An toàn vệ sinh lao động trong các công ty đại chúng

Các công ty đại chúng muốn phát triển một cách bền vững, nhất thiết cần phải quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động

Sáng nay (19/12), tại Hà Nội, Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Việt Nam (VOSHA) tổ chức hội thảo “Công tác ATVSLĐ trong các công ty đại chúng”. PGS. TS. Nguyễn An Lương, Chủ tịch VOSHA chủ trì Hội thảo. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận làm rõ các quan điểm, vai trò, vị trí, yêu cầu và nội dung trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, trong đó đi sâu vào công tác an toàn vệ sinh lao động trong các Công ty đại chúng trong thời điểm đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Phần lớn các báo cáo tham luận của đại diện một số cơ quan nghiên cứu, hiệp hội liên quan, các công ty đại chúng đều cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là các công ty đại chúng, công ty niêm yết muốn phát triển một cách bền vững, tăng năng suất lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận, tăng uy tín và giá trị thương hiệu của mình, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, thì nhất thiết phải quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong báo cáo hàng năm của các công ty này mới chỉ tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, thu chi tài chính… mà không có nội dung về an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hồng, PGS.TS Nguyễn An Lương, công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường luôn gắn liền với quá trình lao động, sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất nên cũng gắn liền với trách nhiệm của toàn thể các cá nhân, đơn vị trong các cơ sở sản xuất. Ai tổ chức sản xuất kinh doanh cũng đều phải lo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ, BVMT tại các cơ sở sản xuất của mình nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật và sự quản lý của Nhà nước về ATVSLĐ, BVMT. Đồng thời, những người lao động muốn tham gia vào quá trình lao động, sản xuất kinh doanh thì bên cạnh các kiến thức, kinh nghiệm về nghề nghiệp cần phải có các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ, BVMT. Việc các cơ sở sản xuất quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, BVMT đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các cơ sơ sản xuất thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Các đại biểu cũng đề xuất trách nhiệm của các công ty đại chúng đối với vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Đó là làm cho mọi người, các nhân viên phải tuân thủ chế độ lao động, xây dựng được những hình ảnh tốt cho công ty, cho bản thân; Nghiêm ngặt thực thi các quy định của công ty nơi cá nhân công tác, trong lĩnh vực chứng khoán. Việc vận hành máy móc thiết bị, tiếp xúc với khách hàng, chống các biểu hiện lợi dụng tiền, chứng khoán chính là những nội dung trong an toàn, vệ sinh lao động…

Công ty đại chúng là khái niệm còn rất mới, lần đầu tiên ra đời cùng Luật Chứng khoán 2006 với các dấu hiệu sau đây:

- Trước hết, phải là một công ty cổ phần;

- Một công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng khi có một trong 3 điều kiện:Đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; Có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch hoặc Trung tâm giao dịch Chứng khoán; Có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu; có vốn Điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên