Phó Giáo sư 29 tuổi hiến kế cho Giáo dục

Để giáo dục tốt lên, cần phải: Tăng lương giáo viên, cải cách thi cử, soạn lại sách giáo khoa, thu hút người tài vào ngành và lắng nghe chuyên gia.

PGS Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi, giảng viên chuyên ngành Toán, (ĐH Sư phạm Hà Nội), là người trẻ tuổi nhất trong số các PGS vừa được phong hàm năm 2011 ở Việt Nam, chia sẻ cùng VOVOnline quan điểm của mình về nghề giáo, nhà giáo và hiến kế cho giáo dục Việt Nam.

PV: Ở Việt Nam, ai cũng biết câu “nghề giáo là nghề cao quý”, nhưng mấy năm gần đây, lượng học sinh đăng ký theo học ngành sư phạm ngày càng ít. Là người trong nghề giáo, lại ở bậc đào tạo ra các nhà giáo tương lai, theo PGS, tại sao có chuyện đó?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Theo tôi lượng học sinh đăng ký theo học ngành sư phạm ngày càng ít là do hiện nay xin việc trong ngành này khó mà lương thì thấp.

PGS Phạm Hoàng Hiệp

PV: Theo PGS, chữ “nghề cao quý” ở đây được hiểu như thế nào? Mỗi nhà giáo cần làm gì để thực sự xứng đáng được tôn vinh và nghề giáo giữ được chất cao quý như xã hội tôn vinh?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: “Nghề cao quý” ở đây, theo tôi, được hiểu là nghề truyền đạt lại kiến thức và cách sống nhân văn cho học sinh. Hiện nay, do lương giáo viên không đủ sống và những nhu cầu chạy theo vật chất mà nhiều giáo viên không còn giữ được phẩm chất nghề giáo.

Ngoài kiến thức, mỗi nhà giáo còn phải có sự kiên nhẫn, hiểu được học sinh của mình như thế nào để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Tôi từng biết có những thầy giáo ở cấp 2, cố gắng làm việc rất tâm huyết để đào tạo ra nhiều học sinh giỏi mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Sau này, trong số những học sinh đó thành đạt đã quay lại quan tâm tới người thầy đó rất nhiều. Theo tôi, học sinh nhớ lâu nhất ở một người thầy giáo đó là nhân cách.  

PV: PGS “bén duyên” Toán học từ khi nào và tại sao PGS lại chọn con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy để lập nghiệp?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Thực ra, mãi đến cuối năm lớp 9 tôi mới thực sự học Toán. Một lần, tôi đọc quyển sách về Số học mà bố tôi mua cho trước đó rất lâu. Sau khi đọc hết quyển sách, tôi thực sự cảm thấy Toán học rất thú vị. Từ đó, tôi ngày càng say mê với Toán học.

Tôi chọn con đường nghiên cứu và giảng dạy là vì tốt nghiệp đại học, tôi không thể dừng được niềm đam mê với Toán học. Và tôi nghĩ rằng, gắn bó với Trường ĐH Sư phạm, tôi vừa có thể nghiên cứu, vừa có thể giảng dạy.

PV: Sự khác nhau giữa môi trường học tập và nghiên cứu ở nước ta với những nước khác, bằng trải nghiệm bản thân, xin PGS đánh giá?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Tôi cộng tác giảng dạy và nghiên cứu với nhiều trường đại học ở nước ngoài, tôi thấy ở các nước đó các nhà khoa học có cơ hội đọc nhiều tài liệu và học hỏi giao lưu với nhiều nhà khoa học giỏi để mở mang kiến thức hơn.  

PV: Theo PGS, làm thầy ở Việt Nam khác gì so với những nước mà GS trải qua?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Ở nước ngoài họ có thể sống bằng lương và cuộc sống vật chất đầy đủ nên họ quan tâm tới học sinh hơn.

PV: Có không ít người cho rằng, muốn khuyến khích được học sinh hứng khởi theo học nghề sư phạm, giải pháp trước hết là phải tăng lương, nâng mức sống của giáo viên. PGS có đồng ý?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Tôi đồng ý. Chúng ta có thể tăng lương theo một mức phù hợp với tình hình của Việt Nam vì chúng ta không có điều kiện để tăng lương quá cao. Chúng ta cũng phải làm nhiều việc khác như: SGK cần thực tiễn, đơn giản, dễ hiểu, chế độ thi cử phù hợp, cũng như việc quản lý ở các cấp phổ thông cần phù hợp.

PV: Hẳn là trong những lúc đứng trên bục giảng, PGS cũng khơi lên niềm đam mê khoa học, tình yêu nghề giáo cho các thế hệ học trò của mình. Nhưng PGS đã bao giờ dạy các “thầy giáo tương lai” cần làm gì để nuôi ước mơ, giữ ước mơ ấy trong đời, đặc biệt là làm thầy ở Việt Nam ta?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Tôi luôn nói là chúng ta hãy sống hoà đồng, thân thiện và tập trung vào công việc sẽ tự nhiên thu được những thứ mà mình muốn. Tất nhiên tôi nghĩ sinh viên nhìn vào việc làm của người thầy hơn là lời nói.

PV: Khi biết thông tin về những giáo viên phải bỏ nghề vì quá nghèo, lương không đủ sống, PGS nghĩ gì?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Nhiều lần tôi đã nhìn những cảnh giáo viên rất khó khăn ở nhiều tỉnh (nhất là giáo viên cấp 1, cấp 2), trong lòng tôi cảm thấy rất thương cảm, nhưng tất nhiên tôi chưa bao giờ nói ra điều này với họ.

PGS Phạm Hoàng Hiệp (ngồi bên trái) cùng các đồng nghiệp

PV: Giả định PGS được quyền điều hành hệ thống giáo dục nước nhà, PGS sẽ làm gì trước tiên để cải thiện tình trạng “nghề cao quý” mà thế hệ trẻ không mặn mà đi theo?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Đây là một câu hỏi cần nhiều thời gian suy nghĩ vì đất nước còn quá nhiều khó khăn không riêng gì ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, cần làm một số việc như:

+ Tập trung những nhà khoa học giỏi và một số giáo viên phổ thông có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết để biên soạn lại sách giáo khoa sao cho nội dung thực tiễn, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

+ Cải cách lại chế độ thi cử. Cho thi tốt nghiệp ở cấp 2 và cấp 3 với đề thi thật dễ sao cho học sinh chịu khó học một chút là có thể đỗ trên 8, trong đó có một vài câu khá để phân loại học sinh giỏi. Đề thi phải thật dễ nhưng phải coi thi thật chặt để các em thấy rằng nếu chịu khó học có thể qua mà không cần gian lận. Chúng ta muốn các em có cách sống thật thà, không coi cóp thì phải mở một con đường cho các em có bằng PTTH để các em còn xin những việc làm đơn giản sau này. Nếu thấy trình độ mặt bằng chung tốt hơn thì nâng dần độ khó của đề thi lên cho phù hợp. Tổ chức thi Đại học với đề thi gắn với thực tiễn và không theo một dạng chung năm nào cũng như năm nào vì ĐH là nơi đào tạo nhân tài.

+ Đưa những người giỏi, đạo đức và có tâm huyết vào những vị trí lãnh đạo trong ngành.

+ Tăng lương ở một mức phù hợp với tình hình chung của Việt Nam.

+ Tham khảo những ý kiến của các nhà khoa học người Việt làm việc trong và ngoài nước. Lưu tâm đến những người đã có sáng kiến hay cho những lần tham khảo sau đó.

PV: Theo PGS, nghiên cứu khoa học nói chung, làm khoa học trong lĩnh vực sư phạm nói riêng có vai trò như thế nào cho sự phát triển đất nước?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Những ngành khoa học ứng dụng như Y học, Tin học, Kỹ thuật, Vật lý, Hoá học, Sinh học,... tất nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đất nước. Nhưng ngành giáo dục ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của đất nước thông qua chương trình giáo dục.

Đặc biệt, giáo dục ở các cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ảnh hưởng đến tư duy của tất cả mọi người trong xã hội. Nếu chúng ta làm cho chương trình Giáo dục trực quan, gắn với thực tiễn, dễ hiểu, đơn giản, khi đó mọi học sinh đều có tư duy tốt thì họ sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển. Tất nhiên để làm được điều này cần những nhà nghiên cứu khoa học giỏi quan tâm đến giáo dục. 

PV: Với tư cách là người thầy, xin PGS cắt nghĩa các chữ “Tài, Đức” trong thực tiễn nghề giáo và nhà giáo Việt Nam?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: “Tài, đức” trong nhà giáo là làm việc có trách nhiệm, cẩn thận, nghiêm túc và thương yêu học trò.

PV: Dư luận có những đánh giá về giáo dục Việt Nam như: đang xuống cấp, nhiều xáo trộn trong quan hệ thầy – trò, công cuộc chấn hưng giáo dục rối như tơ vò, lo lắng cho chất lượng giáo viên tương lai vì tuyển sinh đầu vào các ngành sư phạm đang xuống thấp (cả chất và lượng),... PGS nghĩ sao?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Tôi nghĩ là có hiện tượng này.

PV: Những yếu tố nào tạo nên sự thành công của PGS như hiện nay? PGS có bí quyết gì để cân bằng giữa gia đình và tình yêu khoa học?

PGS Phạm Hoàng Hiệp: Tôi may mắn vì cả bố mẹ và vợ tôi đều hiểu và tạo điều kiện cho tôi làm việc nghiên cứu khoa học theo niềm đam mê của mình.

Bên cạnh đó, tôi là người có nhiều may mắn trong học tập và nghiên cứu khoa học. Lúc học ở khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi được sự quan tâm và học tập với nhiều giáo sư ở khoa Toán như GS Nguyễn Văn Khuê, GS Lê Mậu Hải... Sau đó tôi có cơ hội làm việc với các GS. Urban Cegrell ở ĐH Umea, Thụy Điển, GS. Ahmed Zeriahi và GS. Vicent Guedj, ĐH Toulouse, Pháp. Hiện nay tôi đang làm việc nghiên cứu với GS. Jean-Pierre Demailly, một người có tầm hiểu biết rộng và là một nhà sư phạm tuyệt vời, tại Viện Fourier, ĐH Grenoble, nước Pháp.

Bí quyết để tôi cân bằng giữa gia đình và khoa học là luôn quên mình là nhà Toán học trong những lúc giao lưu với người khác.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc PGS cùng gia đình mạnh khoẻ và nhiều thành công hơn nữa!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên