Vẫn nóng việc chạy học trái tuyến

Những ngày này các bậc phụ huynh tất bật lo việc học hành con em mình, nhất là những người có con chuẩn bị vào học mầm non, lớp 1 và lớp 6. Nóng nhất là việc chạy trái tuyến.

Hàng loạt câu hỏi không nên đặt ra nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác mà chưa ai có thể trả lời xác đáng.

Việc chạy học trái tuyến là vấn đề nóng thường xuyên ở các thành phố lớn, và nóng nhất là ở những đô thị lớn. Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ mới công bố cho thấy, Hà Nội có nhiều học sinh trái tuyến nhất. Và vì thế năm nay, cùng với giảm qui mô, giảm sĩ số học sinh trong một lớp, ngành giáo dục Hà Nội kiên trì mục tiêu giảm số học sinh trái tuyến. Quyết tâm là vậy nhưng điều đó không hoàn toàn nằm trong tay của ngành giáo dục.

Đối với Hà Nội, những năm gần đây có sự biến động nhiều về dân cư, rất khó nắm bắt ở từng quận, từng phường. Việc trao quyền cho hiệu trưởng các trường kiểm tra theo đăng kí hộ khẩu cũng cho thấy đây không phải là giải pháp đúng. Mặc dù Hà Nội rất quan tâm đến việc này và thường xuyên tăng đầu tư thêm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, đồng thời nâng cấp, mở rộng qui mô nhiều trường khác, nhung số học sinh trái tuyến vẫn không giảm. Điều này cho thấy sự bất cập và không hợp lí trong việc phân tuyến học sinh của từng quận nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Ví dụ, năm học tới Trường THCS Nguyễn Du - quận Hoàn Kiếm được chuyển đến một địa điểm mới, từ phường Hàng Bài sang phường Hàng Gai. Nếu không phân tuyến lại cho hợp lí thì hàng trăm học sinh lớp 6 tới đây sẽ phải đi học xa thêm nhiều ki-lô-mét. Ở nơi phố phường chật hẹp như quận Hoàn Kiếm, các em 11 – 13 tuổi cho dù được cha mẹ đưa đón hay tự đi xe đạp xa nhà như thế thì cũng góp phần thêm vào tình trạng ùn tắc giao thông, và có thể là cả những tai nạn không đáng có.

Trong xu thế mở rộng đô thị, tình trạng bất cập trong phân tuyến học sinh cũng xảy ra ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… và các đô thị khác nữa. Cách đây vài năm, TP HCM qui định cho các trường kiên quyết không nhận học sinh trái tuyến, nhưng rồi cách làm này đã “phá sản”. Chưa thể giải quyết ngay từ gốc rễ, nên nhiều năm qua ngành giáo dục phải điều hoà từ phần giữa đến ngọn, cho dù không thể thoả mãn được nhu cầu chung, song cũng là nỗ lực đáng ghi nhận. Thế nhưng, việc thi tuyển học sinh trái tuyến không phải ở nơi nào áp dụng cũng phù hợp. Bây giờ thì các thành phố lớn đều qui định cho các trường trước hết là nhận học sinh đúng tuyến, còn chỉ tiêu mới nhận trái tuyến. Đây là cách làm xem ra dung hoà, cho dù vẫn chấp nhận tiêu cực ở một mức độ nào đó.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Trần Quang Quí mới đây phải thừa nhận, có nhiều vi phạm trong tuyển sinh đầu cấp, trong việc xét tuyển sinh trái tuyến. Một cuộc điều tra cho thấy 71% phụ huynh sẵn sàng chi tiền để nhờ vả. Tuy không có văn bản nào qui định trường “điểm”, nhưng các bậc phụ huynh thường muốn con vào học ở trường nào có cơ sở vật chất khang trang, có đội ngũ giáo viên giỏi (theo đánh giá chủ quan của các bậc phụ huynh), hoặc vào nơi có ít học sinh hư, có chương trình mới, hoặc đơn giản là trường học của con em gần nơi mình làm việc… Và thế là, trưởng phòng giáo dục các quận và hiệu trưởng các trường năm nào cũng chịu rất nhiều áp lực về chuyện xin học, nhiều khi mang tiếng vì không thể giải quyết cho thoả đáng. Có hiệu trưởng cứ đến thời gian này trong năm là phải cắt hết các đường điện thoại liên lạc. Nếu không, chỉ riêng trả lời điện thoại cũng hết thời gian làm việc.

Vậy là, vấn đề chạy học trái tuyến có hàng loạt câu hỏi không nên đặt ra nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác mà chưa ai có thể trả lời xác đáng. Theo Cục Chống tham nhũng - Thanh tra chính phủ, các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc chạy học trái tuyến, mặc dù là cá biệt, giá trị không lớn, song gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt. Vì vậy, trong điều kiện ngành giáo dục đang phải giải quyết vấn đề từ giữa đến ngọn, hơn ai hết chính là các bậc phụ huynh cùng các thầy cô giáo, nhà trường và các nhà quản lí cần chung sức trả lời những câu hỏi trong vấn đề chạy trường trái tuyến.

Về lâu dài, các đô thị, thành phố lớn trong quá trình phát triển cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều trường từ mầm non đến các cấp học, đảm bảo trên địa bàn từng phường, quận có đủ trường học với qui mô, khoảng cách phù hợp. Đồng thời ngành giáo dục có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy ở các trường cho đồng đều, quan tâm đến cả các trường ngoài công lập. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề này từ gốc rễ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên