Đắk Nông làm rõ việc khiếu kiện về cưỡng chế giải tỏa đất rừng

Thời gian qua, người dân liên tục khiếu kiện đông người về việc cưỡng chế giải tỏa đất rừng tại địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, hồi tháng 4/2011.

Ngày 26/4, Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo, cung cấp các thông tin liên quan. Theo đó, vào tháng 3, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông đã tập trung lực lượng, cưỡng chế giải tỏa các đối tượng phá rừng, lấn chiếm sử dụng đất rừng trái phép trên diện tích 750ha, ở xã Đắk Ngo, huyện Tu Đức. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số gần 3.500ha rừng bị phá, xâm chiếm trong vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước.

Trước đó 1 năm, lực lượng kiểm lâm đã lập hàng trăm biên bản kiểm tra, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu các đối tượng tự tháo dỡ vật kiến trúc, thu hoạch hoa màu trên đất lấn chiếm, giao trả số diện tích này cho Nhà nước để trồng lại rừng. Cơ quan chức năng cũng xác định 739 đối tượng từ các tỉnh khác đến Đắk Ngo cư trú trái phép để phá rừng, lấn chiếm mua bán đất rừng trái pháp luật.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Nông, khẳng định: “Qua 1 năm thông báo và niêm yết về các vụ lấn chiếm, sử dụng đất rừng tại xã Đắk Ngo, phương án giải tỏa đã chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, việc cưỡng chế giải tỏa là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để lập lại kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý dân cư"

Theo ông Duyên, nếu không cương quyết cưỡng chế giải tỏa diện tích rừng sẽ tiếp tục bị suy giảm và ngày khó khăn trong việc quản lý bảo vệ, và tình hình mất an ninh trật tự nông thôn ngày càng phức tạp. Hiện nay, Công ty lâm nghiệp Quảng Tín đã tổ chức trồng lại được 530ha rừng trên toàn bộ diện tích đã thu hồi.

Suốt 1 năm qua, người dân ở vùng này liên tục tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp, yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông phải bồi thường số hoa màu đã bị phá bỏ, giao lại đất rừng cho họ sản xuất.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo huyện Tuy Đức và xã Đắk Ngo đều khẳng định, phần lớn số dân này không khai báo tạm trú hay đăng ký hộ khẩu ở địa phương. Việc khiếu kiện có cả những đối tượng không có quyền lợi liên quan, cố tình xúi giục gây rối, và những đối tượng lo sợ sẽ bị cưỡng chế giải tỏa tiếp theo.

Lãnh đạo ngành chức năng cũng thừa nhận, hệ thống chính quyền cơ sở quá yếu, không quản lý được dân cư, đất đai, đơn vị chủ rừng không bảo vệ được rừng, việc liên doanh liên kết thực hiện các dự án nông lâm nghiệp không hiệu quả. Một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương cưỡng chế giải tỏa của tỉnh gây mâu thuẫn tranh chấp đất với dân… cũng là nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất và khiếu kiện thêm phức tạp.

Giải quyết tình trạng này, lãnh đạo huyện Tuy Đức đã hàng chục lần đối thoại trực tiếp với người dân tại các xã Đắk Ngo, Đắk RTích, và Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Đồng thời, huyện đã xây dựng 3 dự án ổn định dân cư trong vùng.

UBND tỉnh Đắc Nông cũng đã yêu cầu chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Quảng Tín thanh lý hợp đồng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo thanh tra làm rõ các sai phạm của đơn vị này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên