Chợ Việt Trì, Phú Thọ: Hàng loạt tiểu thương khiếu nại

Gần một tháng nay, 700 hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm thành phố Việt Trì (Phú Thọ) rất bức xúc bởi thông báo “Hoàn trả tiền đóng góp xây dựng chợ”

Theo đó, thông báo của UBND thành phố Việt Trì do Chủ tịch UBND TP. Việt Trì Nguyễn Quốc Liên ký gửi đến các hộ có đóng góp tiền xây dựng chợ từ năm 1992 đến Ban quản lý chợ để nhận lại toàn bộ tiền gốc và lãi (tính theo lãi suất tiền vay ngân hàng thời hạn 12 tháng). Đây là quyết định đi ngược lại quyền lợi của người dân, vì trên thực tế, các hộ kinh doanh ở chợ đã mua những ô quầy này và có quyền sử dụng không thời hạn.

700 hộ kinh doanh mất chỗ mưu sinh

Đến chợ Trung tâm TP. Việt Trì những ngày này, không còn thấy cảnh buôn bán tấp nập như những tháng trước đây. Người mua hàng ít mà người bán hàng cũng không còn tâm trí để kinh doanh bởi chỗ mưu sinh để nuôi sống gia đình họ gần 20 năm nay sắp mất.

Trên khuôn mặt của mỗi tiểu thương không giấu nổi sự buồn lo. Không lo sao được khi chỗ mưu sinh của mình có nguy cơ mất không bởi thông báo số 346 của UBND thành phố Việt Trì về việc thu hồi chỗ kinh doanh của các tiểu thương. Theo thông báo này thì thành phố sẽ hoàn trả tiền đóng góp xây dựng chợ Trung tâm Việt Trì. Theo đó, UBND thành phố Việt Trì sẽ trả cả gốc lẫn lãi khoản tiền mà các hộ kinh doanh trước đây đã đóng để xây dựng chợ.

Trên thực tế, người dân không cho thành phố vay tiền để xây dựng chợ. Bởi vì, họ đã mua quầy sạp, kios bán hàng gần 20 năm nay với đầy đủ các giấy tờ hợp pháp như phiếu thu tiền sạp hàng, biên lai thu lệ phí trước bạ nhà đất.

Bà Đặng Thị Mạnh, đại diện cho các hộ kinh doanh trên tầng 2 chợ Trung tâm Việt Trì cho rằng, thông báo trên của UBND thành phố Việt Trì rất vô lý và mâu thuẫn với quy định 103 của UBND thành phố Việt Trì năm 1992. Bởi lẽ, công trình chợ Trung tâm được tạo lập bằng vốn Nhà nước và vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, trên cơ sở dự toán và quyết toán vốn đầu tư đã được hoàn vốn ngay từ khi đi vào hoạt động. Giữa các hộ kinh doanh chưa bao giờ có một hợp đồng tín dụng vay và cho vay, không có căn cứ của phương thức cho vay, mức lãi suất, thời hạn thanh toán… thì làm gì có căn cứ nào để chính quyền thành phố Việt Trì thông báo “trả lãi suất”.

“Dân chúng tôi quá bức xúc, vì tất cả chúng tôi phải thế chấp quầy hàng để vay ngân hàng kinh doanh, mà bây giờ các anh ấy lại bảo thu rồi trả lãi ngân hàng. Chúng tôi có vay chợ đâu mà thành phố trả lãi. Đây là quầy chúng tôi đã mua đứt rồi. Bây giờ chúng tôi không biết phải làm sao”,  bà Mạnh nói.

Nỗi lo mất chỗ mưu sinh của các tiểu thương chợ Trung tâm

Bà Nguyễn Thị Xuân - chủ một sạp vải ở chợ Việt Trì cho biết, bà mua sạp hàng số 16 trị giá 500.000 đồng từ năm 1992, với hình thức mua đứt, bán đoạn. Trong phiếu thu nộp tiền ghi rõ “mua sạp hàng” và thu với mức 500.000 đồng một ô. Khi chuyển nhượng thì có phiếu trước bạ nhà đất và được Nhà nước công nhận như một bất động sản. Hiện tại giá chuyển nhượng sạp hàng này khoảng 120 triệu đồng, nếu tính theo mức lãi suất thông báo của UBND thành phố Việt Trì thì gia đình bà chỉ được chưa đến 2 triệu đồng.

Bà Xuân bày tỏ: “Nếu như chuyển chợ, phục vụ công trình của Nhà nước thì chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, không ai chống đối. Chúng tôi chỉ yêu cầu lãnh đạo thành phố thỏa thuận với dân. Thành phố đã bán quầy cho chúng tôi rồi, lúc đó có giá trị là 7 cây vàng, nếu thành phố thu của chúng tôi thì cũng phải đền bù cho chúng tôi một khoản tương đương như thế để chúng tôi lấy số tiền này kinh doanh ở chỗ mới...”.

Cũng theo bà Xuân, theo quy định của pháp luật, các hộ kinh doanh có quyền về tài sản, định đoạt, có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với khối tài sản là chợ Trung tâm. Nhưng khi thành phố ra thông báo hoàn trả tiền góp vốn xây dựng chợ Trung tâm Việt Trì từ năm 1992 là trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, năm 1992, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thành phố, UBND thành phố Việt Trì quyết định xây dựng chợ Trung tâm thành phố để chào mừng sự kiện này. Do khó khăn về nguồn vốn nên UBND thành phố Việt Trì có chủ trương huy động vốn trong dân bằng phương thức bán chỗ ngồi theo giá của thời điểm bán. Ngày 6/3/1992, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 103 về “Việc huy động vốn xây dựng chợ Trung tâm”, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của người mua kios và chỗ ngồi quy định rõ: Các hộ mua kios, chỗ ngồi trong và ngoài chợ được cố định vô thời hạn, có thể sang nhượng, thừa kế cho người khác. Những người mua lại phần diện tích kinh doanh của hộ trước được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ như người mua lần đầu”.

Các hộ kinh doanh đều có phiếu thu và biên lai thu phiếu trước bạ nhà đất về việc chuyển nhượng quầy, kios chợ Trung tâm. Theo quyết định này, các kios là tài sản cố định của người dân và người dân có toàn quyền sử dụng. Trong gần 20 năm nay, các tiểu thương vẫn buôn bán yên ổn tại chợ. Bỗng nhiên, ngày 14/3/2011, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì Nguyễn Quốc Liên ký Thông báo 346 về việc hoàn trả tiền đóng góp xây dựng chợ Trung tâm Việt Trì nhưng không có bất kỳ đối thoại nào với người dân. Điều này đã gây bức xúc cho các tiểu thương và đi ngược lại quyền lợi của họ.

Điều đáng nói ở đây, không biết vì lí do gì, ngay sau khi thành phố ra quyết định hoàn trả tiền đóng góp xây dựng chợ thì ngân hàng cũng ra thông báo thu hồi toàn bộ vốn mà bà con tiểu thương vay. Điều này khiến công việc kinh doanh của các tiểu thương vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn vì chạy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng.

Vừa thu xong lại tạm dừng…!

Cũng theo phản ánh của bà con tiểu thương chợ Trung tâm Việt Trì, ngay sau Thông báo số 346 của ông Nguyễn Quốc Liên về việc hoàn trả tiền đóng góp xây dựng chợ thì chỉ một tuần sau, không biết vì lý do gì mà UBND thành phố ra Thông báo số 354 ngày 22/3/2011 về tạm dừng việc hoàn tiền đóng góp xây dựng chợ Trung tâm Việt Trì với lý do xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ. Bà con rất bất bình về việc UBND thành phố Việt Trì thích lấy thì ra thông báo, không thích lại tạm dừng. Vấn đề đặt ra là, số phận của hàng nghìn con người đang sống nhờ việc buôn bán ở chợ nếu không có chỗ để kinh doanh thì họ sẽ làm gì để sống và cuộc sống của gia đình họ sẽ như thế nào?

Các tiểu thương  không biết làm gì khi không có chỗ kinh doanh

Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND thành phố Việt Trì thì được biết, ông Nguyễn Quốc Liên, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì - người ký văn bản thông báo trên đã chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Việt Trì. Người thay ông Liên là ông Lê Hồng Vân, một lãnh đạo khác mới được luân chuyển về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, ông mới nhận công tác tại UBND thành phố Việt Trì được 1 tháng nên những công việc của thành phố từ trước đến nay ông chưa nắm được. Những vướng mắc nảy sinh trong Thông báo 346 là do người tiền nhiệm để lại. Nhưng khi biết người dân phản ảnh về bất cập của Thông báo 346, ông Vân đã phải ký ngay Quyết định 354 để tạm dừng việc này.

Ông Lê Hồng Vân cho rằng, vấn đề này liên quan đến quyền lợi của người dân thì phải được giải quyết theo hướng giữa Nhà nước và nhân dân cùng trao đổi, bàn bạc và đối thoại chứ không áp đặt. Ông Vân khẳng định, quan điểm của thành phố sẽ là đối thoại và đảm bảo quyền lợi của người dân. Ông Lê Hồng Vân hứa sẽ giải quyết việc này sau bầu cử. “Trên tinh thần đối thoại giữa Nhà nước và nhân dân chúng tôi sẽ trao đổi để tìm ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Theo quan điểm của tôi là sẽ bàn với người dân, còn nếu lấy ý chí của chính quyền để áp đặt là không thể được. Theo tôi quyền lợi phải đứng về phía người dân”, ông Lê Hồng Vân nói.

Mong rằng, với quan điểm và lời hứa của ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì đưa ra, thành phố sẽ sớm đối thoại và trao đổi với người dân để đưa ra hướng giải quyết đúng đắn. Việc này cần được làm nhanh để bà con yên tâm, ổn định việc làm ăn, lấy lại niềm tin của người dân với chính quyền thành phố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên