Chuyện ông lão kiếm sống bằng con giống làm từ rác

VOV.VN -Ông Thêm hàng ngày vẫn âm thầm nhặt rác ni lông, tạo nên những con giống ngộ nghĩnh, để bán cho khách, từ chính rác thải.

Mỗi ngày, đi dọc đường Thanh Niên (Hà Nội), đến gốc cây phượng số 11, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc: một ông cụ làm nghề bơm, vá xe máy, xe đạp bên đường. Lúc rảnh rỗi, cụ lại cặm cụi ngồi đan những con giống với nhiều hình thù, màu sắc.

Đó là ông Lê Văn Thêm (1953), nay đang cư ngụ tại phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Thời trai trẻ, ông Thêm là một sinh viên ưu tú của trường đại học Bách Khoa. Nhưng sau này, vì nhiều lý do, ông Thêm nghỉ học ra ngoài mở cửa hàng sửa chữa điện tử.

Dù trời nắng hay mưa, ông Lê Văn Thêm vẫn vác đồ nghề ra góc đường Thanh Niên quen thuộc kiếm cơm

Năm 2000, mắt kém đi, ông Thêm chuyển sang bơm vá xe đạp. Năm 2008, nhận thấy những bao ni lông bị nhiều người đi đường vứt bỏ bừa bãi, ông đã cặm cụi đi nhặt, nghĩ cách biến nó thành thứ có hữu ích.

Ông Thêm cho biết: “Bao ni lông là một dạng rác thải rất khó phân hủy. Gia đình tôi trước kia có nghề truyền thống là mây tre đan lát. Tôi đã dựa vào đó để sáng tạo thêm, tạo nên những con giống ni lông như hiện nay”. Được biết, ông Thêm là người độc nhất ở Việt Nam tạo ra con giống từ rác thải ni lông như vậy.

Để hoàn thành một con giống từ túi ni lông, ông cho biết phải mất từ 2 đến 3 ngày. Đầu tiên, những bao ni lông được rửa sạch, phân loại theo độ dày, mỏng, theo màu sắc. Sau đó, bao ni lông được cắt thành những dải ni lông. Dải ni lông này được vặn xoắn lại, dùng đôi tay trần xe dải ni lông cho đến khi thành những sợi cước nhỏ. Công đoạn xe ni lông mất một ngày. Sau khi xe, ông đan những sợi ni lông nhỏ ấy vào với nhau để tạo hình, từ cơ thể con giống đến những tiểu tiết như mắt, mũi, miệng, sừng...

Công việc đan con giống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và óc sáng tạo nghệ thuật

“Ban đầu khách hàng tò mò không biết những con giống này được tạo nên từ đâu. Sau khi biết tôi làm từ rác thải ni lông, nhiều người tỏ ra khá thích thú”- ông Thêm nói. Mỗi con giống như vậy có giá từ khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn đồng. Cộng thêm nghề sửa chữa xe đạp, mỗi tháng, thu nhập của ông Thêm là vài ba triệu đồng.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông đang mang bệnh trong người, hàng tháng phải đi chạy thận ở viện cộng với những di chứng của viêm gan rồi hen suyễn, phải uống thuốc hàng ngày. Ông Thêm năm nay đã 60 tuổi, không nhà cửa, gia đình, vợ con. Hiện ông đang cư ngụ nhờ ở nhà người họ hàng. Ông tâm sự, sự giúp đỡ họ hàng là điều đáng quý, nhưng cũng không nên lợi dụng lòng tốt của người ta. Bởi thế, tuy năm nay tuổi đã cao, sức đã yếu, dù trời nắng hay mưa, ông vẫn vác đồ nghề ra ngồi kiếm cơm ở góc đường Thanh Niên quen thuộc.

Ông Thêm trăn trở: “Tôi muốn phát triển nghề này. Cũng có vài người đến xin học nghề chỗ tôi nhưng rồi lại bỏ cuộc, mặc dù họ cũng rất khéo tay. Cái khó của nghề chính là lúc tạo hình con vật. Nếu không có óc thẩm mỹ, sự sáng tạo nghệ thuật thì không thể làm được. Ngoài ra, nghề làm con giống cũng yêu cầu tính cách tỉ mỉ, cẩn thận của người làm. Tôi hy vọng, sẽ có một xưởng làm đồ thủ công để có thể nhân rộng, phát triển hơn nữa được nghề làm con giống này”.

Hai bàn tay của ông đã chai sạn đi, và đầy những vết xước ngang dọc vì xe sợi quá nhiều

 “Tôi đang nghiên cứu, tạo hình những thứ lớn hơn như làm cây cảnh, làm bình hoa… Làm đồ càng lớn, càng tiêu thụ được nhiều bao ni lông, càng giữ cho môi trường sạch. Tiếp đó, tôi sẽ làm thêm máy xe sợi ni lông để hai bàn tay đỡ đau mỏi”- ông Thêm cho biết. Lúc này, tôi mới để ý thấy, hai bàn tay của ông cụ đã chai sạn đi, và đầy những vết xước ngang dọc vì xe sợi quá nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên