Hòa Bình: 70% học sinh không mặn mà với đại học, cao đẳng

VOV.VN -Xu hướng học sinh thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp phản ánh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh đã bước đầu có hiệu quả.

Theo khảo sát sơ bộ của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, các địa phương có tỉ lệ thí sinh đăng ký thi chỉ nhằm xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng tăng khá cao so với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.

Xu hướng này phản ánh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở bậc THPT đã bước đầu có hiệu quả, học sinh đã biết tự lượng được sức học và hoàn cảnh gia đình của mình để chọn ngành, chọn bậc đào tạo. Quan trọng hơn là quan niệm, nhận thức của một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh đã thay đổi, không còn quan niệm nhất thiết phải vào đại học mới có công việc tốt sau này.

“Đi làm may, không thi đại học”

Chỉ còn hơn hai tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, nhưng khác hẳn với năm ngoái, năm nay nhiều học sinh ở Trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đón chờ kỳ thi đến với tâm trạng khá thoải mái.

Học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình học ôn chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016

Nhiều em xác định mục tiêu đi thi chỉ xét tốt nghiệp với 4 môn thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn phù hợp với năng lực của bản thân. Năm nay, toàn trường THPT Ngô Quyền có 92 học sinh khối lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi THPT Quốc gia, trong đó có tới 87 học sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp, còn lại 15 học sinh đăng ký vừa xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp.

Hà Thị Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình cho biết: “Năm nay em dự thi tốt nghiệp. Dự kiến thi xong, em sẽ đi học nghề may mặc, vì thế em chỉ thi xét tốt nghiệp chứ không thi xét đại học. Em chọn nghề theo đúng sở thích và đúng năng lực của mình. Em không chọn nghề mà không phù hợp với mình ra sẽ không làm được nghề đó, sẽ khó xin việc. Em chọn nghề một phần do thầy cô tư vấn hướng nghiệp, một phần là do sở thích của em không liên quan học đại học”.

Cũng giống như Ngọc Quỳnh, Cấn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Cường, huyện Kỳ Sơn cho biết: Nhờ các thầy giáo, cô giáo hướng nghiệp và tuyên truyền nên bản thân em đã suy nghĩ kỹ về học lực, hoàn cảnh gia đình mình nên quyết định chọn thi tốt nghiệp rồi sẽ đi học nghề phù hợp, không nhất thiết phải vào đại học mới thành công.

Đây là hai trong số hàng nghìn học sinh lớp 12 đang học ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có cùng suy nghĩ và quyết định lựa chọn thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình về số lượng học sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại 38 trường THPT và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên cho thấy, năm nay toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.100 thí sinh dự thi, trong đó có tới trên 5.600 thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 70%, tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Số còn lại đăng ký thi vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tỷ lệ thí sinh chọn đăng ký thi xét tốt nghiệp cao nhất là ở các trung tâm giáo dục thường xuyên từ 87% - 100%, tiếp đến là các trường ở ven thành phố, vùng sâu vùng xa như THPT Ngô Quyền có tới 83,5%, THPT Phú Cường 93%, THPT Yên Hòa, huyện Đà Bắc 97,4%... Do quá trình đào tạo, các trường hiểu rõ được học lực của học sinh nên chủ động hướng nghiệp cho các em chọn trường nghề sau khi tốt nghiệp.

Làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng

Bà Nguyễn Thị Hải Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình cho biết: “Do đầu vào rất thấp, học sinh điều kiện gia đình khó khăn, do đó định hướng của chúng tôi cho các em chủ yếu là học nghề. Thứ nhất là thời gian học của các em ngắn. Thứ hai là các em có thu nhập sớm hơn việc thi vào đại học. Học sinh của chúng tôi để thi đại học vào trường tốp cao là rất khó. Do đó, các em đã nắm bắt từ năm lớp 10 khi tốt nghiệp đi làm và có thể đi học ở cao đẳng, trung cấp nghề, những trường chỉ xét học bạ thôi”.

Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền tổ chức hướng nghiệp cho học sinh

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, việc thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp ở Hòa Bình tăng so với năm 2015 do các trường THPT đã làm tốt chỉ đạo của Sở trong công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Các trường THPT cũng chủ động phối hợp với các trường dạy nghề, mời nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động về trực tiếp tư vấn và đặt hàng lao động. Cùng với đó là phụ huynh và học sinh đã nhìn từ thực tế việc hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư đại học thất nghiệp nên quan niệm về chọn trường, chọn ngành đã có nhiều thay đổi, đó là học các nghề theo nhu cầu thị trường lao động của địa phương.

Ông Nguyễn Quang Vinh phân tích: “Đối với tỉnh miền núi, với hơn 30% học sinh tham dự vào các cụm thi đại học đều là học sinh tương đối khá. Các em dự thi cụm thi đại học không phải là để thi cho biết mà các em hiểu là mình đủ năng lực để có thể cạnh tranh được với các bạn ở tỉnh khác, còn những bạn thấy mình nên học nghề tham gia sản xuất thì không quá ảo tưởng về khả năng của mình.

Theo tôi là điều đáng mừng. Bởi vì không phải tất cả mọi người sinh ra để đi học đại học. Tôi nghĩ học sinh và phụ huynh đã hiểu rõ vấn đề, đã tiếp cận được thông tin và định hướng đúng cho con học nghề về tham gia sản xuất lao động địa phương. Tôi nghĩ cái đó còn tốt hơn việc học đại học sau đó không có việc làm. 4 năm sau lại phải bắt đầu lại từ đầu”.

Theo kết quả khảo sát của nhiều địa phương khác, năm nay, không chỉ riêng Hòa Bình có tỷ lệ thí sinh dự kiến đăng ký dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp tăng cao, mà nhiều địa phương khác như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang..., đặc biệt là một số tỉnh có truyền thống hiếu học như Nghệ An, Ninh Bình cũng diễn ra tương tự.

Theo các chuyên gia giáo dục, có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này, nhưng dù là lý do nào thì đây cũng là điều đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của học sinh và phụ huynh về chọn ngành, nghề và xu hướng việc làm đã có sự thay đổi tích cực, đó là chọn ngành, chọn nghề gắn với nhu cầu việc làm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực
Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực

VOV.VN -Trung bình 1 người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là SGK, 1,2 cuốn là sách khác. Con số này thua xa các nước trong khu vực.

Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực

Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực

VOV.VN -Trung bình 1 người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là SGK, 1,2 cuốn là sách khác. Con số này thua xa các nước trong khu vực.

Ngày hội STEM-Khám phá Cỗ máy thời gian
Ngày hội STEM-Khám phá Cỗ máy thời gian

VOV.VN - Năm nay, ngày hội STEM được tổ chức với chủ đề “Cỗ máy thời gian”, với các phần thực hành đưa các em học sinh từ quá khứ đến tương lai.

Ngày hội STEM-Khám phá Cỗ máy thời gian

Ngày hội STEM-Khám phá Cỗ máy thời gian

VOV.VN - Năm nay, ngày hội STEM được tổ chức với chủ đề “Cỗ máy thời gian”, với các phần thực hành đưa các em học sinh từ quá khứ đến tương lai.

Khổ vô cùng vì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi!
Khổ vô cùng vì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi!

VOV.VN - Không nên bắt ép giáo viên, không nên giao chỉ tiêu cho các trường mỗi trường cử 2- 3 giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi

Khổ vô cùng vì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi!

Khổ vô cùng vì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi!

VOV.VN - Không nên bắt ép giáo viên, không nên giao chỉ tiêu cho các trường mỗi trường cử 2- 3 giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi