Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Israel vì lợi ích mỗi quốc gia

Theo đánh giá chung, kinh tế - thương mại tiếp tục sẽ là “điểm nhấn” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Israel Shimon Peres.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 23/11 Tổng thống Nhà nước Israel Shimon Peres sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của các nhà lãnh đạo Israel tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993.

Một góc thành phố Haifa

Trong khuôn khổ chuyến thăm, sẽ có khoảng 60 doanh nghiệp Israel đến tìm hiểu thị trường Việt nam. Theo đánh giá chung, đây là cơ hội để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực về kinh tế thương mại, hợp tác khoa học kỹ thuật.

Với dân số khoảng 7,5 triệu người, Israel nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, giáp với Lebanon, Syrie, Jordan và Ai Cập. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng với ngành công nghệ cao và khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế. Israel là một trong 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Không chỉ mạnh về khoa học - công nghệ, Israel còn là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về nông nghiệp, công nghiệp. Trong đó, tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đứng thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, chỉ sau thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. Năm 2010, GDP của Israel đạt 201 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế 3,4%. Còn trong năm nay, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Israel, tăng trưởng GDP của Israel ước đạt gần 5%.

Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2/7/1993), Việt Nam và Israel đã có nhiều hoạt động mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm khoa học - công nghệ… đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiêp, thủy lợi, y tế.

Trên nền tảng hợp tác tốt đẹp sẵn có, quan hệ Việt Nam - Israel đã có nhiều bước phát triển mới. Tháng 3/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Về phần mình, Israel rất chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao thị trường Việt Nam và quan hệ với Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN tại thành phố Jerusalem trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Israel Shimon Peres khẳng định: “Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến Việt Nam - một đất nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, về quá trình dành độc lập, cũng như những nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế. Tôi còn nhớ trong những năm 50 của thế kỷ trước, Thủ tướng Israel Ben Gurion và Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn đã gặp gỡ nhau ở Paris. Cả hai nhà lãnh đạo đều ấp ủ những hoài bão lớn xây dựng đất nước. Thủ tướng Ben Gurion đã kể về bối cảnh lúc ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, sẽ có một đoàn doanh nghiệp lớn của Israel trong nhiều lĩnh vực cùng chúng tôi sang tìm hiểu thị trường Việt Nam. Với gần 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường lớn, giàu tiềm năng đối với Israel. Chúng tôi mong đợi chuyến thăm lần này để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước”. 

Theo đánh giá chung, kinh tế - thương mại tiếp tục sẽ là “điểm nhấn” trong chuyến thăm lần này. Hiện, kim ngạch thương mại Việt Nam - Israel năm 2010 đạt hơn 220 triệu USD, tăng 34% so với năm 2008. Để tạo thuận lợi cho hợp tác song phương, hai nước đã ký một loạt các văn kiện pháp lý như Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại năm 1996; Hiệp định hợp tác du lịch 1996, Hiệp định hợp tác nông nghiệp 1997, Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại 2004, Hiệp định hợp tác văn hóa - thông tin 2005; Nghị định thư hợp tác tài chính, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế đối với thu nhập và tài sản 2009… Thống kê cho thấy, Israel xếp thứ 54 trong tổng số 93 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 9 dự án và tổng số vốn đăng ký gần 33,8 triệu USD.

Năm nay, Israel tiếp tục cấp tín dụng bổ sung cho Việt Nam 100 triệu USD. Ngoài ra, với những kinh nghiệm quý của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, Israel đã cử nhiều chuyên gia sang chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, thiết lập các trại nông nghiệp mẫu tại Hà Giang, Hà Tây, Hà Nội… Một số dự án hợp tác nông nghiệp (trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa) sử dụng công nghệ của Israel tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Lạt và TP HCM đã đạt được những kết quả bước đầu và đang phát huy hiệu quả.

Phóng viên Đài TNVN chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Israel Shimon Peres tại Jerusalem.

Đánh giá chung về quan hệ hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Israel ông Đinh Xuân Lưu cho biết: “Quan hệ Việt Nam - Israel đang có nhiều bước phát triển mới đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích cho cả hai nước”.

Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường hợp tác về kinh tế, 2 nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác về giáo dục - đào tạo và khoa học kỹ thuật; đặc biệt là tăng cường giao lưu hợp tác hiểu biết lẫn nhau. Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị ấy, theo Tổng thống Israel Shimon Peres, thanh niên sẽ là “cầu nối” giữa hai nước.

Đón chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Israel Shimon Peres, Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia Arập và Israel, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Israel, đặc biệt trong các lĩnh vực Israel có thế mạnh như khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, lao động, du lịch, công nghiệp quốc phòng…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên