Sốc vì nội dung giảng dạy đạo đức

Bố cục lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản nhưng vẫn được in và giảng dạy cho học sinh

"Tiên học lễ, hậu học văn" sao lại giải thích thế này hả mẹ?

Con gái (vừa vào lớp 10 trường THPT Đồng Hòa - Hải Phòng) đang cắm cúi chép bài đạo đức bỗng nhiên gọi mẹ để hỏi và đưa cuốn sách được trường bán và giảng dạy tại trường. Tôi cầm quyển sách và đọc. Đọc hết cuốn sách, tôi thật sự sốc vì nội dung của nó.

Cuốn sách gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và các cháu phải chép bài thu hoạch để thầy cô chấm điểm.

Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tất cả đều quy về tục ngữ. Tiêu đề mỗi bài giảng có lẽ chỉ phù hợp cho học sinh tiểu học.

Một trang trong cuốn Tập bài đạo đức dành cho học sinh THPT Đồng Hoà

Nhiều bài, tác giả còn trích dẫn những câu “Tục ngữ” để vận dụng chúng vào những tình huống đạo đức một cách lệch lạc.

Ngay bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng" tác giả đưa ra nội dung như sau: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được".

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng".

Bài "Trang phục khi ra đường": "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng".

Bài "Tình yêu": "Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng?!!!" và "Xã hội thời xa xưa trọng nam khinh nữ, người con gái không được học hành, phải lo việc nhà, việc đồng áng, lo dệt vải, thêu thùa may vá. Tuổi thọ của con người hồi ấy trung bình chỉ 40-45. Vì vậy thời xa xưa người ta lập gia đình rất sớm, nam cỡ 16 tuổi, nữ cỡ 13 tuổi. (Nữ thập tam, nam thập lục).

Tôi cứ băn khoăn mãi về nội dung dạy học cho học sinh THPT, trình độ của người viết và mục đích việc phát hành cuốn "sách"này. Tôi điện hỏi cô chủ nhiệm thì được cô trả lời: "Cứ cho cháu học thuộc đi, cháu phải học cả 3 năm học đấy, nội dung này được giảng dạy ở trường đã 8 năm rồi, không có gì phải bàn luận. Đây là đề tài thạc sỹ và là tâm huyết cả đời dạy học của cô hiệu trưởng"?!!!.

Tôi nghĩ, nội dung giảng dạy tại trường THPT thì phải là sách giáo khoa, tài liệu chính thức của Bộ GD&ĐT được qua kiểm duyệt. Sách phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nội dung phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, chứ đề tài thạc sỹ làm sao được giảng dạy! Nếu đây là đề tài thạc sỹ thì phải kiểm tra lại, bởi nội dung lệch lạc của nó. Vả lại, nếu muốn quảng bá đề tài, nhà trường sao lại in để bán cho học sinh với giá 20.000 đồng/cuốn như vậy?

Đọc hết cuốn "Tập bài đạo đức trên", tôi thực sự sốc và cảm thấy mình, con mình như bị sỉ nhục. Trường hết chương trình để dạy sao? Giảng dạy đạo đức cho học sinh THPT chẳng lẽ lại chỉ thế này?.

TS: Các bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Xin chia sẻ qua phản hồi dưới đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên