Choáng vì nước biển xâm thực

Bãi tắm phục vụ khách du lịch mới ngày nào còn đưa về cho huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) một nguồn thu đáng kể nay đã trở thành bãi cát hoang vu với nham nhở bê tông, gạch đá và những cồn đất do nước biển xâm thực.  

Cả một dãy nhà hàng kiên cố của người dân và hệ thống đường bê tông chạy dọc bờ biển, phục vụ khách du lịch của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) mới được quy hoạch xây dựng hơn 1 năm, nay đã trở thành đống gạch vụn, hoang tàn.

Đó là hệ quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu do trái đất nóng lên làm nước biển dâng cao, xâm thực vào đất liền với tốc độ chóng mặt.

Mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ ven biển Lộc Hà bị tê liệt hoàn toàn. Chỉ trong vòng 1 năm, anh Nguyễn Xuân Tuấn, chủ một nhà hàng cỡ lớn ở bãi biển Thạch Bằng đã  trở thành người trắng tay. Cả gia đình anh phải dồn vào ở một góc nhà may mắn chưa bị nước biển "lấy" đi.

“Khi huyện Lộc Hà được thành lập và có chủ trương đưa bãi biển Thạch Bằng trở thành điểm du lịch, gia đình tôi được huyện cấp 300m2 đất, đầu tư xây dựng nhà hàng kinh doanh ăn uống, vốn đầu tư cho cơ sở vật chất lên tới 500 triệu đồng. Vậy mà giờ nó chỉ còn là đống gạch vụn” - anh Tuấn buồn rầu cho biết.

Theo anh Tuấn, năm 2006, ngay cả lúc thủy triều lên cao, nhà hàng còn cách biển khoảng 500m, không thể ngờ rằng trong 3 năm, nước biển lại có thể dâng lên và xóa sạch “cơ ngơi” của gia đình. Bây giờ, hai vợ chồng coi như đã hết đường mưu sinh. Huyện có chủ trương cấp lại đất cho các hộ kinh doanh ở lô phía sau, nhưng không ai dám đầu tư xây dựng nữa. Với tốc độ xâm thực như hiện nay, càng đầu tư càng thêm nợ mà không biết nước biển sẽ “lấy” đi lúc nào...

Không chỉ những ông chủ nhà hàng đau đớn nhìn tài sản của mình “đội nón ra đi”, những người dân mưu sinh bám biển, bám ruộng cũng chịu chung cảnh ngộ. Nghề khai thác thủy sản của ngư dân ngày càng khó khăn do nước biển và khí hậu nóng lên, các luồng cá cũng theo đó mà ra xa bờ hơn trong khi bà con không đủ năng lực để đánh bắt xa bờ.

Ngồi bên mấy tấm lưới rách tả tơi, anh Nguyễn Văn Sinh, ở xóm 1, xã Thạch Bằng cho biết: “Nhà tôi có 4 khẩu với 6 sào ruộng, mỗi năm thu về ít nhất cũng được 506 triệu đồng. Nhưng từ năm 2007 đến nay, do đất nhiễm mặn, năng suất giảm đi hơn một nửa, thậm chí có vụ mất trắng”. Để mưu sinh, giờ anh phải bám biển nhưng cũng chỉ “bữa đực, bữa cái”, không thể đủ sống. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cả gia đình phải nhận thêm công việc vá lưới thuê kiếm thêm thu nhập. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Hằng năm, sau mùa mưa bão, tuyến bờ biển dài 29,5km của huyện đều bị xâm thực nặng, đặc biệt là hai xã Thạch Kim, Thạch Bằng. Cơn bão số 9 vừa qua, bờ biển hai xã này đã bị nước biển lấn sâu vào đến hơn 50m. Nước biển dâng cao còn làm nhiễm mặn 25ha đất sản xuất nông nghiệp, khiến bà con không thể canh tác được. Bên cạnh sự xâm lấn của nước biển, luồng lạch Cửa Sót cũng bị bồi đắp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tàu thuyền đi lại và năng suất đánh bắt của bà con”.

Theo ông Dương, trước tình trạng trên, huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm xây dựng đê chắn sóng biển, ổn định đời sống cho bà con sinh sống làm ăn ven biển. “Nếu không khẩn trương xây dựng đê chắn sóng cho hai xã Thạch Kim và Thạch Bằng thì chẳng mấy nữa, ngay UBND huyện Lộc Hà cũng chính là bờ biển” - ông Dương cảnh báo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên