Mở ngành học, tăng chỉ tiêu và giảm bạo lực

Mở mã ngành, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2011 và giảm bạo lực trong học sinh là những vấn đề thời sự GD được dư luận quan tâm thời gian qua.

Đây là những công việc bình thường trong quản lý nhà nước và điều hành các công việc cụ thể trong lĩnh vực GD. Tuy nhiên, xem xét cụ thể, chi tiết từng việc thấy nổi lên một số vấn đề sau.

Tiếp thu ý kiến dư luận và đề xuất của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT đã cải tiến khâu giao chỉ tiêu tuyển sinh nhằm ngăn chặn tình trạng xin – cho, tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Do đó, từ cách đây vài năm, các trường tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cũng như mở mã ngành dựa trên những tiêu chí mà Bộ đã đưa ra, sau đó Bộ sẽ duyệt mức chỉ tiêu đề xuất của các trường. 

Chưa có con số cuối cùng nhưng thông tin cho thấy xu hướng chung của các trường là xin tăng thêm chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm tới và có một số trường xin mở mã ngành.

Câu hỏi đặt ra là, trong mùa tuyển sinh 2010, mặc dù Bộ GD-ĐT đã gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập, song cái “phao” gia hạn ấy vẫn không thể cứu giúp các trường khỏi tình trạng thiếu sinh viên.  Nguy  cơ một số ngành học bị xoá bỏ là có thực khi số lượng sinh viên theo học không đủ. Vậy trong bối cảnh đó, tại sao hầu hết các trường đều muốn tăng chỉ tiêu, một số còn mở thêm mã ngành đào tạo?.

Qua trao đổi, một số trường ĐH, CĐ công lập cho biết, mặc dù kinh phí cho trường phụ thuộc vào số sinh viên nhưng họ không quan tâm lắm, bởi với kinh phí trên đầu sinh viên như hiện nay, nhiều trường còn bị lạm chi trong quá trình đào tạo. Vậy phải chăng việc muốn thêm chỉ tiêu như một phong trào,  xin cứ xin, còn có cho hay không là việc của Bộ?.

Trên thực tế, nếu Bộ duyệt cho phép tăng chỉ tiêu như đề xuất trường sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút sự quan tâm của thí sinh khi nộp hồ sơ trong mùa tuyển sinh tới. Bởi khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hầu hết thí sinh vẫn căn cứ vào chỉ tiêu của trường để lượng sức mình.

Chỉ tiêu tuyển sinh- mở mã ngành và đào tạo tại chức có mối liên hệ qua lại. Cách đây 4 năm, trên diễn đàn Quốc hội, với cương vị Bộ trưởng Bộ GD –DT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, đào tạo tại chức là “nồi cơm của các trường”. Cho đến nay, nhiều trường vẫn phải trông vào “nồi cơm” ấy. Tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với tăng chỉ tiêu tại chức, tất nhiên khi mở hệ tại chức thì có tỷ lệ và một số điều kiện nhất định.

Mở mã ngành cũng liên quan đến “nồi cơm” của các trường. Theo quy định, ngành phải đào tạo chính quy ít nhất 3 năm mới được mở hệ tại chức. Vậy thì rõ ràng các trường đã có những tính toán dài hơi để sau 3 năm, kịp thời hút được một lượng lớn sinh viên tại chức trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển như hiện nay.

Bởi thế, chất lượng giáo dục còn là bài toán khó giải cho giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, sự xuất hiện mới của nhiều trường ĐH cùng với chỉ tiêu mỗi năm một tăng sẽ gây khó cho việc giải quyết sự hài hoà, hợp lý giữa đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu, hàn lâm.  

Một vấn đề thời sự nữa vừa diễn ra là Bộ GD-ĐT có công văn về phòng chống học sinh đánh nhau. Công văn này yêu cầu cơ sở GD làm nhiều việc, nhưng trong đó có nội dung nổi bật là “chủ động làm việc với cơ quan công an, hội cha mẹ học sinh, đoàn TNCS HCM, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, hội khuyến học, hội cựu giáo chức... ở địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau mang tính bạo lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.

Những “kế hoạch”, “giải pháp” mà Bộ gợi ý cho các trường thực hiện là cần thiết. Nhưng liều thuốc đấy may ra trị được chứng chứ khó mà trị khỏi bệnh. Một nền GD thực sự nhân văn và vì học sinh sẽ là cái căn cốt để xây dựng trong học sinh lòng nhân ái, hướng tới cái thiện, rời xa cái ác; yêu mến hoà bình, tránh xa bạo lực; muốn đối thoại thay cho đối đầu…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên