Từ PISA: Nghĩ về trách nhiệm của nhân tài với đất nước

VOV.VN-Trong khi chính sách về thu hút nhân tài chưa có hiệu quả thì nhiều tài năng trẻ không ý thức được trách nhiệm với đất nước.

Từ trước đến nay, ngành giáo dục luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích, phê  phán từ phía dư luận xã hội như: đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, tình trạng dạy thêm- học thêm tràn lan, bệnh thành tích trong giáo dục và thi cử chưa chấm dứt…

Thế nhưng, mấy ngày gần đây, những người trong ngành giáo dục và dư luận xã hội lại bất ngờ trước kết qủa kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2012 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng kinh tế. Đặc biệt, kết quả PISA 2012 của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…

Việt Nam đang thiếu và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi kết quả vừa công bố, Bộ GD-ĐT khẳng định, kết quả của kỳ thi hoàn toàn chính xác, khách quan. Đây là lần đầu tiên, học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi do một tổ chức uy tín trên thế giới tổ chức và đạt kết quả cao như vậy. Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục của nước ta đã có những bước tiến. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu khung năng lực của OECD khi hội nhập quốc tế.

Trên các diễn đàn, website và mạng xã hội đã và đang có những luồng ý kiến khác nhau về khẳng định trên của Bộ GD-ĐT. Trong những ý kiến đóng góp cho rằng, với kết quả PISA như trên, ngành giáo dục không nên vui mừng quá sớm bởi thực tế, chất lượng toàn diện của nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một kỳ thi do một tổ chức có uy tín trên thế giới như OECD đánh giá. Dù kết quả lần đánh giá này được xem là khá cao nhưng chúng ta cũng có thể thụt lùi trong những kỳ thi tiếp theo nếu như không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục.

Dừng lại ở việc nhận định chất lượng giáo dục có tiến triển hay không, người viết bài này chỉ muốn cùng độc giả bàn luận xung quan vấn đề thu hút và phát huy nhân tài đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế để phục vụ cho phát triển đất nước.

Cơ chế, môi trường không giữ chân được người giỏi

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Việc coi trọng học hành, thi cử và bằng cấp đã “ăn sâu, bám rễ” vào trong tiềm thức của người dân từ bao đời nay. Chẳng thế mà việc đánh giá năng lực học tập của thí sinh, cơ sở giáo dục, thậm chí là  chất lượng giáo dục cũng đều thông qua những kỳ thi.

Từ xa xưa, những kỳ thi hương, thi hội, thi đình đã chọn lựa ra được những nhân trí sĩ, nhiều bậc hiền tài. Ngày nay, thông qua những kỳ thi quốc gia, quốc tế, người tài của nước ta vẫn luôn tỏa sáng. Điều đó đã được chứng minh bằng bảng thành tích huy chương của đội tuyển Việt Nam luôn đứng ở vị trí hàng đầu.

Thế nhưng, điều đáng nói là, phần lớn những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế đều tìm cách phấn đấu để có được suất học bổng đi du học nước ngoài. Học sinh nào có điều kiện kinh tế gia đình khá giả thì sau khi tốt nghiệp THPT, họ sẵn sàng sang nước ngoài du học.

Việc nâng cao trình độ và muốn khám phá mô hình học tập ở những nước có nền giáo dục tiên tiến là nhu cầu chính đáng của các bạn trẻ. Thế nhưng, vấn đề đáng quan tâm là đất nước có nhiều tài năng trẻ như Việt Nam lại không thể tận dụng và phát huy nguồn lực này phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nếu nói Việt Nam không cải thiện chính sách, chế độ đối với nhân tài là không chính xác. Bởi trong những năm gần đây, các địa phương đã rất chú trọng, tạo mọi điều kiện cho các các tài năng trẻ vào làm việc phù hợp với khả năng. Thậm chí, ngay cả những người giỏi không có hộ khẩu Hà Nội vẫn được ưu tiên nhận thẳng vào công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp có uy tín.

Mặt khác, có cơ quan ở Hà Nội còn ưu tiên xét tuyển tài năng trẻ đi học tại nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc với nhiều ưu đãi như: được hỗ trợ kinh phí trong thời gian đi học; được tạm ứng các khoản phí khi làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ nếu đi học ở nước ngoài...

Tuy nhiên, với các tài năng trẻ, dường như những chế độ ưu đãi trên chưa đủ sức thuyết phục họ. Lý do là vì ngay từ khi vẫn ngồi trên giảng đường ĐH hay trước khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, nhiều người giỏi đã được các tập đoàn, công ty liên doanh với nước ngoài mời chào trọng thị với mức lương hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và được làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, hiện đại…

Thế nhưng, động thái này của các cơ quan Nhà nước lại đến chậm hơn rất nhiều so với các tập đoàn, công ty nước ngoài ở trong nước và nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu bởi các cơ quan, đơn vị cần phải đợi cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế từ cấp trên “rót” xuống rồi mới “quyết” được.

Ngoài ra, nhiều người giỏi, thủ khoa tốt nghiệp ĐH, CĐ cho biết, các cơ quan hành chính ở một số nơi thường tuyển dụng nhân lực vào những ngành không phù hợp với ngành mà họ theo học, nên đã dẫn đến tình trạng “cung-cầu” không gặp nhau, cơ sở tuyển dụng và các thủ khoa không tìm được tiếng nói chung.

