Sử dụng nhân tài trong Cách mạng Tháng Tám

Họ tìm thấy ở cuộc cách mạng Tháng Tám những giá trị tốt đẹp và những khát vọng mà những người yêu nước, giàu tinh thần dân tộc như họ đều mong muốn.

Nhìn lại cuộc cách mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945 dẫn tới việc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chúng ta không thể không nhắc tới việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chính sách quy tụ nhân tài và sử dụng nhân lực đúng người đúng việc để phát huy sở trưởng trong giai đoạn đầu của chính quyền cách mạng non trẻ và cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hoà Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, là Chủ tịch nước Việt Nam độc lập. Được gặp Bác, người kỹ sư trẻ tuổi Phạm Quang Lễ vô cùng xúc động trước sự gần gũi, giản dị và đặc biệt bị cuốn hút bởi những lý tưởng, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của Bác Hồ. Chuyện kể lại rằng, sau một thời gian cùng Bác đi thăm các nơi, một hôm Bác nói với ông: “Ngày kia Bác về nước, chú có về cùng Bác?”. Bác không hỏi là ông có muốn về hay không. Tuy vậy, đối với ông, việc về nước đã được chuẩn bị từ lâu, nên ông nhận lời ngay.

Ngoài Phạm Quang Lễ, còn có hai người cùng về với Bác là: Võ Quy Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước. Kỹ sư Phạm Quang Lễ sau đó được chính Bác Hồ đặt cho cái tên mới là Trần Đại Nghĩa. Cái tên này, con người này đã gắn bó cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc mà nổi bật là việc chế tạo vũ khí cho quân đội chiến đầu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Không chỉ có Trần Đại Nghĩa, người tài ở khắp nơi đã tụ về dưới ngọn cờ đại nghĩa vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Từ những nhân sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, những quan lại trong triều đình nhà Nguyễn như cụ Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè, Bùi Bằng Đoàn cho tới các trí thức lớn như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Trịnh Đình Thảo…và rất nhiều danh nhân, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân sẵn sàng từ bỏ danh lợi, cuộc sống nhung lụa để góp công sức, trí tuệ cho cách mạng, bảo vệ nền độc lập. Họ tìm thấy ở cuộc cách mạng Tháng Tám những giá trị tốt đẹp và những khát vọng mà những người yêu nước, giàu tinh thần dân tộc như họ đều mong muốn. Đó là dân tộc thoát khỏi ách nô lệ lầm than; là đất nước độc lập, tự do; là mọi người Việt Nam đều được làm người; là cuộc sống ấm no.

Nhà sử học Dương Trung Quốc ca ngợi Đảng và Bác Hồ đã khéo dùng người và nhìn nhận tư tưởng sử dụng người tài của Bác Hồ ở khía cạnh rộng hơn: "Bác Hồ thường dùng thành ngữ “dụng nhân như dụng mộc”. Mà trong khi đó, Bác Hồ quan niệm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đại đoàn kết toàn dân là nguồn lực quan trọng nhất. Vì thế tôi hiểu ý Bác Hồ quan niệm nhân tài là cái tài của mỗi con người, mà trong hoàn cảnh khác nhau thì làm sao đánh thức cái tài đó dậy, khai thác nó, tập hợp nó, tập hợp nó, tạo thành nguồn lực vĩ đại của nhân dân".

Sau khi Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong bối cảnh hết sức khó khăn phải đối đầu với 3 thứ giặc “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, trong các bài viết đăng trên báo Cứu Quốc số 58 ngày 4/10/1945; số 91, ngày 14/11/1945 và số 411, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ quan điểm của chính quyền cách mạng trong việc kêu gọi người tài đức cùng tham gia gánh vác công việc của nước, của dân.

Bác viết “Việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng…có lòng trung thành với Tổ quốc.” “ “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ không nghe đến, không thấy khắp, đến nỗi những bậc hiền tài không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.…các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”… Có thể nói, việc thu hút và tập hợp được những người tài là một hình ảnh đẹp, sinh động để kêu gọi và tập hợp “năng lượng” của cả một dân tộc cho công cuộc kiến quốc và kháng chiến sau này.

Không chỉ là sự cụ thể hoá tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc mà việc kêu gọi nhân tài tham gia cách mạng của Đảng và Bác còn là thể hiện việc coi trọng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hồng phúc của dân tộc Việt Nam là có Bác Hồ, lãnh tụ thiên tài đã biết tập hợp, sử dụng người tài có ở trong dân để giúp nước, giúp cách mạng trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”. Những tư tưởng vĩ đại đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành di sản vô giá và còn nguyên giá trị sâu sắc trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang tiến hành đổi mới toàn diện, mạnh mẽ để thực hiện cho được những mục tiêu mà cách mạng tháng Tám hướng tới. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên