Vụ thảm sát ở Bình Phước: Báo chí đang khoét sâu nỗi đau?

VOV.VN - Trong vụ thảm sát ở Bình Phước, báo chí đã cố tình tạo thêm sự
đau đớn cho thân nhân người bị nạn và gây thêm hoang mang cho xã hội.

Mấy ngày qua, dư luận vẫn “nóng ran” với câu chuyện bi thảm tại Bình Phước. 6 người trong một gia đình bị giết hại trong một đêm. 2 nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Nhìn bản chất vấn đề đây là vụ án man rợ bất thường thay vì nhìn nó như là một sự bất an trong xã hội là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tâm lý, luật sư.

Nghe nội dung bài viết:


Theo Thạc sỹ, luật sự Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội, cái ác thời nào cũng có và xã hội nào cũng có. Ngay cả ở Mỹ, hay các nước Bắc Âu và nhiều nước phát triển khác cũng vẫn diễn ra những thảm cảnh tương tự; vẫn có những chuyện trái ngược với luân thường đạo lý, niềm tin thiện đức…Vì vậy, mỗi người cần nhìn nhận vụ án này như trường hợp cá biệt để vơi đi nỗi lo bất an không đáng có.

“Đây là một vụ án gây chấn động dư luận, nó không chỉ đơn thuần là có số người chết nhiều mà ở sự tàn độc và lý do giết người rất nhỏ. Tuy nhiên, nó không phải là hiện tượng phổ biến trong xã hội ta bởi ở những xã hội hiện đại, phát triển như các nước châu Âu, châu Mỹ đây đó vẫn xảy ra những vụ án mạng như này”, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết.

Bị can Nguyễn Hải Dương

Tuy vậy, nhìn vụ việc này cũng như một số vụ án nghiêm trọng khác cho thấy, tỷ lệ tội phạm là những người trẻ, có học thức, nhân thân tốt đang gia tăng cũng cần phải được vạch rõ nguyên nhân để ngăn ngừa những vụ việc tương tự. Tiến sỹ Lê Nguyễn Thanh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM phân tích trên báo Tuổi Trẻ rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy nhiều người trẻ đang bị cô đơn và không có người chia sẻ.

Thực tế, mạng xã hội, khoa học phát triển khiến con người sống cô độc hơn. Những người thân trong gia đình hiện đại giờ ít chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, thậm chí cả những thứ mà họ cho rằng đó là sự tự ái của bản thân. Khi những nỗi buồn này tích tụ lâu ngày thì hình thành nên việc muốn giải quyết theo hướng tiêu cực.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng: “Tình hình tội phạm gần đây có xu hướng trẻ hóa. Để giải quyết tình trạng này cần phải tăng cường công tác giáo dục ngay từ trong gia đình, nhà trường để hạn chế tình trạng sử dụng bạo lực. Chúng tôi cho rằng cần phải có những biện pháp giáo dục đồng bộ thì mới có thể giáo dục giới trẻ có cái nhìn đúng đắn, hạn chế sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn xã hội. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu áp dụng đồng bộ được các biện pháp đó, chúng ta mới đẩy lùi được tội phạm”.

Trong vụ án ở Bình Phước, điều đáng tiếc, báo chí đã cố tình tạo thêm sự đau đớn cho thân nhân người bị nạn và gây thêm hoang mang cho xã hội khi đăng tin bài dày đặc với những tình tiết giật gân, câu khách, khoét sâu vào miêu tả tình tiết giết người man rợ và tùy tiện suy diễn.

Một tình huống ngoài dự kiến xảy ra tại buổi họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ trọng án này khi có 3 thành viên trong gia đình nạn nhân xin cơ quan công an hãy minh oan cho một nạn nhân bị giết trong vụ án. Bởi theo họ, báo chí đã thông tin một nạn nhân dù biết cướp mà vẫn mở cửa cho thủ phạm vào nhà. Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và trật tự xã hội, Bộ Công an đã khẳng định, các nạn nhân trong vụ án đều không liên quan. Ông Hồ Sĩ Tiến cũng kêu gọi báo chí hãy thôi nghi ngờ gia đình!

Họp báo thông tin về vụ án tại Bình Phước (Ảnh: Vinh Quang)

Câu chuyện báo chí đăng tin bài kiểu giật gân, câu khách không mới nhưng luôn nóng hổi. Nhiều người cho rằng, với cách đưa tin này, người làm báo như đang làm đau đớn thêm nạn nhân một lần nữa khi xào xáo, bới móc chuyện đời riêng của họ.

Nhà báo Việt Văn của báo Lao Động nhìn nhận: “Đó là hiện tượng khá phổ biến không lành mạnh trên báo chí, đi vào sâu vào đời tư, khai thác những tình tiết giật gân của vụ án. Nếu tôi không nhầm thì có rất ít vụ kiện vì báo chí xâm phạm vào đời sống riêng tư, chính vì chúng ta chưa có những hành lang pháp lý rõ ràng, mạch lạc. Vì thế, việc vi phạm còn tiếp diễn vì họ chỉ bị khiển trách, nhắc nhở.”

Luật sư Phạm Thanh Bình mong muốn Ban biên tập và mỗi phóng viên cần nêu cao đạo đức báo chí: “Những người đứng đầu cơ quan báo chí phải có định hướng tốt cho tờ báo của mình. Các cơ quan quản lý báo chí phải chấn chính phù hợp để hạn chế khai thác khía cạnh bạo lực để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của một bộ phận nhỏ nhưng ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của giới trẻ”.

Trên trang fanpage của chương trình, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến của thính giả về chủ đề này, trong đó có nhiều nhà báo bày tỏ sự bức xúc về những đồng nghiệp của mình khi đưa tin vụ việc. Thính giả Phạm Hân Anh bày tỏ: “Lôi cả người chết ra kết tội, đưa cả bố mẹ, hàng xóm hai hung thủ lên cho thiên hạ chiêm ngưỡng! Với hành động này thì một số tờ báo ác không kém gì hung thủ”.

Thính giả có nickname Hoa Ban Trắng cho rằng, điều đọng lại sau vụ án ở Bình Phước là sự bất nhẫn của một số trang mạng. Họ có thể kết tội bất kỳ ai, moi móc đủ thứ...

Thính giả Lê Anh Tú bày tỏ: “Tôi rất dị ứng với mấy bài báo đó, toàn nghe hơi nồi chõ, hoặc xuyên tạc, hoặc phát ngôn bừa bãi, ko đúng luật, đúng đạo đức nghề nghiệp. Bệnh này không những không giảm mà lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các báo…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên