Giao thông Hà Nội nhìn từ các tòa cao ốc

Nguyên nhân của tình trạng giao thông quá tải có từ hệ luỵ của các nhà cao ốc  

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lại “nóng” như hiện nay. Dư luận, nghị trường và cả tân Tư lệnh ngành giao thông - Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng dành rất nhiều thời gian, công sức tìm lời giải cho bài toán này.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân do các toà cao ốc mọc lên ồ ạt, nhưng xem ra thực tế này chưa được nhìn nhận một cách đúng mức.

Ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các cao ốc (Ảnh minh hoạ)

Hơn 200 mét đường, 5 tòa cao ốc

Gần 20 năm làm giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng chưa bao giờ Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến cảm thấy con đường đến với giảng đường mỗi sáng lại khó khăn đến thế. Bởi, chỉ mới đây thôi, đường Nguyễn Chí Thanh còn được biết đến như một trong những con đường thông thoáng nhất thành phố, nhưng nay, mọi chuyện đã khác.

Như nấm sau mưa, những tòa cao ốc, khu chung cư hàng chục tầng mọc lên áp sát mặt phố đã làm cho con đường quá tải. Vào giờ cao điểm như đầu buổi sáng, cuối buổi chiều tại các điểm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Chí Thanh và lối ra vào các tòa cao ốc, phương tiên giao thông luôn bị dồn nén cục bộ.

Chuyện người tham gia giao thông trên đường ưu tiên bị tranh giành đường tại ngõ của các tòa nhà xảy ra thường xuyên. Và tất nhiên, ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. “Có thể nói tình trạng giao thông tại con đường Nguyễn Chí Thanh chưa bao giờ như hiện nay, ùn tắc và ngột ngạt vô cùng, nhất lại tại lối ra vào của các tòa cao ốc giờ cao điểm” -  ông Nguyễn Quang Tuyến nói.

Nỗi bực dọc của ông Tiến sĩ là điều dễ hiểu, bởi theo khảo sát của chúng tôi, trên đoạn đường khoảng 200 mét từ ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành đến ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng có đến 5 tòa cao ốc, tòa cao nhất 31 tầng, tòa thấp nhất cũng đến 16 tầng và hầu hết trong số đó vừa mới được đưa vào sử dụng, có tòa đang trong quá trình xây dựng phần thô.

Những người dân sống quanh khu vực đường Nguyễn Chí Thanh cho rằng, chính sự xuất hiện của các tòa cao ốc lừng lững M3, M4, M5, tòa nhà số 71 đã làm đảo lộn tình trạng giao thông ở đây. Riêng tại tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - tòa nhà được coi là “khiêm tốn” về diện tích và chiều cao thì cũng lên đến 26 tầng với 200 căn hộ, đó là chưa kể đến một diện tích sàn lớn dùng cho thuê văn phòng, trung tâm giao dịch…

Bảng thống kê thu phí từ tòa nhà cho thấy, mỗi tháng có khoảng 130 xe ô tô, 1400 xe máy gửi cố định tại tòa nhà; còn xe ra vào tòa nhà, gửi theo lượt thì lên đến hàng trăm, có lúc hàng nghìn xe mỗi ngày. Con số ấy đủ nói lên áp lực giao thông “đè” lên đường Nguyễn Chí Thanh tại nơi tiếp giáp với lối ra vào của tòa nhà như thế nào!. Đó là chưa kể đến số lượng lớn xe taxi dừng đón trả khách thường xuyên tại đây.

Anh Nguyễn Văn Thành, một người đi đường cho biết: “Hiện nay không vào giờ cao điểm, như anh thấy, bây giờ là 10h, nhưng dòng người lưu thông không hiểu sao vẫn rất là đông. Phương tiện ra vào tòa nhà đã lấn át phần đường của người lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh”.

Cao ốc giữa phố hẹp

Một “điểm nóng” khác nữa ở Hà Nội về ùn tắc giao thông do tác động từ tòa cao ốc, khu chung cư trên địa bàn thành phố có thể kể tên tòa chung cư kết hợp văn phòng, siêu thị tại 93 phố Lò Đúc. Đây là tòa cao ốc liên hợp 27 tầng không một mét cây xanh, với gần 40.000 m2 cho chung cư, 7.600 m2 cho văn phòng và gần 4.000 m2 cho cửa hàng siêu thị. Thật khó có thể thống kê được bao nhiêu người, bao nhiêu ô tô xe máy ra vào tòa nhà mỗi giờ, chỉ biết rằng vì thiếu chỗ mà hàng ngày rất nhiều ô tô đã đỗ tràn ra đường, làm cho con phố Lò Đúc vốn đã hẹp nay lại càng chật chội hơn.

Chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên trên phố Lò Đúc, bà Nguyễn Ngọc Hân, người dân sống đối diện tòa nhà 93 tỏ ra khó hiểu “vì sao thành phố lại cho xây một tòa cao ốc giữa nơi phố phường chật hẹp?”. Bởi, từ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng, từ năm 2006 đến nay, chuyện tắc đường ở khu vực này xảy ra như cơm bữa: “Từ ngày có cái nhà cao 30 tầng này thì thường xuyên xảy ra, các đường xe ra, xe vào từ ở trong khu trung cư ra xe ô tô trèo lên tận cả vỉa hè, dân thì cứ cũng vượt lên vỉa hè từ bên kia có khi là sang bên này hoặc từ bên này sang bên kia nói chung là trèo lên vỉa hè đi nhất là buổi chiều đón các cháu ở trường mầm non đối diện” - Bà Nguyễn Ngọc Hân nói.

Thực tế đó, có thể thấy rằng, ngoài việc phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, đường phố nhỏ hẹp, thì nguyên nhân từ do sự mọc lên “chóng mặt” các tòa cao ốc giữa nội đô, đã góp phần “đẩy” tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố “nóng” như hiện nay. Đây là nguyên nhân đã được dự báo từ trước.

Vậy, tại sao các toà cao ốc vẫn mọc lên? Lãnh đạo thành phố Hà Nội, giới chuyên môn trong ngành xây dựng và giao thông nói gì? Đó là nội dung mà chúng tôi sẽ đề cập trong phần sau của phóng sự này./.

Kỳ 2: Vì sao các tòa cao ốc vẫn mọc lên

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên