Kỹ năng phòng chống hạn mặn cho người dân ĐBSCL: Việc cần làm ngay!

VOV.VN - Việc trang bị các kỹ năng phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu cho người dân trong vùng là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, tháng 5 này, hạn mặn ở ĐBSCL sẽ đạt mức cao điểm và khốc liệt nhất. Do vậy, vấn đề trang bị kỹ năng cần thiết giúp hơn 20 triệu người dân trong vùng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu là một việc làm vừa mang tính cấp thiết, vừa lâu dài. Nếu không, công cuộc phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu ở vựa lúa quốc gia này sẽ còn lúng túng và bị động.

Những nguy cơ bất ổn từ hạn mặn và biến đổi khí hậu

Tính đến thời điểm này, ở khu vực ĐBSCL đã có 10/13 tỉnh, thành công bố tình trạng thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Hạn mặn đã làm thiệt hại hơn 200.000 ha lúa,  hơn 9.400 ha cây ăn trái; đẩy gần 1 triệu người trong vùng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.  

Đồng ruộng nứt nẻ vì hạn hán kéo dài

Nhiều cơ quan, công sở, trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất trong vùng cũng bị thiếu nước. Hạn mặn đã khiến ngành nông nghiệp nhiều địa phương năm nay rơi vào tăng trưởng âm; hàng trăm ngàn hộ dân mất đi nguồn thu nhập ổn định, có nguy cơ lâm vào cảnh thiếu ăn.

Nhiều nơi xuất hiện tình trạng dân di cư về các tỉnh miền Đông Nam bộ, kéo theo các hệ lụy như trẻ em không được học hành, đồng ruộng xác xơ; nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, xáo trộn lớn về đời sống. Đây là những thách thức mới cho vùng.

Hiện nay, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương đang vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ người dân đẩy lùi hạn mặn, ổn định đời sống và khôi phục lại sản xuất. Vấn đề đặt ra là tác động của hiện tượng El Nino gây ra khô hạn, xâm nhập mặn và lâu dài là biến đổi khí hậu dù đã được cảnh báo từ lâu, song qua đợt hạn mặn khốc liệt này cho thấy các cấp, các ngành và các địa phương còn lúng túng và bị động trong phòng chống. Điều này thể hiện từ công tác dự báo, dự tính đến việc triển khai các công trình thủy lợi, các biện pháp ứng phó, chăm lo cho sinh kế người dân khi hạn mặn vào cao điểm.

Các văn bản, chỉ thị về phòng chống hạn mặn, kịch bản chống biến đổi khí hậu của các địa phương nhiều nơi chưa đến được với người dân. Từ đó, khiến không ít người dân châu thổ chưa có được tâm thế trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu. Do vậy, hậu quả mà hạn mặn đang gây ra cho vùng đất vốn được coi là phù sa màu mỡ này là khá nghiêm trọng và sẽ còn kéo dài.

Nâng cao kỹ năng phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu cho người dân

Có thể khẳng định hạn mặn và biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng cực đoan của thời tiết như bão, lũ, giông lốc sẽ đến với vùng châu thổ Cửu Long với tần suất dày hơn và khốc liệt hơn trong tương lai gần. Cùng với các giải pháp công trình, giải pháp mang tính kỹ thuật như thủy lợi, chuyển đổi sản xuất, chăm lo sinh kế thì việc trang bị các kỹ năng phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu cho người dân trong vùng là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Đồng ruộng xác xơ, đàn gia súc uể oải trong khô hạn

Nếu như trước đây,người dân Cửu Long được học các kỹ năng để” chung sống với lũ” thì nay phải được học cách để thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu. Đó là các kỹ năng về sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm cả trong sinh hoạt và sản xuất. Gia đình nông hộ nào cũng cần có lu, bể để tích trữ nước ngọt khi mưa đến; liên hộ, liên xóm, ấpvà  các cánh đồng cần cùng nhau hình thành nên các ao, hồ chứa nước ngọt tập trung.

Trong sản xuất, nên trồng các giống câyngắn ngày, tiết kiệm nước trong mùa khô; học cách” làm giàu” trong hạn mặn với các loại vật nuôi thích hợp như tôm, cua; trồng cỏ nuôi bò, nuôi gia cầm.v.v.. Bên cạnh đó, học các kỹ năng sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; chăm sóc sức khỏe gia đình; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong điều kiện hạn mặn gay gắt. Trong tổ chức cuộc sống cũng cần hình thành nên các thói quen nhằm thích ứng nhanh với sự thay đổi và khắc nghiệt của thời tiết, tránh tâm lý chủ quan, lơ là.

Rõ ràng hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực và làm đảo lộn toàn bộ đời sống của người dân vùng đất châu thổ Cửu Long. Danh xưng vùng đất phù sa màu mỡ, thời tiết thuận hòa với 2 mùa mưa nắng có nguy cơ bị xóa xổ. Do vậy, đòi hỏi nhà quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương phải đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho người dân trong vùng để thích ứng trong bổi cảnh không gian sống đang bị đe dọa bởi thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Việc tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng cần thiết này không chỉ được thực hiện trong các chiến dịch, đợt, theo kiểu tình thế mà cần lâu dài, thường xuyên cả trong nhà trường và trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình. Có như vậy mới mong cuộc sống của hàng chục triệu người dân của vùng châu thổ Cửu Long rộng lớn ổn định và và phát triển bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên