Tăng giá sách giáo khoa do lỗ?

Mức tăng vài chục nghìn đồng có thể là bình thường với những gia đình khá giả, nhưng sẽ là gánh nặng  với phần đông gia đình khó khăn

Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố giá sách giáo khoa năm 2011 với mức tăng trung bình là 16,9%. Trong bối cảnh mọi mặt hàng đều tăng giá mạnh, việc công bố tăng giá sách giáo khoa của NXB Giáo dục khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng.

Lỗ, vẫn chiết khấu cao?

Về nguyên nhân tăng giá sách giáo khoa (SGK), ông Nguyễn Minh Khang, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nêu: từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Đặc biệt, giá giấy nguyên liệu tăng tới 30%, chi phí vận chuyển cũng tăng gần gấp đôi. Các nhà in cũng đồng loạt gửi công văn tới NXB Giáo dục yêu cầu tăng giá công in. Vì vậy, NXB đã phải lập phương án điều chỉnh giá SGK rồi báo cáo Cục Quản lý giá xem xét, trình Bộ Tài chính phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý cho tăng giá.

Theo thẩm định của Cục Quản lý giá, năm 2010, doanh thu SGK của NXB Giáo dục là 522 tỉ đồng, lỗ 100 tỉ đồng. NXB đã phải lấy các nguồn thu tài chính khác để bù vào. Thế nhưng, nhắc tới doanh thu của NXB Giáo dục, dư luận vẫn coi đây là một doanh nghiệp có mức lợi nhuận khổng lồ. Và cho rằng, chính sự độc quyền trong in ấn và phát hành SGK của NXB Giáo dục đã dẫn tới việc giá SGK tăng.

Với tư cách là tác giả viết SGK, GS Văn Như Cương đã chỉ ra những bất hợp lý trong việc phân bổ chi phí ở tất cả các khâu. Ví dụ, chi phí cho phát hành lên tới 30% so với giá bìa nhưng tác giả sách thì tối đa chỉ nhận được 7%... Hơn nữa, tỉ lệ hoa hồng phát hành ở NXB Giáo dục mấy năm qua bình quân là 24% so với giá bìa, các nhà trường được nhận tỉ lệ này ít nhất là 10% đối với SGK và hơn 20% đối với sách tham khảo của NXB. Nếu lỗ thì sao có thể chiết khấu cao như vậy? Từ thực tế đó, GS Văn Như Cương chỉ ra, nếu giảm chi phí ở tất cả các khâu in, vận chuyển, phân phối... thì sẽ không nhất thiết phải tăng giá SGK. Nhiều ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ độc quyền in SGK, mở rộng đấu thầu việc in, phát hành.

Cần coi SGK là một trong những mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá (ảnh: Internet)

Không nên áp dụng mức tăng đồng loạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay trên thế giới, có một số nước, khi đã phổ cập giáo dục, SGK sẽ được phát miễn phí cho người học. Ở Việt Nam, nếu không làm được việc này thì cũng nên tính toán lại giá bán SGK phù hợp, tránh cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo phải chịu thêm gánh nặng. Lãnh đạo của một trường ở Hà Nội chia sẻ: “Vật giá leo thang, tăng giá các mặt hàng thiết yếu như đồ dùng học tập hay SGK sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Ngay trong trường học, giá lương thực tăng, điện, nước cũng tăng nhưng chúng tôi không dám tăng tiền ăn của sinh viên”. 

Bày tỏ lo ngại về việc tăng giá SGK trong bối cảnh hiện nay sẽ khiến học sinh nghèo bỏ học, các chuyên gia nêu rõ, phải có chiến lược về SGK, cần giữ mức giá ổn định trong vòng bao nhiêu năm. Nếu thực sự NXB lỗ ở một thời điểm nào đó thì Nhà nước cần có chính sách bù lỗ cho NXB để người dân không phải chịu thêm gánh nặng này. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước cần có một chiến lược về giá SGK, coi đây là một trong những mặt hàng thiết yếu cần được bình ổn giá. Trước tiên, nên xóa bỏ độc quyền in SGK. Nội dung sách vẫn do Bộ GD-ĐT quản lý, nhưng việc in có thể chuyển giao cho các địa phương”.

GS. Văn Như Cương đề xuất, không nên áp dụng một mức giá SGK tăng đồng loạt trên toàn quốc. Mức tăng vài chục nghìn đồng có thể là bình thường với những gia đình khá giả, nhưng với phần đông gia đình khó khăn, khoản tiền này sẽ là gánh nặng. Do vậy, đối với khu vực thành thị, có thể áp dụng một mức giá khác, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì giá bán thậm chí là nên giảm để đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần mở rộng hơn đối tượng được cấp phát SGK miễn phí, được mượn SGK để sử dụng so với hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên