra, hiện nay lực lượng cán bộ y tế làm công tác phòng chống sốt rét ở tuyến huyện, tuyến xã rất mỏng. Đặc biệt khu vực miền núi, địa bàn hoạt động khó khăn, gây cản trở cho quá trình đi lại, khám chữa bệnh của nhân viên y tế.

PV: “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030” là một trong những mục tiêu và là thông điệp chính của ngày sốt rét thế giới tại Việt Nam. Vậy để thực hiện mục tiêu đó, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Để thực hiện loại trừ sốt rét đến năm 2030, tôi cho rằng chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc loại trừ 1 số bệnh như phong, lao, uốn ván…. Bài học kinh nghiệm đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành và vai trò nòng cốt của ngành y tế thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện ra ca bệnh điều trị sớm, kịp thời.

Chúng ta phải có kế hoạch xây dựng chiến lược quốc gia loại trừ sốt rét đến năm 2030. Hiện chúng ta đã có chiến lược 10 năm 2011-2020, giờ đây phải xây dựng chiến lược mới nhằm mục đích huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể chính quyền các cấp chung tay cùng ngành y tế. Nếu không có chiến lược, nhiều địa phương bỏ bê, không quan tâm đầu tư kinh phí để phòng chống sốt rét. Khi đó sốt rét sẽ có điều kiện bùng phát trở lại.

Tiếp nữa, phải thiết lập lại hệ thống y tế trong bối cảnh phòng sốt rét quay trở lại đối với các tỉnh đã loại trừ. Hệ thống xét nghiệm cần bố trí lại ở mật độ không cần dày, và phải có phân công khi có ca bệnh sẽ chuyển đến đâu. Chẳng hạn như chúng tôi dự kiến phải có điểm xét nghiệm tại trung tâm y tế, các bệnh viện, còn lại những xã nào xa trọng điểm thì liên xã phải có 1 điểm xét nghiệm. Hệ thống cung ứng thuốc cũng tương tự thế, chứ không cung uống thuốc dàn trải như trước đây.

Ngoài ra cần xây dựng hệ thống giám sát chủ động về người bệnh, nhất là đối tượng ngoại lai từ nước ngoài về. Hai là giám sát về muỗi, để cảnh báo cho bà con biết khu vực nào muỗi đang phát triển và có nguy cơ bùng phát dịch.

Nếu Việt Nam loại trừ được sốt rét thì sẽ là 1 trong những điểm sáng trong khu vực về loại trừ một dịch bệnh nguy hiểm và thách thức cho nhân loại.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát hiện thai phụ bị sốt rét ngoại lai
Phát hiện thai phụ bị sốt rét ngoại lai

VOV.VN - Bệnh viện Trung ương Huế đang tiếp nhận, điều trị theo dõi tích cực một nữ bệnh nhân mang thai bị sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum ngoại lai từ Angola về Việt Nam.

Phát hiện thai phụ bị sốt rét ngoại lai

Phát hiện thai phụ bị sốt rét ngoại lai

VOV.VN - Bệnh viện Trung ương Huế đang tiếp nhận, điều trị theo dõi tích cực một nữ bệnh nhân mang thai bị sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum ngoại lai từ Angola về Việt Nam.

Chuyên gia nói gì về nguy cơ lây lan sốt rét tại Việt Nam?
Chuyên gia nói gì về nguy cơ lây lan sốt rét tại Việt Nam?

VOV.VN - Những ngày gần đây ở TP.HCM và Hà Nội ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân sốt rét nhập cảnh từ châu Phi. Liệu căn bệnh này có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng?

Chuyên gia nói gì về nguy cơ lây lan sốt rét tại Việt Nam?

Chuyên gia nói gì về nguy cơ lây lan sốt rét tại Việt Nam?

VOV.VN - Những ngày gần đây ở TP.HCM và Hà Nội ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân sốt rét nhập cảnh từ châu Phi. Liệu căn bệnh này có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng?

“Vaccine sốt rét sẽ cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm”
“Vaccine sốt rét sẽ cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm”

VOV.VN - Đây là khẳng định của WHO trong báo cáo ngày 6/10 về vaccine sốt rét RTS,S/AS01 - được coi là dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này.

“Vaccine sốt rét sẽ cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm”

“Vaccine sốt rét sẽ cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm”

VOV.VN - Đây là khẳng định của WHO trong báo cáo ngày 6/10 về vaccine sốt rét RTS,S/AS01 - được coi là dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này.