Những thực tế trên đang đặt ra câu hỏi là liệu các địa phương đưa ra chính sách sử dụng và thu hút nhân tài đã thực sự khoa học, đủ sức cạnh tranh hay chưa?

Người giỏi với trách nhiệm và lòng tự tôn dân tộc ở đâu?

Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra là, nhiều thủ khoa tốt nghiệp ĐH, CĐ đã không chọn đi làm ngay mà họ chọn con đường tiếp tục học lên bậc cao hơn hoặc sang nước ngoài học tập.

Theo quy định của các trường ĐH, Học viện, những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc sẽ được nhà trường tiếp nhận ngay để học lên thạc sĩ, tiến sĩ nên có khoảng 60 - 70% số thủ khoa tiếp tục nâng cao trình độ ở trong nước cũng như nước ngoài.

Cũng có một số người tài đã đồng ý làm việc ở các cơ quan Nhà nước nhưng được một thời gian thì cũng xin nghỉ, chuyển sang làm việc ở những nơi hấp dẫn hơn hoặc tìm kiếm cơ hội học tập ở nước khác.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, một cán bộ lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, mặc dù khi cử cán bộ đi học nước ngoài, Bộ cũng như các cơ quan, đơn vị đã yêu cầu người đó phải ký cam kết ràng buộc là sau khi học xong thì phải quay trở lại đất nước làm việc.

Thế nhưng, có rất nhiều người đã bằng mọi cách để xin được tiếp tục học tập và làm việc tại nước ngoài. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng hoàn lại số kinh phí mà cơ quan, doanh nghiệp cấp cho khi sang nước ngoài học tập. Nhiều người còn có tính toán rất kỹ khi làm việc ở nước ngoài và mang theo cả vợ (chồng), con cái sang ở bên đó luôn. Như vậy là, dù từng có được nhân tài nhưng các địa phương vẫn phải chấp nhận “thả” họ ra khi không thể... giữ nổi.

Thực tế trên đang là hồi chuông báo động đối với Việt Nam- một nước đang thiếu và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Một đất nước muốn phát triển và hội nhập nhanh chóng với thế giới là biết tận dụng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có câu nói rất ý nghĩa: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được trở nên vẻ vang hay không. Đó chính là nhờ một phần học tập của các cháu”. Lời kêu gọi tầng lớp trẻ tích cực học tập để cống hiến trí tuệ, sức lực xây dựng đất nước giàu mạnh và vươn xa hơn với bạn bè quốc tế đã trở thành bất hủ.

Vị thế quốc gia được đặt trên vai các bạn trẻ nên từ xưa đến nay, dân tộc ta luôn có truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài. Thời kỳ nào cũng “sản sinh” cho đất nước những nhân trí sĩ, các bậc hiền tài. Thế nhưng, để phát huy và sử dụng nhân tài cho phát triển đất nước xem ra hiện nay còn quá xa vời khi mà tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn chưa có hồi kết.

Có thể nói, cho đến nay, những chính sách thu hút nhân tài của nước ta chưa thực sự phát huy tác dụng so với nguồn nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tài năng trẻ. Nếu đổ hết nguyên nhân là do các chính sách của đất nước thì hoàn toàn không thuyết phục.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Liệu có phải các bạn trẻ hiện nay cũng đang vì lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cống hiến trí tuệ, đem tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới phục vụ đất nước?

Trong khi nền kinh tế của nước ta còn nghèo, đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp xây dựng đất nước giàu đẹp hơn thì một số tài năng trẻ lại thờ ơ hay vô tình không biết điều đó?

Và liệu rằng, trong chương trình giáo dục ở trường học có cần phải tăng cường giáo dục hơn nữa về lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với đất nước hay không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bình về kết quả xếp hạng học sinh
Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bình về kết quả xếp hạng học sinh

VOV.VN-“Không nên mừng quá về kết quả xếp hạng mà coi nhẹ việc giáo dục đại trà. Vì giáo dục đại trà ở Việt Nam đang kém các nước quá xa”.

Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bình về kết quả xếp hạng học sinh

Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bình về kết quả xếp hạng học sinh

VOV.VN-“Không nên mừng quá về kết quả xếp hạng mà coi nhẹ việc giáo dục đại trà. Vì giáo dục đại trà ở Việt Nam đang kém các nước quá xa”.

Bộ GD-ĐT nói về kết quả đánh giá học sinh của PISA
Bộ GD-ĐT nói về kết quả đánh giá học sinh của PISA

VOV.VN -Theo Bộ GD-ĐT, kết quả thực hiện của PISA phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy.

Bộ GD-ĐT nói về kết quả đánh giá học sinh của PISA

Bộ GD-ĐT nói về kết quả đánh giá học sinh của PISA

VOV.VN -Theo Bộ GD-ĐT, kết quả thực hiện của PISA phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy.

Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục
Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục

VOV.VN-Việt Nam - quốc gia tham dự PISA 2012, đã vượt lên ngoạn mục nằm trong danh sách các nước có kết quả thi đứng đầu thế giới.

Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục

Từ kết quả PISA, Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng giáo dục

VOV.VN-Việt Nam - quốc gia tham dự PISA 2012, đã vượt lên ngoạn mục nằm trong danh sách các nước có kết quả thi đứng đầu thế giới.